Báo Công An Đà Nẵng

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV: Tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên thực hiện trách nhiệm

Thứ ba, 26/05/2020 07:02

Ngày 25-5, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án  và dự án Luật Thanh niên (sửa đổi); thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Luật Thanh niên (sửa đổi) thể hiện rõ vai trò, sứ mệnh của thanh niên. Trong ảnh: Thanh niên Đà Nẵng hăng hái lên đường nhập ngũ.

Chiều 25-5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).

Quy định tuổi thanh niên từ đủ 16 đến 30

Dự án Luật trình tại Kỳ họp này gồm 7 chương, 41 điều, giảm 21 điều so với dự án trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Đa số ý kiến cho rằng dự án Luật chưa thể chế được quan điểm, đường lối của Đảng, chưa cụ thể hóa được nội dung và tinh thần của Hiến pháp; chưa tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho thanh niên phát huy và cống hiến; chưa thể hiện được vai trò, sứ mệnh của thanh niên.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ như quy định tại Điều 1 dự án Luật, quy định tuổi thanh niên từ đủ 16 đến 30 tuổi. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, độ tuổi quy định này phù hợp với thực tiễn công tác Đoàn, với Điều lệ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; không ảnh hưởng đến công tác cán bộ Đoàn vì Điều lệ Đoàn quy định đoàn viên trên 30 tuổi nếu được bầu cử vào cơ quan lãnh đạo các cấp của Đoàn hoặc làm công tác chuyên trách thì vẫn tiếp tục hoạt động trong tổ chức Đoàn. Ngoài ra, quy định tiêu chuẩn về độ tuổi của cán bộ Đoàn được thực hiện theo Quy chế Cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Về quyền và nghĩa vụ của thanh niên, dự án Luật đã được chỉnh lý theo hướng không quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của thanh niên theo từng lĩnh vực, chỉ dành một điều quy định thanh niên có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Thay bằng việc quy định thanh niên có những quyền và nghĩa vụ cụ thể, Dự án quy định trách nhiệm của thanh niên trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình cũng như trách nhiệm của các chủ thể khác trong việc tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho thanh niên thực hiện trách nhiệm. Việc thiết kế các quy định theo định hướng như trên vừa tránh được sự trùng lắp, chồng chéo với các đạo luật khác vừa bảo đảm tính khả thi của điều Luật; thể hiện rõ vai trò, sứ mệnh của thanh niên.

Tiêu chuẩn nào cho “hòa giải viên”

Tại phiên làm việc sáng 25-5, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Dự án Luật gồm 4 chương, 29 điều, bao gồm các quy định chung; hòa giải viên; trình tự thủ tục hòa giải, đối thoại và công nhận kết quả hòa giải. Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự án Luật, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức thí điểm tại tòa án 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thu được những kết quả tích cực.

Một vấn đề được nhiều đại biểu cho ý kiến là về tiêu chuẩn bổ nhiệm hòa giải viên. Điều 9, dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định, hòa giải viên, đối thoại viên ngoài đối tượng là người có chức danh tư pháp đã nghỉ hưu, những người là luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác mới có thể được xem xét bổ nhiệm làm Hòa giải viên. Một số ý kiến tán thành quy định này nhằm góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên tại Tòa án, bởi lẽ đây là chế định đặc biệt nên cần thu hẹp nguồn bổ nhiệm theo hướng nâng cao điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm nhằm chuyên nghiệp hóa đội ngũ hòa giải viên.

Bên cạnh đó, nhiều số ý kiến cho rằng đối với luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác, dự án Luật chỉ cần quy định là có kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác của mình (hoặc thời hạn 5 năm), không cần giới hạn phải đủ 10 năm kinh nghiệm, bởi lẽ, nhiều trường hợp luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn trẻ nhưng có năng lực, trình độ, kỹ năng hòa giải tốt. Quy định theo hướng này sẽ góp phần mở rộng nguồn bổ nhiệm hòa giải viên.

TTXVN – QUỲNH NHƯ

Đa số ủng hộ miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, đa số ý kiến đại biểu thống nhất cho rằng Nghị quyết đã góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông nghiệp - nông thôn theo hướng hiện đại, tạo sự cạnh tranh về nông nghiệp trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, dù nền nông nghiệp đã có nhiều bước phát triển vượt bậc nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức nên vẫn cần phải kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.