Báo Công An Đà Nẵng

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Kinh tế khởi sắc nhưng doanh nghiệp vẫn khó khăn

Thứ bảy, 01/06/2019 07:20

Ngày 31-5, tại phiên thảo luận về tình hình KT-XH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã giải trình về những hạn chế, bất cập của nền kinh tế cần tháo gỡ trong thời gian tới.

Đại biểu thảo luận tại hội trường.

Doanh nghiệp còn  khó khăn

Báo cáo trước Quốc hội (QH), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, việc thu ngân sách từ 3 khu vực kinh tế không đạt dự toán, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về khách quan, mặc dù kinh tế khởi sắc nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) vẫn còn khó khăn. “Năm 2018, hơn 131 nghìn DN thành lập mới nhưng có tới 107 nghìn DN (bằng 81,4% DN) thành lập mới tạm ngừng hoạt động và giải thể” - Bộ trưởng cho biết.

Các DN mới thành lập chủ yếu là DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ được hưởng ưu đãi thuế, do đó đóng góp vào ngân sách nhà nước là không nhiều. Số doanh nghiệp hoạt động có lãi chiếm 40% tổng số DN đã nộp tờ khai thuế. Số DN phát sinh thuế giá trị gia tăng dương chỉ chiếm 26% tổng số DN kê khai. Một số DN có thu lớn trong năm 2018 tăng trưởng thấp hơn dự kiến, thậm chí giảm so với năm trước như: nhóm DN khai khoáng sản, khai thác dầu thô, khai thác khí đốt tự nhiên và sản xuất điện thoại di động...

Về công tác quản lý thu chống thất thu thuế, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, thời gian qua, công tác này đạt được nhiều kết quả tích cực góp phần tăng thu ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Tiếp tục giảm bớt thủ tục hành chính

Kết luận Phiên thảo luận toàn thể về KT-XH, ngân sách nhà nước, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nêu rõ, QH ghi nhận và đánh giá cao sự chỉ đạo, thực hiện quyết liệt các giải pháp của Chính phủ, các cấp, các ngành, sự phối hợp tốt của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các Nghị quyết của QH về kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước.

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Phó Chủ tịch QH đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm hơn đến việc hoàn thiện thể chế, triển khai thi hành các luật như Luật Quy hoạch, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; tiếp tục giảm bớt thủ tục hành chính một cách thực chất, mạnh mẽ hơn, xử lý nghiêm các sai phạm gây phiền hà đối với người dân và doanh nghiệp; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các công trình trọng điểm quốc gia, các dự án giao thông; đổi mới thủ tục giải ngân đầu tư công, khuyến khích sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân vào các dự án, công trình.

Chính phủ cần quyết liệt thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, ổn định sản xuất, vấn đề quy hoạch và cung cấp thông tin đầy đủ để phục vụ hoạt động sản xuất của DN, người dân; giải quyết các vướng mắc về đất đai.

Các cơ quan tập trung chỉ đạo và tổ chức tốt kỳ thi Trung học Phổ thông và Đại học năm 2019; triển khai quyết liệt, đồng bộ để xử lý tình trạng “tín dụng đen”; giải quyết các vướng mắc trong xử lý nợ xấu. Các địa phương xử lý nghiêm, kịp thời các vấn đề gây bức xúc trong xã hội như các hành vi quấy rối tình dục, xâm hại trẻ em; triệt phá các nhóm tội phạm, phòng ngừa tội phạm về ma túy có tổ chức, quy mô lớn, vấn đề cai nghiện ma túy, các vấn đề về bảo vệ môi trường; có giải pháp kịp thời để giải quyết các vướng mắc trong và sau quá trình sắp xếp tổ chức, bộ máy ở các địa phương.

Q.NHƯ – T.THỦY

Tiếp tục nâng cao chất lượng chấm thi

Ngày 31-5, tại phiên thảo luận về tình hình KT-XH, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Thực hiện Nghị quyết của Trung ương và Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng lộ trình, kế hoạch đổi mới công tác thi, tuyển sinh, từng bước tiến tới một kỳ thi minh bạch, trung thực. Tuy nhiên, kỳ thi năm 2018 đã để xảy ra tiêu cực, gian lận tại một số địa phương, gây bức xúc dư luận xã hội.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Bộ đã rà soát và nhận thấy  việc tổ chức xây dựng các phần mềm chấm thi trắc nghiệm vẫn còn lỗ hổng kỹ thuật để các đối tượng xấu có thể lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi.

Để khắc phục hạn chế của Kỳ thi năm 2018, trong kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2019 sắp diễn ra, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhắc tới giải pháp tăng cường quán triệt quy chế và tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác coi thi, chấm thi, thanh tra thi... và công an các địa phương được giao nhiệm vụ cũng như kỹ năng phòng chống, phát hiện các gian lận, nhất là gian lận sử dụng công nghệ cao.

Bộ dự kiến điều động các trường đại học, cao đẳng đến các tỉnh để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường đại học, cao đẳng địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác coi thi, chấm thi, nhất là các địa bàn có khả năng xảy ra tiêu cực trong thi cử.

-----------------------------

Ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng do dịch tả lợn Châu Phi

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết: Dịch tả lợn Châu Phi là vấn đề rất lớn, lịch sử chưa bao giờ xảy ra với chúng ta và cả ngành chăn nuôi trên thế giới... Đây là bệnh dịch cực kỳ nguy hiểm trên ngành hàng chăn nuôi lợn trên thế giới và ở Việt Nam.

Theo Bộ trưởng, vấn đề cần thực hiện lúc này là giảm thiệt hại về mặt kinh tế trong quá trình phòng, chống dịch. “Hiện vẫn còn 94% đàn lợn sạch, không bị bệnh, do đó công tác tuyên truyền và các giải pháp về tiêu thụ thịt lợn là rất quan trọng. Đây vừa là giải pháp kỹ thuật, vừa là giảm thiểu về kinh tế, tức là giúp cho thị trường không bị xuống giá lúc này và đề phòng sốt giá vào quý 3, quý 4 hoặc khủng hoảng thiếu” - Bộ trưởng cho biết.

Về giải pháp hỗ trợ nông dân, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài chính cùng với các ngành nghiên cứu chính sách hỗ trợ người dân bị thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi phù hợp với điều kiện hiện nay. Về giải pháp trung hạn, dài hạn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, sẽ phối hợp với quốc tế tập trung vào các nghiên cứu khoa học, nghiên cứu vắc-xin và các giải pháp an toàn sinh học trong công tác phòng, chống dịch.

T.T