Báo Công An Đà Nẵng

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV: Thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Thứ năm, 21/11/2019 08:01

Đại biểu nhấn nút thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Sáng 20-11, với 90,06% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi). Bộ luật gồm 17 chương, 220 điều, quy định tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động; quản lý nhà nước về lao động.

Về nghỉ lễ, tết, Bộ luật quy định: Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết gồm: Tết Dương lịch 1 ngày (ngày 1 tháng 1 dương lịch); Tết Âm lịch 5 ngày; Ngày Chiến thắng 1 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch); Ngày Quốc tế lao động 1 ngày (ngày 1 tháng 5 dương lịch); Quốc khánh 2 ngày (ngày 2 tháng 9 dương lịch và 1 ngày liền kề trước hoặc sau); Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 1 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).

Liên quan đến tuổi nghỉ hưu, Bộ luật quy định: Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

Đối với vấn đề thời giờ làm việc bình thường, Bộ luật quy định: Thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong 1 ngày và không quá 48 giờ trong 1 tuần. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 1 ngày và không quá 48 giờ trong 1 tuần. Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.

QUỲNH NHƯ – TTXVM

Người lao động hưởng lợi công bằng từ tăng trưởng kinh tế

Ngay sau khi Quốc hội Việt Nam thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi), trưa 20-11, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam đã phát đi thông báo, trong đó đánh giá cao Bộ luật Lao động (sửa đổi) của Việt Nam phù hợp hơn với các quyền lao động cơ bản phổ quát, giúp người lao động hưởng lợi công bằng từ tăng trưởng kinh tế. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) hoan nghênh bước tiến mới của Việt Nam đã đưa khuôn khổ pháp luật tiệm cận hơn các tiêu chuẩn lao động quốc tế với việc thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) vào sáng 20-11-2019. “Đây là một tiến bộ quan trọng do những sửa đổi trong Bộ luật Lao động sẽ cải thiện đáng kể vấn đề việc làm và quan hệ lao động của Việt Nam, tạo nền tảng vững chắc cho hội nhập quốc tế và thương mại công bằng”, Tiến sĩ Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam chia sẻ.

Bộ luật chi phối động lực phát triển xã hội

Khẳng định ý nghĩa vô cùng quan trọng của việc Bộ luật Lao động (sửa đổi) được Quốc hội biểu quyết thông qua, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, sau Hiến pháp, Bộ luật Lao động có vị trí quan trọng nhất bởi chi phối toàn bộ động lực phát triển của xã hội, trung tâm là người lao động. Về bản chất, đây cũng là một bài toán kinh tế rất lớn, rất quan trọng bởi chỉ cần một điều chỉnh nhỏ cũng làm thay đổi vận sự hành của cả nền kinh tế theo hướng tiêu cực hay tích cực. Vì thế, cần hài hòa trên cả hai phương diện, phương diện giá trị về mặt nhân văn, xã hội và phương diện về kinh tế. Chia sẻ quan điểm cá nhân, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, Bộ luật này được Quốc hội thông qua đang ở mức đáp ứng yêu cầu mang tính lý tưởng xã hội “là làm sao hướng tới giảm giờ làm, giảm cường độ lao động cho người lao động trong khi năng suất lao động thấp, thu nhập bị phụ thuộc”.

Đón đầu thách thức già hóa dân số

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, việc điều chỉnh tăng dần tuổi nghỉ hưu là quyết sách rất lớn của Đảng, Nhà nước; là tầm nhìn có tính chất chiến lược nhằm đi trước đón đầu thách thức già hóa dân số. Đặc biệt, giải quyết mục tiêu bao trùm là vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng xã hội, vừa cân đối để đảm bảo công ăn việc làm, bảo toàn và phát triển bền vững quỹ bảo hiểm, giải quyết hài hòa việc bình đẳng và tiến tới giảm dần khoảng cách về giới. Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là xu hướng chung của thế giới nhưng cũng chưa bao giờ là dễ với bất cứ quốc gia nào, vì nó tác động rất lớn đến hàng chục triệu người lao động. Trong mỗi hoàn cảnh, đối tượng cụ thể phải có cách ứng xử khác nhau.