Báo Công An Đà Nẵng

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV: Hôm nay , Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ

Thứ ba, 30/10/2018 09:39

Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, từ ngày thứ ba 30-10, Quốc hội sẽ dành 3 ngày để chất vấn đối với các thành viên Chính phủ.

Đại biểu Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng) phát biểu tại Hội trường.

Theo đó, buổi sáng 30-10, sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên chất vấn, đại diện Chính phủ trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Sau đó, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XI.

Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Quốc hội cũng sẽ nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.

Sau khi các đại biểu nghe các báo cáo trên, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn đối với các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, điểm mới trong phiên chất vấn tại kỳ họp này là Quốc hội sẽ không chất vấn theo nhóm vấn đề như thông lệ mà sẽ tiến hành chất vấn tất cả các thành viên Chính phủ, những bộ trưởng, trưởng ngành nào có nội dung liên quan đến các Nghị quyết về chất vấn, giám sát chuyên đề đều phải trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

* Ngày 29-10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019 - 2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017; đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020.

Tham gia thảo luận tại Hội trường, Đại biểu Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng) đề cập tỷ lệ ngân sách nhà nước (NSNN) dành cho toàn ngành Y tế có xu hướng giảm, trong đó, năm 2016 là 97.600 tỷ đồng, chiếm 7,67% tổng chi NSNN thì năm 2018 ước thực hiện là 92.715 tỷ đồng, chiếm 5,85% tổng chi NSNN. Với tỷ lệ như vậy, theo ĐB là chưa đảm bảo theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW của BCHTW khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Cũng theo ĐB, hiện nay, tỷ lệ chi từ tiền túi của người dân khi bị bệnh còn rất cao, theo thống kê thì năm 2016 là 43% tổng chi y tế quốc gia, chưa kể chi phí đi lại, ăn uống. Điều này chứng tỏ còn một tỷ lệ lớn người dân chưa tham gia BHYT và vì kiểm soát bội chi BHYT nên đã chưa bao phủ hết các dịch vụ y tế. Tỷ lệ chi từ tiền túi của người bệnh cao sẽ gây nên những tổn thất về tài chính, khiến nhiều gia đình đang ở mức sống trên trung bình trở thành đói nghèo sau khi điều trị bệnh. Theo WHO, tỷ lệ chi tiền túi của hộ gia đình cho y tế phải dưới 30% mới đảm bảo được công bằng trong chăm sóc sức khỏe. Mục tiêu của nước ta theo Nghị quyết số 20-NQ/TW là đến năm 2025, tỷ lệ này là 35% và tới năm 2030 là còn 30%. Do đó, ĐB Yến đề nghị CP quan tâm tiếp tục tăng chi NSNN cho Y tế.

Về thực hiện NĐ số 16/2015/NĐ-CP của CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, số lượng bệnh viện công thực hiện tự đảm bảo cho thường xuyên tăng nhanh qua các năm, từ 26 bệnh viện năm 2016 lên 80 bệnh viện năm 2017 và năm 2018 là 143 bệnh viện; đã giúp giảm chi ngân sách và giảm số lượng người hưởng lương từ NS. Tuy nhiên, theo ĐB Yến, với cơ chế tài chính hiện nay, các bệnh viện công lập, đặc biệt là các đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên đang rất khó khăn trong cân đối thu chi vì, giá dịch vụ y tế chưa tính đúng, tính đủ, mới tính chi phí trực tiếp và tiền lương, chưa tính chi phí quản lý và khấu hao tài sản; tiền lương vẫn tính ở mức lương cơ sở là 1.150.000 đồng. Do đó, ĐB đề nghị NSNN bổ sung mức chênh lệch này.

B.T - VGP- VŨ HƯNG

 -------------------------------

BỘ TRƯỞNG GIAO THÔNG VẬN TẢI NGUYỄN VĂN THỂ:

Thực hiện các dự án trọng điểm đúng trình tự, thủ tục

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể

Trong phiên thảo luận sáng 29-10 tại hội trường, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể đã tham gia giải trình về tiến độ, tình hình giải ngân thực hiện hai dự án quan trọng: Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể cho biết, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông  là một trong hai dự án trọng điểm quốc gia. Dự án tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông gồm 11 dự án thành phần, trong quá trình thực hiện, Bộ Giao thông Vận tải cần đánh giá tác động môi trường, ảnh hưởng của dự án, phải thống nhất khung chính sách về đền bù, giải phóng mặt bằng giữa các tỉnh mà dự án đi qua, thống nhất với các địa phương về quy mô, tuyến dự án đi qua, về vị trí các hầm chui, các cầu và vị trí các tuyến... nên mất rất  nhiều thời gian. Bộ phấn đấu trong năm 2018 sẽ phê duyệt toàn bộ 11 dự án, tập trung hoàn thiện thi công  trong năm 2020 và 2021.

Về sân bay quốc tế Long Thành, theo Bộ trưởng  Nguyễn Văn Thể cho biết, về tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng, tháng 3-2018, UBND tỉnh Đồng Nai đã trình Chính phủ để tổ chức thẩm định, góp ý. Tháng 7-2018, UBND tỉnh Đồng Nai trình lần thứ hai. Hiện nay, 25 thành viên của Hội đồng thẩm định quốc gia đã thống nhất ý kiến và hồ sơ đã trình Chính phủ, khả năng đầu tháng 11-2018 Chính phủ sẽ phê duyệt dự án.

Đối với phần nhiệm vụ của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ đã tiến hành tổ chức đấu thầu quốc tế, lập dự án tổng thể giai đoạn 1 cho Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, tháng 6-2018 đã ký hợp đồng chính thức lập dự án với liên danh 5 nhà thầu, trong đó có 3 nhà thầu của Nhật Bản. “Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ hoàn thành việc này vào tháng 7-2019, tháng 3-2019 xong báo cáo đánh giá tác động môi trường và tháng 10-2019 sẽ cố gắng báo cáo Quốc hội”, Bộ trưởng cho biết.

Về dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông, tháng 1-2019, sau khi nhận bàn giao mặt bằng, mỗi địa phương sẽ khẩn trương lựa chọn các đoạn tuyến đủ điều kiện để phê duyệt và thực hiện trước, sử dụng 14 nghìn tỷ đồng đã bố trí. Riêng với hơn 27.000 tỷ đồng Nhà nước đầu tư vào 654 km đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết đến tháng 9-2019, sau khi đấu thầu chọn được nhà thầu quốc tế hoặc nhà thầu trong nước tham gia 8 dự án vốn đối tác công tư, lúc đó mới bắt đầu chi trả theo tiến độ thực hiện. Bộ trưởng khẳng định Bộ sẽ nỗ lực tham mưu cho Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương cố gắng thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ đối với hai dự án trọng điểm quốc gia.

 -------------------------------

 

BỘ TRƯỞNG TÀI CHÍNH ĐINH TIẾN DŨNG:

Đảm bảo tính bền vững của ngân sách

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã tham gia giải trình làm rõ một số nội dung các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Về kết quả thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngân sách nhà nước 3 năm 2016-2018 và tính bền vững của ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, những kết quả đã đạt được trong 3 năm 2016-2018 là khá tích cực. Một số chỉ tiêu đã đạt được trước thời hạn. Tính bền vững của ngân sách nhà nước được củng cố, góp phần duy trì ổn định vĩ mô. Thu ngân sách nhà nước 3 năm đều vượt dự toán, đạt khoảng 54 - 55% kế hoạch (trong khi giá trị GDP đạt 52-53% kế hoạch). Tỷ trọng thu nội địa tăng từ 75% năm 2015 lên gần 82% năm 2018; trong khi quy mô thu ngân sách bình quân 3 năm 2016 – 2018 bằng 1,5 lần của giai đoạn bình quân giai đoạn 2011 – 2015. Tỷ trọng thu dầu thô và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm từ 23% xuống còn 18% trong cùng kỳ.

Về việc một số đại biểu nêu ý kiến về số tăng thu ngân sách nhà nước trong 3 năm qua chủ yếu là thu tiền sử dụng đất, Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa nhận điều này là đúng vì khoản thu này phụ thuộc nhiều vào thị trường và điều hành của chính quyền từng địa phương. Trong chi ngân sách, tỷ trọng chi cho đầu tư phát triển tăng, giảm tỷ trọng chi thường xuyên. Bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát chặt chẽ hơn, cả số tuyệt đối và tỷ lệ so với GDP. Nếu như bình quân giai đoạn 2011-2015 bội chi ngân sách nhà nước là 5,79% GDP thì năm 2018 dự kiến chỉ còn 3,67% GDP.

Giải trình về nghĩa vụ chi trả nợ gốc có xu hướng tăng nhanh khiến một số đại biểu Quốc hội băn khoăn, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu nguyên nhân, trong giai đoạn 2012-2014, trước tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, để có nguồn lực ổn định vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, Việt Nam đã phải huy động một lượng lớn trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 3 - 5 năm, dẫn đến nhu cầu chi trả nợ gốc chủ yếu rơi vào thời điểm hiện nay. Đồng thời, các khoản vay ODA trước đây hết thời gian ân hạn về trả nợ gốc, cùng với việc phải áp dụng điều khoản trả nợ nhanh đối với nguồn vốn vay ODA, nên áp lực trả nợ gốc gia tăng.

Khẳng định kết quả cơ cấu lại ngân sách nhà nước 3 năm qua là tích cực, bám sát Nghị quyết Quốc hội, tính bền vững ngân sách nhà nước được củng cố, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, trong trường hợp không có những biến động lớn, thì cùng với dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 đang trình Quốc hội, các mục tiêu cơ bản của Kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016-2020 sẽ cơ bản được hoàn thành.

 -------------------------------

 

THỐNG ĐỐC NHNN LÊ MINH HƯNG:

Phối hợp chặt chẽ trong điều hành để kiểm soát lạm phát

Thống đốc Lê Minh Hưng

Tại phiên họp chiều 29-10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã giải trình, làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến công tác phối hợp giữa các bộ, ngành trong điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô.

Trong công tác quản lý giá, Ban Chỉ đạo về điều hành giá do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm Trưởng ban thường xuyên họp và phối hợp trong việc cung cấp thông tin liên quan đến công tác hoạch định, điều hành chính sách của các bộ. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ này, thời gian qua, hiệu quả công tác điều hành, hoạch định chính sách đặc biệt là chính sách tiền tệ và tài khóa đã đạt được kết quả tốt.

Về kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong hoạch định và điều hành, nhờ đó, chính sách tiền tệ giữ được sự ổn định; lạm phát cơ bản ở mức thấp. Cụ thể, lạm phát cơ bản năm 2016 bình quân ở mức 1,83%; năm 2017 ở mức 1,14% và 9 tháng 2018 ở mức 1,41%.

Trong điều hành vĩ mô, thời gian qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng Tài chính đã trao đổi rất chặt chẽ, điều tiết lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước về Ngân hàng Nhà nước để  giữ ổn định thanh khoản, ổn định lãi suất, không gây sức ép lên thị trường tiền tệ. Qua đó,  việc giữ ổn định nền tảng vĩ mô đạt hiệu quả cao.

Trong điều hành chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương điều hành chính sách tỷ giá  ổn định theo mục tiêu xuyên suốt là ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Trên cơ sở đó, ổn định được nghĩa vụ nợ nước ngoài của ngân sách, ổn định cán cân thanh toán xuất nhập khẩu, kiều hối và kiểm soát lạm phát, tạo lập, củng cố lòng tin cho các nhà đầu tư nước ngoài. “Chúng ta giữ được tỷ giá ổn định, thị trường ngoại hối xuyên suốt, giảm áp lực nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của ngân sách Nhà nước”, Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.

Đối với hoạt động của thị trường chứng khoán, các bộ, ngành thường xuyên phối hợp với nhau trong điều hành tín dụng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, đặc biệt tín dụng vào thị trường chứng khoán, không gây ra biến động trên thị trường, nhưng vẫn giữ được sự ổn định của các dòng vốn. Khi thị trường có diễn biến đột xuất, lãnh đạo các bộ đã chỉ đạo các đơn vị chức năng kịp thời công bố thông tin, củng cố lòng tin của các nhà đầu tư, giảm bất ổn không đáng có.

Trong thời gian tới, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, các bộ, ngành trong đó có Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ để kiểm soát, đảm bảo giữ được mục tiêu lạm phát ở mức Quốc hội thông qua; quản lý tốt tiền gửi ở hệ thống ngân hàng để giữ ổn định lãi suất; giảm nghĩa vụ nợ cho ngân sách nhà nước; tính toán thời điểm phát hành trái phiếu phù hợp, không gây áp lực lên thị trường tiền tệ.

 -------------------------------

 

 BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ NGUYỄN CHÍ DŨNG:

Giải quyết cơ bản tình trạng đầu tư dàn trải

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Tại phiên họp chiều 29-10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn. Bộ trưởng cho biết, trước khi có Luật Đầu tư công, tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, quyết định đầu tư không xác định được nguồn vốn, nhiều dự án dở dang... đã để lại hậu quả nặng nề. “Luật Đầu tư công ra đời nhằm giải quyết tình trạng đầu tư dàn trải, tuy chưa xử lý được triệt để nhưng đã có những kết quả rất đáng ghi nhận”, Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng dẫn chứng, giai đoạn 2011 - 2015 có gần 21.000 dự án đầu tư mới, trong khi giai đoạn 2016 - 2020 con số chỉ là 9.620 dự án. Trong số hơn 9.000 dự án này cũng có tới hơn 8.000 dự án là của giai đoạn 2011-2015 chuyển qua, dự án khởi công mới dùng vốn ngân sách Trung ương chỉ là 412 dự án và chiếm chưa tới 4%. Bên cạnh đó, sau khi ban hành Luật Đầu tư công, tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản đã được xử lý. Từ sau ngày 1-1-2015, nếu phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản là vi phạm pháp luật. Ngoài ra, ý thức chấp hành pháp luật về đầu tư công đã được nâng lên rõ rệt.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trước đây nguồn vốn đầu tư công được xây dựng hàng năm nên xảy ra tình trạng "ăn đong", "xin - cho", vốn ít nhưng dự án nhiều, dàn trải dẫn đến nợ đọng. Nhưng hiện nay, nguồn vốn được thực hiện theo kế hoạch 5 năm kết hợp với rà soát hàng năm đã hạn chế rất nhiều tình trạng này. Theo đó, các dự án sẽ được gói gọn trong 5 năm để xem xét có bao nhiêu tiền từ đó chủ động chọn lọc dự án, sắp xếp ưu tiên, đảm bảo làm dự án nào là phải đủ vốn ngay và làm xong đưa vào sử dụng khai thác ngay.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ, việc cân đối hài hòa giữa nhu cầu đầu tư và khả năng ngân sách luôn là bài toán khó. Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, ODA giảm dần, thu hút từ xã hội còn nhiều khó khăn, Chính phủ đang xem xét, kiến nghị Quốc hội cho sử dụng nguồn dự phòng để xử lý trong một số trường hợp cấp bách của địa phương. Một số nhu cầu khác phải xây dựng kế hoạch chi tiết cho nhiệm kỳ tiếp theo. Hiện tại, ngân sách đang đáp ứng 53% tổng giá trị nhu cầu của 21 chương trình mục tiêu; các dự án quan trọng, trọng điểm luôn được ưu tiên bố trí đủ vốn thực hiện. Các dự án ODA còn thiếu do đang phải làm các thủ tục liên quan.

 -------------------------------