Báo Công An Đà Nẵng

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII: Giải đáp nhiều vấn đề của ngành công thương

Thứ ba, 18/11/2014 08:39

(Cadn.com.vn) - Chiều 17-11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại Hội trường. Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, đến nay đã có 165 chất vấn của 60 ĐBQH gửi tới Thủ tướng và các vị bộ trưởng. Quốc hội đã nhận 3.729 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Kỳ họp thứ 8.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng là vị bộ trưởng đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn ĐBQH.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn.

Không phát điện cầm chừng

Là vị ĐBQH đầu tiên đặt câu hỏi chất vấn, ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) phản ánh nhiều doanh nghiệp điện lớn của Nhà nước như thủy điện Hòa Bình thời gian qua công suất lớn nhưng mấy năm gần đây hoạt động cầm chừng, trong khi đó đi mua điện của doanh nghiệp (DN) ngoài quốc doanh, thậm chí còn nhập khẩu từ bên ngoài. ĐB Đỗ Văn Đương chất vấn Bộ trưởng: các phản ánh này có đúng không? Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định: “Không có cơ sở cho việc nói rằng chúng ta phát điện cầm chừng các dự án thủy điện lớn trong khi lại đi mua điện của các dự án thủy điện nhỏ và mua điện nhập khẩu”.

Bộ trưởng cho biết thời gian qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân đã chắt chiu xây dựng các công trình thủy điện lớn, đa mục tiêu như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu (đang xây dựng và sắp đi vào hoạt động), Tuyên Quang, Trị An... Bộ trưởng nhấn mạnh: một trong những mục tiêu quyết định xây dựng các công trình thủy điện là tận dụng lợi thế về tiềm năng để phát điện, hạn chế cắt lũ mùa mưa, cấp nước cho hạ du phục vụ sản xuất công nghiệp và đời sống người dân... Chính vì như vậy không có lý do gì không khai thác triệt để các dự án thủy điện lớn theo các mục tiêu đã định để phục vụ con người.

Bộ trưởng cho biết thêm, Bộ vẫn quan tâm tới các dự án thủy điện nhỏ. Trong thời gian vừa qua Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương đã tìm mọi giải pháp chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam mua điện của các dự án thủy điện nhỏ, tạo thuận lợi cho các dự án này tham gia vào phát điện với chất lượng cao nhất. Mới đây Bộ Công Thương đã ban hành thông tư hướng dẫn để Tập đoàn Điện lực Việt Nam mua điện của các dự án nhỏ ngang bằng với các dự án khác.

Công nghiệp phụ trợ vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề

Trả lời câu hỏi của ĐB Đồng Hữu Mạo (TT-Huế) về vấn đề công nghiệp phụ trợ, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: Năm 2007, Chính phủ đã có quy hoạch công nghiệp hỗ trợ đến 2010 và tầm nhìn 2020. Đến năm 2011, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định số 12 về chính sách phát triển đối với công nghiệp hỗ trợ.

Giải đáp câu hỏi về việc liệu có thiếu chính sách cụ thể để phát triển công nghiệp hỗ trợ hay không và trách nhiệm của Bộ Công Thương trong vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận công nghiệp hỗ trợ trong thời gian vừa qua vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề. Để khắc phục điều đó, năm 2011, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 12 về một số chính sách khuyến khích đối với công nghiệp hỗ trợ. Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định về một số chính sách đối với một số nhóm hàng hóa liên quan đến công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực: chế tạo ô-tô, điện tử, dệt may, da giày, hàng nhựa...

Bộ trưởng cho rằng, nguyên nhân của hiện trạng này do cơ chế, chính sách có nhưng chưa đầy đủ, cấp độ pháp lý còn hạn chế, vì thế chưa tạo thuận lợi cho công nghiệp phụ trợ phát triển. Bộ trưởng cho rằng công nghiệp phụ trợ chủ yếu là phụ tùng, linh kiện. Để phát triển được các lĩnh vực này đòi hỏi phải có quy mô sản xuất khá, đủ để sản xuất với số lượng nhiều. Qua đó, giá thành mới có thể cạnh tranh được và tổ chức sản xuất thuận lợi hơn. Tuy nhiên trong thời gian vừa qua, trong nhiều sản phẩm hàng hóa, dung lượng của thị trường chưa đủ.

Một nguyên nhân khác được Bộ trưởng đề cập tới là với xu thế thương mại hóa toàn cầu ngày càng phát triển, sự phân công trong chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị gia tăng trên toàn cầu ngày càng đi vào xác định, quyết định bởi các doanh nghiệp lớn. Vì thế các doanh nghiệp đa quốc gia sản xuất các sản phẩm hàng hóa đã sử dụng mạng lưới các doanh nghiệp vệ tinh, mạng lưới các DN phụ trợ, hình thành sẵn có để chuyên cung cấp cho tập đoàn đa quốc gia này. Bộ trưởng cho rằng “chúng ta đều đi sau, nên việc len chân được vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng là điều hết sức khó khăn, trong bối cảnh đất nước sức còn đang yếu, kinh nghiệm chưa nhiều”.

Phân tích kỹ hơn về nội dung này, Bộ trưởng cho biết công nghiệp phụ trợ liên quan đến sản xuất linh kiện phụ tùng, đòi hỏi nguyên vật liệu, nhất là vật liệu mới, trong khi đó mặt hàng thép chế tạo, chất dẻo... hầu như phải nhập, do đó giá thành các sản phẩm công nghiệp phụ trợ này khó có thể cạnh tranh với các nhà sản xuất nước ngoài. Mặt khác, còn có nguyên nhân về con người. Công nghiệp phụ trợ là một ngành công nghiệp thông dụng lao động, đòi hỏi trình độ tay nghề rất cao. Trong khi chúng ta đang thiếu đội ngũ này. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nêu rõ thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ có báo cáo với Chính phủ để có những giải pháp khắc phục được sự yếu kém của công nghiệp phụ trợ.

Nhức nhối buôn lậu, hàng giả

Liên quan đến vấn đề chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng của một số đại biểu chất vấn, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng đây là vấn đề nhức nhối, tồn tại nhiều năm nay. Mặc dù thời gian qua, ngành Công Thương nói chung, lực lượng quản lý thị trường nói riêng và các cơ quan chức năng, địa phương đã hết sức nỗ lực nhưng kết quả còn hạn chế, hiệu quả chưa cao.

Theo Bộ trưởng, nguyên nhân là do dung lượng thị trường ngày càng phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng cao và độ mở của nền kinh tế lớn nên việc giao thương hàng hóa với tỷ trọng ngày càng tăng là một xu thế. Từ đó, một số phần tử đã móc nối với nước ngoài, đồng thời lợi dụng các kẽ hở, sự mở cửa của nước ta đưa hàng giả, hàng kém chất lượng vào tiêu thụ ở trong thị trường nội địa. Bên cạnh đó, do phương tiện, công cụ hỗ trợ cho lực lượng quản lý thị trương vừa yếu, vừa thiếu và không đầy đủ cho nên hiệu quả đấu tranh chưa cao. Bộ trưởng cũng không loại trừ nguyên nhân trong đội ngũ quản lý thị trường, mặc dù thường xuyên được Bộ nhắc nhở, kiểm tra, nhưng vẫn có tình trạng tiêu cực, làm việc chưa hết trách nhiệm, thậm chí bao che cho các hành vi sai phạm; sự phối hợp ở một số địa phương chưa nhất quán.

Bộ trưởng cho biết, ngành Công Thương sẽ hết sức nỗ lực cố gắng để cải thiện tình hình này. Theo Bộ trưởng, với việc ra đời Ban Chỉ đạo quốc gia 389 về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, mà trực tiếp do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng ban chắc chắn công tác này sẽ từng bước đạt hiệu quả.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã giải trình, làm rõ thêm về các nội dung: việc phát triển công nghiệp chế tạo trong nước để đáp ứng nhu cầu máy móc, công cụ trang thiết bị phục vụ cho sản xuất chế biến sản phẩm nông nghiệp, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Các giải pháp quản lý thị trường, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng hàng giả, buôn lậu...

Hôm nay (18-11), Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn các ĐBQH.