Báo Công An Đà Nẵng

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Sẽ không còn “viên chức suốt đời”

Thứ bảy, 25/05/2019 07:05

Chiều 24-5, các đại biểu Quốc hội nghe các tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận ở tổ về các dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Hai phương án

Một trong những điểm mới trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức là sẽ thực hiện bỏ biên chế suốt đời, viên chức suốt đời. Điểm mới này được kỳ vọng sẽ chấm dứt cảnh công chức, viên chức chây ì, ngại đổi mới. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, về thực hiện chế độ hợp đồng xác định thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới hiện có 2 phương án được đưa ra.

Phương án 1, theo hướng đối với tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn nhằm bảo đảm cơ chế cạnh tranh, khắc phục tình trạng và tâm lý “viên chức suốt đời” trong đội ngũ viên chức.

Phương án 2 giữ như quy định hiện hành, theo đó đối với viên chức được tuyển dụng mới thì sau khi ký kết hợp đồng xác định thời hạn (tối đa 2 lần) sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn để bảo đảm tâm lý ổn định, tránh cơ chế xin – cho khi đến hạn ký lại hợp đồng.

Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, Dự thảo Luật mà Chính phủ trình Quốc hội thể hiện theo phương án 1.

Về tình tiết giảm nhẹ đối với ông Nguyễn Hữu Linh

Viện Kiểm sát nhân dân Q. 4, Thành phố Hồ Chí Minh đã ký ban hành cáo trạng truy tố ông Nguyễn Hữu Linh (nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng) về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” theo khoản 1 Điều 146 Bộ luật Hình sự 2015 vào ngày 23-5 vừa qua. Theo đó, ông Linh được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ như: phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải nên Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị Hội đồng xét xử xem xét trong quá trình lượng hình.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội ngày 24-5, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng: Ông Nguyễn Hữu Linh có thâm niên công tác trong ngành, là người am hiểu pháp luật. Vì vậy, ông Linh biết rõ tội danh, mức độ phạm tội của mình. Nếu áp dụng các tình tiết giảm nhẹ thì phải cân nhắc thận trọng, quan tâm tới dư luận, tác động xấu của hành vi đó đến dư luận xã hội.

Không đồng tình về nhiều tình tiết giảm nhẹ án cho ông Nguyễn Hữu Linh, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) khẳng định, điều này làm dư luận thêm bức xúc. Theo đại biểu, mức án đề nghị phải tuân thủ theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Tố tụng hình sự, đặc biệt là cần tính tới yếu tố răn đe. “Những người thi hành công vụ, những người am hiểu luật pháp và đã từng nắm quyền công tố thì phải chịu mức án cao nhất trong Bộ luật Hình sự về tội đó mới đúng.

THU THỦY - PHAN PHƯƠNG