Báo Công An Đà Nẵng

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Tạo chuyển biến rõ nét về an ninh trật tự

Thứ sáu, 31/05/2019 07:00

Ngày 30-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019. Trong đó, vấn đề tình hình an ninh trật tự được nhiều đại biểu quan tâm phân tích, cho ý kiến.

Khẳng định việc đảm bảo an ninh trật tự là một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên môi trường hòa bình, ổn định của mỗi quốc gia, đại biểu đánh giá, năm 2018, Bộ Công an đã quyết tâm, chủ động, tiên phong trong thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, thu được nhiều kết quả tích cực, cơ bản đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội đề ra.

Đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) phát biểu ý kiến.

Tăng mức xử phạt đối với hành vi bạo lực

Bên cạnh những chuyển biến tích cực trên các mặt công tác, Báo cáo đánh giá của Chính phủ đã chỉ ra 11 nhóm tồn tại, hạn chế, trong đó nhóm thứ 11 đã đề cập đến tồn tại, hạn chế trên lĩnh vực an ninh trật tự. Đồng tình với đánh giá này, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Thị Xuân cũng chỉ rõ, nhiều cử tri lo lắng trước tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê theo kiểu xã hội đen ngày càng tăng. Theo đại biểu, tình trạng này diễn ra không chỉ ở các thành phố lớn mà đã xuất hiện cả ở nông thôn, các vùng xa xôi, hẻo lánh, gây hệ lụy khiến nhiều gia đình tán gia, bại sản, gây mất trật tự an ninh, xã hội, trong khi pháp luật của Việt Nam hiện nay “chưa gọi tên để xử lý được loại tội phạm này”, đại biểu khẳng định.

“Có cử tri đã đề xuất Chính phủ phải nghiên cứu xem lại việc cho ra đời các tổ chức mang danh tài chính, nhưng thực chất là huy động trá hình cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê, đồng thời đề xuất với Chính phủ phải khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật để xử lý tình trạng tín dụng đen”, đại biểu Nguyễn Thị Xuân nêu ý kiến.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Xuân, nhiều ý kiến cử tri cũng bày tỏ sự quan ngại về tình hình phạm pháp hình sự tăng, có lúc, có nơi gây bức xúc dư luận. Tình trạng mua bán, sử dụng chất ma túy, nạn nghiện hút, sử dụng chất gây nghiện trong thanh thiếu niên, các vụ trộm cắp, cướp tài sản, giết người man rợ, trong đó có nhiều vụ án, trọng án nguyên nhân chủ yếu từ người nghiện ma túy gây ra có xu hướng tăng, gây tâm lý bất an trong nhân dân.

Tiếp nối phần trình bày của mình, đại biểu Nguyễn Thị Xuân bày tỏ băn khoăn về sức nặng, tính răn đe của các mức xử phạt đối với các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em đang ngày càng diễn biến phức tạp. Theo đại biểu Nguyễn Thị Xuân, “cần sớm tập trung chỉ đạo giải quyết rõ nét, quyết liệt hơn nữa để cho mọi người dân có quyền được sống trong môi trường xã hội thật sự an bình, hạnh phúc”.

Nêu thực tế thời gian qua, báo chí, phương tiện truyền thông tốn khá nhiều công sức, giấy mực để phản ánh về việc xử lý vi phạm hành chính ở một số lĩnh vực, theo đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng), nhiều cách xử lý “đã trở thành những câu chuyện hài hước trong xã hội”. Đại biểu cho rằng, nguyên nhân là do vấn đề về xử phạt vi phạm hành chính một số hành vi hiện nay đã không còn phù hợp, không theo kịp quá trình xã hội hóa. Các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính ở một số lĩnh vực đang có rất nhiều vấn đề bất cập. Nhiều hành vi vi phạm mới nhưng không có quy định để xử lý đang làm bó tay các cơ quan quản lý. Đại biểu Võ Thị Như Hoa đánh giá, những bất cập này không chỉ gây bức xúc trong xã hội mà còn tạo sức ép cả cho cơ quan thực thi pháp luật.

Tạo bứt phá để hoàn thành mục tiêu trong năm 2019

Chia sẻ quan điểm bên lề Kỳ họp, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội ), báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội đã nêu khá rõ nét những kết quả nổi trội của năm 2018 và những thành quả tiếp nối trong quý I/2019. Với những kết quả đạt được trong những tháng đầu năm 2019, việc đạt những mục tiêu đặt ra của năm 2019 cũng không có quá nhiều vấn đề cần lo ngại. Tuy nhiên, theo đại biểu, kinh tế 2019 cũng có những khó khăn chính từ thị trường quốc tế. Khi mở cửa, không chỉ hàng hóa Việt Nam đưa ra nước ngoài mà hàng hóa của các nước cũng thâm nhập vào trong nước. "Nếu chúng ta không giữ được thị trường trong nước thì cũng dễ mất thị trường này vào các nước khác. Đây cũng là một thách thức lớn", đại biểu nhấn mạnh. Đại biểu Cường cho rằng, trong những tháng cuối năm, Chính phủ cần tạo ra sự “bứt phá”, không chỉ hoàn thành mục tiêu của năm 2019 mà còn phải đạt mục tiêu của cả giai đoạn 5 năm nhiệm kỳ này, theo hướng không chỉ đạt về số lượng tăng trưởng mà còn phải có sự thay đổi về chất và tạo ra đà tăng trưởng “bứt phá” cho mục tiêu đến năm 2030.

T.T

Cần giải pháp căn cơ để đẩy lùi vấn nạn ma túy

Nhiều đại biểu cho rằng, tội phạm ma túy diễn biến phức tạp. Nhiều vụ buôn bán, vận chuyển, tàng trữ chất ma túy với số lượng lớn, quy mô xuyên quốc gia, có thủ đoạn và hoạt động hết sức tinh vi được phát hiện. Chỉ trong quý I-2019, số vụ án ma túy phát hiện được lên tới hơn 6.500 vụ, lớn hơn cả năm 2018, trong đó có những vụ án lớn như triệt phá tập đoàn ma túy, bắt giữ 1,1 tấn ma túy đá tại thành phố Hồ Chí Minh; vụ 700kg ma túy đá bị vứt bên lề đường nhằm phi tang tại Nghệ An.

Chỉ riêng tháng 4-2019, cơ quan chức năng đã phát hiện tới hơn 6 tấn ma túy. Mới đây, Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) đã công bố phát hiện nhiều chất ma túy mới hiện chưa có trong danh mục các chất ma túy theo Nghị định 73 của Chính phủ, có những chất có tác dụng gây ảo giác cực mạnh lần đầu tiên phát hiện ở Việt Nam. Đáng sợ hơn nữa, bằng thủ đoạn tinh vi, tội phạm còn dùng dẫn xuất của một chất ma túy, phối trộn tạo ra viên nén để sau khi uống vào cơ thể, viên nén chuyển hóa giải phóng ra chất ma túy. Trước tình hình tội phạm ma túy diễn biến hết sức đáng lo ngại, số người nghiện ma túy tiếp tục gia tăng, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng, cần gióng lên hồi chuông cảnh báo thực trạng đáng lo ngại về ma túy và hiểm họa do ma túy gây ra.

Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) đề nghị Quốc hội cần khẩn cấp tổ chức các hoạt động giám sát để công tác phòng chống ma túy trong giai đoạn hiện nay nhận được sự quan tâm đặc biệt hơn nữa của Chính phủ, các cấp, ngành để tăng cường hiệu quả tích cực, vì tương lai của dân tộc, sự phát triển của giống nòi, vì một xã hội thanh bình, thịnh vượng.

Đồng tình với nỗi lo của đại biểu  Tạ Văn Hạ, Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) đặt vấn đề về các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn: “Mặc dù lực lượng công an đã phát hiện, triệt phá nhiều đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia, tuy nhiên có cử tri thắc mắc liệu Việt Nam đã trở thành địa bàn buôn bán ma túy xuyên quốc tế hay chưa? Tại sao một khối lượng rất lớn ma túy bị lọt vào trong nội địa Việt Nam? Trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan trong việc kiểm tra, ngăn chặn ma túy tổng hợp trong nước như thế nào?”.

Để từng bước tạo sự chuyển biến rõ nét về an ninh trật tự xã hội trên từng địa bàn, các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo Bộ Công an tập trung nắm, phân tích, dự báo sát tình hình, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác phát hiện điều tra, xử lý tội phạm, mở các đợt cao điểm công tác truy quyét tội phạm với mục tiêu kiềm chế sự gia tăng tội phạm, đẩy lùi tệ nạn xã hội.

T.THỦY – H.HẠNH