Báo Công An Đà Nẵng

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV: Giữ vững chủ quyền biển đảo

Thứ năm, 31/10/2019 07:46

Ngày 30 và 31-10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.

Trung tướng Trần Việt Khoa.

Tại phiên thảo luận về tình hình phát triển KT-XH ngày 30-10, một số đại biểu đã thảo luận về tình hình Biển Đông và các giải pháp kinh tế biển hiện nay.

Tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp

Theo Trung tướng Trần Việt Khoa, Giám đốc Học viện Quốc phòng, trong năm 2019, tình hình an ninh chính trị thế giới có nhiều biến động. Một số nước lớn điều chỉnh chính sách, chiến lược quốc phòng và quân sự, tăng chi ngân sách quốc phòng, tăng cường luyện tập, diễn tập thực binh ở quy mô vừa và quy mô lớn.

Đáng chú ý, tình hình khu vực Biển Đông có rất nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới an ninh, an toàn ở khu vực biển có một trong những tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất trên thế giới này, đe dọa tới an ninh khu vực. “Trước tình hình đó, từ tháng 5-2019, đặc biệt là từ đầu tháng 7 đến cuối những ngày tháng 10-2019 vừa qua, về hoạt động dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, phía nước ngoài đã đưa lực lượng xuống phản đối một cách hết sức là phi lý. Ngoài ra, họ đưa tàu khảo sát vào thăm dò, có những thời điểm đưa tới 35 và 40 chiếc tàu xuống để bảo vệ tàu khảo sát”, Trung tướng Trần Việt Khoa cho biết.

Trước tình hình đó, Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao đã tiến hành ngoại giao trên cơ sở đấu tranh pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Trên thực địa, Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các lực lượng thường xuyên bám sát, nắm chắc tình hình và tuyên truyền bằng nhiều thứ tiếng để khẳng định khu vực chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Phải sẵn sàng

Trung tướng Trần Việt Khoa khẳng định: “Dựng nước đi đôi với giữ nước là quy luật tồn tại của dân tộc ta, quy luật đấy ngày nay được thể hiện ở hai nhiệm vụ rất rõ là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong tình hình hiện nay, với các đặc điểm,  yếu tố tác động đến sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp phù hợp để đấu tranh trong những điều kiện mới, giữ vững môi trường hòa bình, độc lập để phát triển đất nước”. Theo đó, năm 2018, sau khi Bộ Chính trị thông qua và kết luận các chiến lược Quốc phòng, chiến lược quân sự, chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng và chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng đã tiến hành quán triệt sâu sắc các chiến lược này. Đây là cơ sở để Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng xây dựng tổ chức biên chế quân đội, mua sắm vũ khí trang bị bảo đảm theo tinh thần tinh - gọn - mạnh, đáp ứng với các kiểu chiến tranh hiện đại trong điều kiện mới.

“Đất nước ta đã từng phải trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh, chúng ta thấy được cái tàn khốc của chiến tranh và sự mất mát của mỗi gia đình và dòng họ. Việc bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Tuy nhiên, chúng ta cũng luôn luôn  cảnh giác, tỉnh táo và sẵn sàng các phương án cao nhất với các tình huống có thể xảy ra, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta phải sẵn sàng bảo vệ và đẩy lùi các nguy cơ chiến tranh, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”, Trung tướng Trần Việt Khoa nói.

NHƯ – VÂN – PHƯƠNG – TTXVN

Việt Nam vẫn chưa “hóa rồng, hóa hổ”

Tại phiên thảo luận về tình hình KT-XH, Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, thời gian qua kinh tế đất nước phát triển nhanh, ổn định nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, chưa “hóa rồng, hóa hổ”.

Cho rằng để tìm được căn nguyên của vấn đề này thì cần nhìn lại cả quá trình phát triển, đại biểu dẫn chứng: Cách đây hơn 30 năm, khi bắt đầu đổi mới, mở cửa, Việt Nam có GDP bình quân đầu người 100 USD thì thế giới bình quân là hơn 4.000 USD. Đến 2017, Việt Nam khoảng 2.385 USD thì thế giới khoảng 10.700USD; năm 2018 Việt Nam khoảng 2.590 thì thế giới khoảng 11.000.

Tăng trưởng của Việt Nam là nhanh, bình quân 7%/năm trong hơn 20 năm, giai đoạn này thấp hơn 7% nhưng vẫn là cao so với khu vực và thế giới. Tuy nhiên, xét về số tuyệt đối thì GDP của thế giới ngày một cách xa so với Việt Nam.

Cách đây 30 năm, GDP bình quân đầu người của thế giới hơn Việt Nam 3.900 USD, nhưng đến nay khoảng cách đã là hơn 8.000, gấp đôi, và khoảng cách vẫn tăng qua các năm (2017 khoảng cách là khoảng 8.300; 18 khoảng 8.400).

“Nói cách khác, Việt Nam đi được nhiều bước, có lúc tốc độ tăng trưởng cao vào tốp đầu của khu vực và thế giới, song đó là những bước ngắn, nên vẫn tụt hậu so với nhiều quốc gia khác trên thế giới dù bước chậm, nhưng lại đi được những bước dài hơn” – đại biểu ví von và cho rằng, nếu không khắc phục được những bất cập mà Chính phủ đã chỉ rõ trong báo cáo thì Việt Nam có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, do đó cần có mũi nhọn đột phá trọng tâm để thoát khỏi nguy cơ tụt hậu.

_____

Tinh thần đổi mới chưa được hưởng ứng toàn diện, đầy đủ

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) bày tỏ: Điều đáng lo ngại là, tinh thần kiến tạo, đổi mới của Chính phủ chưa được hưởng ứng, thực hiện một cách đầy đủ, toàn diện trong toàn hệ thống. Vẫn còn tổ chức, cá nhân trong bộ máy công quyền, thiết chế công sợ sai, sợ chịu trách nhiệm, vì vậy trong thực hiện có lợi cho cá nhân, an toàn, đùn đẩy trách nhiệm. Những tồn tại này tuy không mới nhưng đang có xu hướng ngày càng nhiều hơn. Thực trạng này đang là lực cản lớn trong sự phát triển đất nước của chúng ta, cần được quan tâm và có những giải pháp khắc phục đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở.

Đại biểu cho rằng, cùng với việc tăng cường kiểm tra, xử lý thông tin phản ánh từ cơ sở, kịp thời điều chỉnh ngay những bất cập, chồng chéo trong văn bản pháp luật, cần có cơ chế, chính sách để khuyến khích những cán bộ dám nghĩ dám làm trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Từ thực tế có những vụ việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan nhà nước nhưng đến khi vụ việc bị phát hiện, phản ánh hoặc xảy ra sự cố, gây thiệt hại về người, tài sản thì mới được quan tâm tuyên truyền, đại biểu kiến nghị, Chính phủ cần tăng cường quản lý, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng” đang được tái diễn trên nhiều ngành, lĩnh vực như xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, môi trường, giáo dục đào tạo.