Báo Công An Đà Nẵng

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóA XIII: Luật tạm giữ, tạm giam có nhiều tiến bộ

Thứ bảy, 20/06/2015 09:01

(Cadn.com.vn) - Chiều 19-6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường biểu quyết thông qua Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) và Luật thú y; thảo luận về dự án Luật tạm giữ, tạm giam.

Qua thảo luận, cơ bản các đại biểu tán thành với Chính phủ về sự cần thiết ban hành dự án Luật này và cho rằng: Dự thảo Luật bảo đảm các quy định về tạm giữ, tạm giam phù hợp với Hiến pháp năm 2013; khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập trong thực tiễn xảy ra ở nhà tạm giữ, trại tạm giam trong thời gian qua; đồng thời phúc đáp yêu cầu cải cách tư pháp trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

* Với 87,65% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi); Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Luật thú y với 85,43% đại biểu tán thành. 

Đồng tình với việc ban hành Luật tạm giữ, tạm giam, đại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) nhấn mạnh: Dự án Luật đã đưa ra nhiều quy định mới, tiến bộ, chặt chẽ và triển khai thực hiện quyền hiến định trong Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân. Còn theo đại biểu Lưu Thị Huyền: Luật tạm giữ, tạm giam là luật quan trọng liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của công dân, phục vụ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử và thi án hình sự. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, dự án Luật vừa phải đáp ứng quyền con người, quyền, nghĩa vụ của công dân, mà người tạm giữ, tạm giam không bị hạn chế; nhưng đồng thời phải bảo đảm tính khả thi trong điều kiện thực tế của đất nước ta để Luật sau khi ban hành được thực hiện một cách thuận lợi, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Thảo luận về mô hình quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ, nhiều đại biểu nhất trí như quy định trong dự thảo Luật. Theo đại biểu Lưu Thị Huyền: Quy định như trong dự thảo Luật là phù hợp với điều kiện thực tiễn và bảo đảm được yêu cầu độc lập của các trại tạm giam, nhà tạm giữ với cơ quan điều tra các cấp trong CAND; đồng thời đáp ứng được yêu cầu, phục vụ trong công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

Cũng theo đại biểu, hiện nay, trên toàn quốc có 83 trại tạm giam, 734 nhà tạm giữ và 224 buồng tạm giữ ở các đồn biên phòng. Nếu tách khỏi cơ quan Công an các cấp sẽ phải đầu tư một khoản kinh phí khổng lồ để xây dựng trại tạm giam, nhà tạm giữ mới; đồng thời phải bổ sung một lượng biên chế cán bộ, chiến sĩ để thực hiện công tác tạm giữ, tạm giam. Do đó, đại biểu đề nghị giữ nguyên quy định tổ chức cơ quan quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ như hiện nay là phù hợp. Tuy nhiên, cần tăng cường công tác kiểm sát, thanh tra để kịp thời phòng ngừa, phát hiện và xử lý những hành vi tiêu cực trong công tác quản lý tạm giữ, tạm giam.

Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội cũng đã góp ý cụ thể vào các nội dung khác của Dự án Luật tạm giữ, tạm giam như: Tên gọi và phạm vi điều chỉnh; vấn đề khởi kiện trong thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam; quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam.

T.T