Báo Công An Đà Nẵng

Kỳ họp thứ 7 HĐND TP Đà Nẵng Khóa IX: Khẩn trương “giải cứu” giao thông đô thị

Thứ năm, 12/07/2018 07:55

Thảo luận tại hội trường tại Kỳ họp thứ 7 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, các đại biểu đi sâu phân tích những vấn đề bức thiết, nổi cộm  như ô nhiễm môi trường, các dự án ven biển, giao thông đô thị, sai phạm liên quan tới đất đai...

Các đại biểu thảo luận tại hội trường.

Nhìn lại các dự án ven biển

Tuyến du lịch ven biển phía Đông  Đà Nẵng hiện hình thành 2 khu vực rõ rệt. Khu vực từ bán đảo Sơn Trà tới đường Hồ Xuân Hương chủ yếu phục vụ cộng đồng với những công viên, quảng trường, bãi tắm công cộng; khu vực từ đường Hồ Xuân Hương tới Quảng Nam tập trung dành cho các dự án du lịch cao cấp. Trong số 37 dự án ven biển này có 19 dự án hình thành đi vào khai thác, đã mang lại hiệu quả thiết thực trong lĩnh vực du lịch, tạo cú hích cho tăng trưởng kinh tế TP.

Theo ông Tô Văn Hùng - Trưởng ban Đô thị, HĐND TP, nếu xem xét yếu tố kinh tế và tính phù hợp về khai thác tài nguyên phát triển đô thị thì giải pháp quy hoạch tận dụng không gian cảnh quan biển cho mục đích du lịch là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, ở góc độ môi trường, việc hình thành các dự án với mật độ khá dày đã phá vỡ cân bằng sinh thái, rừng dương phòng hộ ven biển bị biến mất, làm suy giảm khả năng phòng chống gió bão; áp lực từ hoạt động xây dựng, chất thải sinh hoạt gây tác động xấu đến môi trường biển. Do thiếu các không gian mở ra hướng biển, một số khu vực đã hạn chế sự nối kết liên thông giữa các không gian cảnh quan và giảm khả năng thông gió cho đô thị.

Ngoài ra, với giải pháp quy hoạch, sử dụng đất đai hiện nay tại khu vực ven biển thuộc địa phận Ngũ Hành Sơn phần lớn dành cho phát triển kinh tế, khai thác dịch vụ du lịch, do đó chưa đảm bảo quyền tiếp cận của người dân với biển theo quy định. Một số lối xuống biển, bãi tắm công cộng và rừng dương tự nhiên trước đây bị xóa bỏ không chỉ hạn chế khả năng tiếp cận biển mà còn làm giảm đi tiện ích đô thị của TP biển, các hoạt động vui chơi, dã ngoại, cắm trại vốn là nhu cầu, sở thích của thanh thiếu niên TP.

Bất cập lớn nhất và để lại nhiều hệ lụy lâu dài là việc lập, thẩm tra dự án đầu tư, giao và cho thuê đất chưa đúng quy định pháp luật. Cụ thể như giao đất không thông qua đấu giá, xác định thời hạn thuê đất chưa chính xác... Đến nay, nhiều trường hợp vẫn chưa có giấy chứng nhận đầu tư/chủ trương đầu tư nhưng vẫn tiến hành giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, một số nhà đầu tư chuyển nhượng vốn, góp vốn điều lệ, chuyển nhượng cổ đông không nộp thuế theo quy định dẫn đến thất thu ngân sách.

Bên cạnh đó, theo ông Hùng, việc thẩm tra năng lực tài chính của nhà đầu tư chưa sát thực tế dẫn tới một số dự án giao đất, thuê đất nhưng sử dụng đất kém hiệu quả, một số DN dù đã ký thỏa thuận đầu tư nhưng hơn 10 năm vẫn trong tình trạng “giữ chỗ”, gây nhiều hệ lụy. Chưa kể, nhiều chủ đầu tư cố tình xây dựng không đúng nội dung được cấp phép sau đó xin điều chỉnh quy hoạch chi tiết để hợp thức hóa phần sai phạm... gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, trật tự xã hội. Việc xử lý các vi phạm về đất đai tại các dự án ven biển còn chưa đủ mạnh để ngăn chặn các vi phạm trong đầu tư.

Với tốc độ gia tăng ô-tô như hiện nay, vài năm nữa Đà Nẵng cần hơn 35 ngàn tỷ đồng xây dựng bãi đỗ xe.

Giải cứu giao thông  

Vấn đề giao thông đô thị Đà Nẵng đang đứng trước nhiều thách thức, nếu không sớm có giải pháp “giải cứu” ngay thì vài năm tới không còn cơ hội “giải cứu”. ĐB Tô Văn Hùng nói, với diện tích đất xây dựng đô thị của Đà Nẵng 17.500 ha, đủ sức chứa cho một đô thị có quy mô dân số từ 1,2-1,3 triệu dân. Có nghĩa rằng, đất đai xây dựng đô thị của Đà Nẵng thừa. Vấn đề là thành phố phải tính toán cơ cấu sử dụng đất thế nào cho hợp lý. Bởi lẽ, hiện đô thị Đà Nẵng không ưu tiên đất dành cho hạ tầng, mật độ xây dựng nhiều lại dàn trải, tốn diện tích đất mà hiệu quả không cao. Bên cạnh đó, giao thông TP chủ yếu là đường bộ (918km), 2.700 nút giao thông, chủ yếu là nút cùng mức. Hiện TP có 14 tuyến xe bus chỉ đáp ứng 2% nhu cầu đi lại của người dân, các bãi đỗ xe cũng chỉ đáp ứng được 2,6% yêu cầu. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng ô-tô trung bình trên 11%, xe máy trên 7%” mỗi năm. Đơn cử ô-tô, mỗi ngày đăng ký mới 60 chiếc, với mức độ này tới năm 2020, TP có khoảng 120 nghìn ô-tô, 1,2 triệu phương tiện cá nhân. Để giải quyết chừng đó phương tiện, TP sẽ thiếu 450ha đất giao thông.

Theo phân tích của ông Hùng, với mức tăng phương tiện như hiện tại, và việc xây dựng các bãi đỗ xe như hiện nay, tới năm 2020 TP cần phải có 35 ngàn tỷ đồng để xây bãi đỗ xe. Một khoản kinh phí rất lớn, lấy ở đâu? Chưa kể, với tư duy tăng xe, tắc đường sẽ phải mở đường, mà mở đường lại thêm xe, lại tắc… bài toán luẩn quẩn. Từ thực tế nghiên cứu, ông Hùng đưa ra giải pháp, trước hết cần ban hành quy chế quản lý quy hoạch, xây dựng, quy định cụ thể điều kiện quản lý kiến trúc nhà cao tầng. Cần kiểm soát chặt chẽ điều kiện đậu đỗ xe các công trình, dự án cao tầng, kiên quyết xử lý vi phạm. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, hệ thống xe buýt và áp dụng giải pháp hạn chế phương tiện giao thông cá nhân theo quyên tắc không cấm sở hữu nhưng hạn chế sử dụng. Về lâu dài, theo ông Hùng, TP cần hình thành các trung tâm đô thị mới để giãn dân, phân tán lưu lượng giao thông; phát triển giao thông đường thủy, tàu điện ngầm; áp dụng hệ thống giao thông thông minh.

Lo cuộc sống ổn định cho người dân giải tỏa

Các dự án dang dở, hạ tầng xuống cấp, nợ đất tái định cư... khiến cuộc sống người dân không ổn định cũng là vấn đề được các ĐB đề cập nhiều. ĐB Trần Văn Trường cho biết, tại Hòa Vang hiện có 250 dự án đang triển khai, thu hồi 73 ngàn ha đất, công tác thực hiện giải tỏa đền bù rất khó khăn. Cái tốt của các dự án mang tới là bộ mặt nông thôn thay đổi theo hướng đô thị, nhưng lại ảnh hưởng lớn đến môi trường, việc làm và đời sống người dân. Ở Hòa Vang hiện còn 6.265 lô đất TĐC, nhưng lại vẫn nợ đất TĐC với nhiều người dân xung quanh dự án cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, La Sơn- Túy Loan, Hòa Liên... Bất cập này là do quy hoạch trước đây không tính toán khoa học. Bây giờ đất thì cứ dư mà cứ phải nợ dân, cuộc sống người dân chưa có đất TĐC cứ phải tạm bợ, có nơi như Quan Nam- Thủy Tú sống tạm bợ 10 năm nay. Ông Trường đề nghị TP phải có cơ chế điều tiết để bố trí đất TĐC cho dân để dân sớm ổn định cuộc sống. Cũng theo ông Trường, thủ tục đền bù TĐC hiện tới 11 công đoạn, tốn  rất nhiều thời gian, dẫn tới khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng, khiến các dự án chậm tiến độ, kéo dài.

Thảo luận về các giải pháp phát triển kinh tế TP, ĐB Nguyễn Thúy Mai cho rằng TP cần phải đặt mục tiêu top 5 địa phương dẫn đầu phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin vào năm 2030. Để đạt mục tiêu đó, cần quan tâm đầu tư cho công nghiệp, đổi mới cách thức xúc tiến đầu tư trong đó tập trung vào các đối tác chiến lược đồng thời đẩy nhanh thời gian thực hiện thủ tục đầu tư. Với khu công nghệ cao, ĐB Mai cho rằng không nên chạy theo số lượng dự án, mà cần thẩm định kỹ chất lượng dự án bởi vì quỹ đất cho sản xuất công nghiệp công nghệ cao rất hạn chế, chỉ có 215 ha.

Ngoài ra, các ĐB cũng dành nhiều thời gian để thảo luận về các giải pháp chống ô nhiễm môi trường tại điểm nóng, nhất là âu thuyền Thọ Quang; các vấn đề việc làm, nhà ở cho công nhân; các vấn đề an sinh xã hội...

KIM THANH - HẢI HẬU

Phải xét hết yếu tố lịch sử

Xung quanh việc thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ về sai phạm đất đai tại Đà Nẵng, ĐB Huỳnh Minh Chức nói rằng kết luận này chưa khả thi, chưa tạo sự đồng thuận trong nhân dân vì chưa xem xét toàn diện các yếu tố lịch sử. Ông Chức cho biết, theo kết luận này, Đà Nẵng phải thu 10% giảm tiền sử dụng đất, điều chỉnh thời gian giao đất lâu dài xuống còn 50%. “Mặc dù lãnh đạo các nhiệm kỳ trước có những khuyết điểm, nhưng sở dĩ Đà Nẵng có được diện mạo văn minh, hiện đại như hôm nay là nhờ vào tư duy mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để đưa ra các chủ trương, giải pháp đột phá, đi trước đón đầu, tận dụng khai thác được tiềm năng sẵn có” - ông Chức nói.

Vị đại biểu này cũng cho biết, ngoài những quyết sách của lãnh đạo TP, thì sự đồng thuận của người dân trong việc di dời, giải tỏa, cũng góp phần quyết định vào thay đổi diện mạo Đà Nẵng. Hơn 110 ngàn hộ dân đã di dời, giải tỏa thực hiện chỉnh trang, mở mang đô thị. Chính sách cho nợ  tiền mua đất tái định cư, giảm 10% cũng là vì người dân vùng giải tỏa  sớm ổn định cuộc sống, nó rất phù hợp với đặc thù lịch sử. Hiện nay, TP vẫn còn hơn 8 ngàn hộ nghèo đang nợ tiền sử dụng đất với Nhà nước, nếu quá thời hạn không có nộp, sẽ phải tính theo khung giá đất hiện hành cao gấp nhiều lần, làm sao người dân có tiền nộp, nghèo sẽ càng nghèo thêm, ĐB Chức đặt câu hỏi.