Báo Công An Đà Nẵng

Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV: Chất vấn nhiều vấn đề nóng

Thứ tư, 31/10/2018 07:50

Ngày 30-10, Quốc hội khóa XIV đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên. Điểm mới trong phiên chất vấn lần này là không chất vấn theo nhóm vấn đề, không lựa chọn danh sách “cứng” người ngồi “ghế nóng” mà chất vấn tất cả thành viên Chính phủ. Những bộ trưởng, trưởng ngành nào có nội dung liên quan đều phải trả lời. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được phát thanh, truyền hình trực tiếp thu hút đông đảo cử tri cả nước quan tâm, theo dõi.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn.

Tập trung truy bắt 11,7 nghìn tội phạm truy nã

 Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 30-10, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm về tình trạng còn hơn 11,7 nghìn tội phạm truy nã đang ở ngoài xã hội, cùng những giải pháp căn cơ để giảm tính nguy hại từ các đối tượng này. Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, theo thống kê, lượng tội phạm truy nã hiện nay còn tồn tại trên 11,7 nghìn đối tượng, có thể dẫn tới những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, do đó phải tập trung để truy bắt. Về biện pháp, theo Bộ trưởng Tô Lâm, cần tăng cường công tác quản lý dân cư, quản lý cư trú, tăng cường việc “nắm người, nắm hộ” ngay từ cơ sở. Những biện pháp này lực lượng Công an đã cơ bản thực hiện nhưng vẫn phải tăng cường hơn nữa, đặc biệt là quản lý những giấy tờ tùy thân. “Chúng tôi đang thực hiện cải cách, từ chứng minh nhân dân, quản lý hộ khẩu cho đến quản lý căn cước công dân, sẽ có quá trình không thể làm giả mạo giấy tờ mà những đối tượng trốn truy nã đã lợi dụng”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.  Theo Bộ trưởng Tô Lâm, cần thực hiện tốt các biện pháp nghiệp vụ; tăng cường phát động quần chúng nhân dân phát hiện các đối tượng truy nã. Theo đó, một trong những biện pháp tích cực là gần sát với dân hơn nữa, tăng cường lực lượng công an cơ sở để quản lý các đối tượng ngay từ cơ sở.

 

“Quy định nào chưa hợp lý phải sửa cho dân nhờ”

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 30-10, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm về vụ một doanh nghiệp mua 100 USD của người dân khi không được pháp luật cho phép và đã bị Công an Cần Thơ khám nhà, tịch thu tài sản được cho là không có nguồn gốc với câu hỏi việc làm này đúng hay sai? Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: Công an Cần Thơ đã bắt quả tang ông Lê Hợp Lực, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực, có hành vi thu mua 100 USD của ông Nguyễn Cà Rê mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền. Từ những căn cứ trên, Công an TP Cần Thơ đã tiến hành khám xét nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tại địa chỉ nhà ông Lực.

Qua khám xét, tạm giữ trên 1.000 sản phẩm kim loại màu vàng, màu trắng, đá hột, 4 sổ sách kinh doanh và một số tang vật khác. Ông Lực không xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, không có giấy phép mua bán ngoại tệ. Công an Cần Thơ có đủ căn cứ chứng minh hành vi vi phạm  hành chính. UBND TP Cần Thơ đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông Lực theo quy định của Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trên hoạt động thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm, bảo vệ người tiêu dùng. Hiện nay, ông Lực đã thi hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính này và không có khiếu nại hay khởi kiện.

Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét, đây là vụ việc gây bức xúc cho xã hội. “Dù chúng ta có nghị định xử phạt như thế nhưng tính chất của việc một người có 100 USD đi đổi chứ không phải là đi kinh doanh ngoại tệ. Có vi phạm nhưng tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét lại quy định này. Về tính chất từng vụ việc và việc khám xét nhà phải đúng luật và thực hiện đúng thời gian. Tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, chỉ đạo thực hiện đúng pháp luật. Quy định nào chưa hợp lý phải sửa cho dân nhờ”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Làm gì để khắc phục tình trạng xuống cấp của đạo đức

Trước tình trạng nhiều hành vi gây bức xúc xã hội thời gian qua, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 30-10, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch về các giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp đạo đức xã hội và đạo đức gia đình. Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng đây là vấn đề quan trọng, cần thực hiện trong thời gian dài. “Lĩnh vực này có lẽ cũng xuất phát từ gốc đó là kinh tế. Chúng ta nếu giải quyết vấn đề này mà bỏ lĩnh vực kinh tế sang một bên thì không giải quyết được. Bởi vì cái gốc của vấn đề vẫn là kinh tế, tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội. Kinh tế là cái gốc...” - Bộ trưởng khẳng định.

Không đồng tình với trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) tranh luận: Muốn phát triển văn hóa và đạo đức xã hội thay đổi thì cần phải phát triển kinh tế. Rõ ràng “phú quý sinh lễ nghĩa” nhưng tiền không thể mua được văn hóa, không thể mua được đạo đức xã hội. Con người có đạo đức, nhân cách, hình thành từ gia đình, bố mẹ là tấm gương cho các con. Thầy cô cũng phải là tấm gương cho học trò, tiên học lễ hậu học văn; đây là việc quan trọng để ngăn chặn sự xuống cấp của đạo đức xã hội. Trước đây đất nước còn nghèo, rất khó khăn, nhưng đạo đức xã hội vẫn được duy trì, văn hóa rất tốt; hiện nước ta thoát nghèo, thu nhập trung bình, vấn đề nền tảng đạo đức của xã hội đang bị xuống cấp một cách trầm trọng. Đâu là nguyên nhân? - đại biểu đặt câu hỏi.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đáp lời: “Tôi nói cả xã hội phải vào cuộc và chính sự xuống cấp của đạo đức xã hội xuất phát từ các ngành kinh tế, từ lĩnh vực kinh tế. Cho nên chúng ta phải xử lý ở các lĩnh vực đó, không chỉ có xã hội. Nếu như vẫn để cho mỗi ngành văn hóa và các ngành xã hội cứ loay hoay thì không giải quyết được vấn đề xuống cấp” - Bộ trưởng nói. Theo bộ trưởng, nếu không có những giải pháp đồng bộ, các nhiệm kỳ sau, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục bị chất vấn về vấn đề đạo đức xã hội. Đây là việc không thể giải quyết một sớm, một chiều.

Không có vấn đề lớn trong việc nhập khẩu ô-tô của Việt Nam

Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) dẫn chứng: Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến nay có 32.000 xe ô-tô được nhập khẩu về Việt Nam. Trong đó, trên 90% xe được nhập khẩu từ các nước ASEAN. Dù thuế nhập khẩu giảm từ 30% xuống 0% nhưng giá xe nhập khẩu từ các nước ASEAN thực chất không giảm, thậm chí một số mẫu xe khách hàng phải chịu giá cao hơn trước đây. Đặt vấn đề: Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn, Nhà nước sẽ thất thu thuế, người tiêu dùng thiệt hại về kinh tế. Chỉ có doanh nghiệp nhập khẩu hưởng lợi lớn, đại biểu đặt câu hỏi: Với chức năng quản lý nhà nước, Bộ Công Thương lý giải như thế nào về tình trạng bất thường nói trên, ai là người phải chịu trách nhiệm?

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN (AFTA) của Việt Nam ký với ASEAN quy định ngày 1-11-2018, hàng rào thuế quan đối với sản phẩm ô-tô là bằng 0. Đồng thời, sắp tới hàng loạt hiệp định thương mại tự do khác mà Việt Nam đang tiếp tục thực hiện, ký kết và triển khai thực hiện. Đây là những cam kết của các nước thành viên trong cắt giảm cung hàng rào thuế quan để tiếp cận thị trường nội địa cho các doanh nghiệp và các nước khác.

 Theo Bộ trưởng, bên cạnh việc cắt giảm thuế quan, Việt Nam có những điều kiện để tăng cường hơn nữa những nguồn thu thuế khác từ doanh nghiệp, từ các lĩnh vực sản xuất và những nguồn thu khác cho ngân sách nhà nước. Đó là điểm đạt được sự cân bằng cho việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với các nước, trong đó có các nước ASEAN. Bộ trưởng nhấn mạnh: Qua thống kê, từ đầu năm đến nay, việc nhập khẩu ô-tô từ ASEAN vào Việt Nam chưa có mức độ tăng đột biến trên tổng thể chung của kim ngạch nhập khẩu ô-tô hàng năm đối với thị trường nội địa. Về cơ bản, quy mô thị trường ô-tô nội địa khoảng gần 500.000 ô-tô và nhập khẩu hàng năm khoảng trên dưới gần 200.000 ô-tô nhập khẩu, còn lại là sản phẩm trong nước. Vì vậy, không có những vấn đề lớn đặt ra trong câu chuyện về thị trường nội địa và việc nhập khẩu ô-tô của  Việt Nam.

Nan giải ô nhiễm môi trường ở cụm công nghiệp

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắc Nông) về vấn đề ô nhiễm các khu, cụm công nghiệp, làng nghề hiện nay, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định: Hiện nay có trên 80% các khu công nghiệp đã đầu tư hệ thống hạ tầng, trong đó có trên 10% lắp đặt hệ thống quan trắc tự động. Riêng cụm công nghiệp hiện nay tình hình hết sức nan giải. Trên thực tế, các cụm công nghiệp là do địa phương quy định đầu tư nên nguồn lực, nguồn nhân lực và vấn đề đầu tư còn hết sức hạn chế. Do đó, tỷ lệ đầu tư hạ tầng đặc biệt là đối với hạng mục xử lý nước thải tập trung, giám sát môi trường của các cụm công nghiệp đang là vấn đề đặt ra xem xét hiện nay. Trước tình hình trên, Chính phủ đã ban hành 4 nghị định quy định cụ thể về quyền hạn, trách nhiệm, nội dung để kiểm soát đối với các khu, cụm công nghiệp và làng nghề.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, thời gian tới, cần tập trung chấn chỉnh công tác quản lý đối với các cụm công nghiệp do hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất với công nghệ lạc hậu, đặc biệt là các cơ sở tái chế, đã chuyển về các cụm công nghiệp. Các cơ sở này đều trang bị công nghệ lạc hậu, trang thiết bị đầu tư cho vấn đề xử lý môi trường không đáp ứng thực tiễn. Bên cạnh đó, nhiều cụm công nghiệp có người dân sinh sống nên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sức khỏe của người dân.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tích cực tiến hành thanh, kiểm tra nhằm xem xét, đánh giá lại các tiêu chí đáp ứng yêu cầu môi trường đối với các làng nghề cũng như cụm công nghiệp. “Đối với các khu công nghiệp, chúng ta sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra, giám sát thường xuyên để đến cuối nhiệm kỳ đảm bảo bất cứ khu công nghiệp cũ và mới nào đều phải đáp ứng và tuân thủ các quy định về môi trường”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

THU THỦY – TTXVN

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn: Lỗi do tổng hợp hay do bộ, ngành báo cáo?

Là người đầu tiên thực hiện quyền tranh luận tại phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) nêu: “Sau khi Trưởng ban Dân nguyện công bố báo cáo giám sát thì cử tri TP Đà Nẵng có gọi ra cho tôi thắc mắc: Đến nay còn 29 ý kiến của cử tri Đà Nẵng gửi các bộ, ngành; đáng chú ý có những ý kiến đã trải qua 2 kỳ họp đến nay vẫn chưa được trả lời. Tuy nhiên, trong báo cáo nói 100% kiến nghị đã được giải quyết. Vậy, lỗi do tổng hợp hay do bộ, ngành báo cáo?”.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trả lời câu hỏi tranh luận của ĐB Nguyễn Bá Sơn rằng: “Theo quy định, về kiến nghị của cử tri, sau khi bộ, ngành trả lời sẽ gửi tới đoàn ĐBQH nơi cử tri có kiến nghị và gửi đến Ban Dân nguyện. Theo số liệu chúng tôi tập hợp được và văn bản trả lời của bộ, ngành gửi tới Ban Dân nguyện thì tới nay các kiến nghị của cử tri đều được trả lời. Thế nhưng, ý kiến mới được trả lời còn tỷ lệ giải quyết còn rất ít. Các văn bản, kiến nghị của cử tri đều đã được hồi âm là đã nhận được và đã, đang xem xét xử lý, còn tỷ lệ giải quyết đúng là còn thấp”.

Không đồng ý với phần trả lời của Trưởng ban Dân nguyện, ĐB Nguyễn Bá Sơn đã dùng hết quyền tranh luận của mình để tiếp tục làm sáng tỏ nội dung ý kiến đã nêu. Theo đại biểu Sơn: “Đoàn ĐBQH và cử tri Đà Nẵng chưa nhận được bất cứ trả lời nào về việc giải quyết kiến nghị này (29 kiến nghị), chúng tôi có văn bản kèm theo. Trong đó, Bộ Y tế còn 18 kiến nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn 4 kiến nghị, Bộ Nội vụ còn 3 kiến nghị, Bộ Ngoại giao còn 1 kiến nghị, Thanh tra Chính phủ còn 3 ý kiến chưa được phúc đáp”.

Để kết thúc phần tranh luận này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu các Bộ, ngành vừa được ĐB Nguyễn Bá Sơn nêu tên, sau phiên chất vấn ngày hôm nay phải chỉ đạo trả lời ngay cho cử tri Đà Nẵng thông qua đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng.

Liên quan đến nội dung chất vấn, tranh luận này được biết, tại đợt tiếp xúc cử tri chuẩn bị kỳ họp thứ 6, QH khóa XIV; Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng đã báo cáo với cử tri là đến trước khi diễn ra kỳ họp này còn 29 ý kiến, kiến nghị của cử tri thành phố chưa được trả lời và Đoàn cũng đã có văn bản báo cáo, đề nghị Ban Dân nguyện cần làm rõ nguyên nhân của tình trạng này và thông tin cho Đoàn để thông báo cho cử tri thành phố Đà Nẵng biết trong lần TXCT kế tiếp.

VŨ HƯNG