Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Xây dựng xã hội an toàn
Thảo luận tại tổ, Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng, công tác cảnh vệ đã hình thành ngay khi mới thành lập Đảng để bảo vệ cán bộ chủ chốt từ khi chưa giành được chính quyền. Rõ nét nhất là khi Bác Hồ trở về nước năm 1941, các lực lượng đã tiến hành công tác cảnh vệ để bảo vệ Bác cũng như lãnh đạo chủ chốt, nòng cốt của Đảng.
Đến nay, các lực lượng đã trưởng thành rất nhiều, luôn đảm bảo an toàn cho lãnh đạo trong suốt quá trình công tác. Việc quy định trong luật pháp nhằm tạo hành lang pháp lý để các lực lượng chức năng tiến hành triển khai, các cơ quan phối hợp thực hiện và phổ biến trong nhân dân. Công tác cảnh vệ được xác định, không ai bảo vệ tốt bằng nhân dân. Họ là những người che chở, bảo vệ tốt nhất và vững bền nhất.
Chủ tịch nước nêu, lực lượng cảnh vệ phải bảo đảm rất nhiều yêu cầu, trước hết là an ninh, an toàn cho lãnh đạo. Bên cạnh đó công tác cảnh vệ còn mang ý nghĩa lễ tân, nghi thức, thể diện quốc gia về mặt đối ngoại và hợp tác quốc tế, nhất là khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước công tác ở nước ngoài hoặc ngược lại.
“Trong thời gian qua, lực lượng cảnh vệ triển khai rất tốt, gần như không có sự cố nào, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và trưởng thành lên rất nhiều. Đặc biệt, lãnh đạo các quốc gia đánh giá rất cao, dành nhiều tình cảm và sự cảm phục đối với lực lượng cảnh vệ của chúng ta. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của luật nhằm hoàn thiện và đáp ứng yêu cầu thực tiễn”, Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn chỉnh, đảm bảo đủ các điều kiện, báo cáo Quốc hội có thể sớm thông qua.
Đối với dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), Chủ tịch nước cho biết, khác với các nước khác, chúng ta có một xã hội an toàn, không có súng, không có vũ khí hay công cụ đe dọa an toàn, an ninh bất cứ người dân nào. “Đây là sự tiến bộ rất lớn của xã hội. Khách nước ngoài đến Việt Nam đều cảm thấy rất an toàn”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Tuy nhiên, trên thực tế, còn có nơi hình thành các băng nhóm đe dọa lẫn nhau bằng cách sử dụng dao hoặc công cụ chưa quản lý được. Theo các báo cáo, những vụ đâm chém nhau chủ yếu là dùng dao nhưng chưa được đưa vào thiết chế theo luật, xử lý rất khó.
“Có ý kiến cho rằng, dao sử dụng để phục vụ cho đời sống dân sinh, điều này là đúng và bình thường, song tránh lợi dụng, sử dụng dao không đúng mục đích. Có trường hợp, hàng chục người có dao, mã tấu để trong cốp xe - không thể nói là phục vụ cho sản xuất. Đây là những hành vi phải nghiêm cấm, kể cả lưu giữ cũng không được. Vấn đề này có những ranh giới nhưng cần có cách thức quản lý để xây dựng xã hội an toàn, mọi người dân không bị đe dọa”, Chủ tịch nước khẳng định.
Góp ý về 2 dự thảo luật tại Tổ 11 cùng đại biểu các tỉnh Tuyên Quang, Tây Ninh, Sơn La, về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), đại biểu Trần Chí Cường thuộc Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng tán thành việc sửa đổi luật. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, phải xác định khái niệm để quy định diện quản lý đối với vũ khí. Trong khái niệm vũ khí còn mang tính chất mơ hồ, dễ gây hiểu nhầm, kể cả vũ khí thô sơ. Theo đại biểu, đặc tính của người dân Việt Nam là sản xuất nông nghiệp nên nhiều công cụ, dụng cụ phục vụ cho mục đích sản xuất, sinh hoạt hàng ngày đều gắn với những công cụ có nguy cơ gây sát thương. Điều này tùy thuộc vào mục đích sử dụng. Vì vậy, quy định khái niệm “vũ khí là thiết bị phương tiện có thể sản xuất, lắp ráp, có khả năng gây sát thương nguy hại cho tính mạng, sức khỏe con người...” chưa thực sự sát, đúng, đồng thời sẽ dẫn đến tùy nghi trong công tác quản lý, sử dụng và sẽ ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày của người dân. Nếu quy định như vậy sẽ dẫn đến vi phạm các khoản trong Điều 5 về những điều cấm, chính là vấn đề sản xuất. Nhiều lò rèn, nhiều cơ sở của người dân sản xuất công cụ sản xuất như dao, rựa, kéo... sinh hoạt hàng ngày, liệu các cơ sở này có vi phạm hay không. Cạnh đó, các tiểu thương mua bán hàng thịt trong chợ thường xuyên mang dao để cắt, chặt thì liệu có vi phạm?
Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, đại biểu Trần Đình Chung- Thiếu tướng, Phó cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của luật hiện hành. Về bổ sung quy định áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định của Luật Cảnh vệ (khoản 3, Điều 1), đại biểu Chung nhất trí sự cần thiết bổ sung thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết để kịp thời giải quyết các yêu cầu thực tiễn đặt ra, hoặc theo đề nghị của các ban, bộ, ngành, Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam... Về bổ sung quy định thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật để thực hiện công tác cảnh vệ (khoản 12 Điều 1), theo đại biểu Chung, việc bổ sung quy định cho phép thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật để bảo vệ đối tượng cảnh vệ khi đi công tác nước ngoài là cần thiết và phù hợp với thực tiễn công tác cảnh vệ. Đại biểu cho rằng, hoạt động của lực lượng cảnh vệ mang tính chuyên môn, nghiệp vụ sâu, đặc thù cao, bảo đảm an ninh an toàn cho đối tượng cảnh vệ là mục tiêu cao nhất. Do đó, Quốc hội cần sớm thông qua dự thảo Luật và Chính phủ quan tâm đầu tư về chế độ, chính sách, phương tiện, cơ sở vật chất, kinh phí cho lực lượng cảnh vệ.
Diệp Trương