Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: Xem xét xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy người chưa thành niên
Chiều 22-5, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Bộ trưởng Lê Thành Long. |
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, bổ sung nội dung của 61/142 điều, sửa kỹ thuật 9/142 điều, bổ sung mới 3 điều, bãi bỏ nội dung liên quan đến 5 điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội
Việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và nghiện ma túy có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, việc quy định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với đối tượng này là cần thiết nhằm tăng cường quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong điều kiện Việt Nam hiện nay (việc sử dụng ma túy tổng hợp có xu hướng ngày càng tăng và khó kiểm soát), đồng thời là những biện pháp phòng ngừa sớm (quản lý tốt người sử dụng ma túy sẽ dần hạn chế số lượng người nghiện ma túy).
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, cần cân nhắc thận trọng việc bổ sung quy định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào trường giáo dưỡng đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và nghiện ma túy, vì mục đích áp dụng chế tài đối với người chưa thành niên là nhằm giáo dục, phòng ngừa chứ không phải là trừng phạt. Nếu chú trọng mục đích trừng phạt đối với đối tượng này, khả năng phục hồi, sửa chữa vi phạm của các em sẽ rất khó đạt được. Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống ma túy đã có những quy định cụ thể đối với người chưa thành niên nghiện ma túy.
Dự thảo Luật quy định theo loại ý kiến thứ nhất.
Cân nhắc thận trọng
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, theo pháp luật hiện hành, người chưa thành niên nghiện ma túy không bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính nên không được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính mà được áp dụng các biện pháp cai nghiện theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy. Đảng, Nhà nước ta luôn coi người chưa thành niên, trong đó có trẻ em là đối tượng cần được quan tâm chăm sóc, giáo dục và bảo vệ đặc biệt.
Theo Luật Trẻ em, trẻ em nghiện ma túy được xác định là nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, cần có sự hỗ trợ, can thiệp đặc biệt của Nhà nước, gia đình và xã hội để được an toàn, hòa nhập gia đình, cộng đồng. Việc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính, không bổ sung vào Luật Xử lý vi phạm hành chính mà thực hiện biện pháp cai nghiện tự nguyện hoặc cai nghiện bắt buộc tại gia đình, cộng đồng hoặc tại cơ sở cai nghiện dành riêng cho người nghiện ma túy dưới 18 tuổi theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy sẽ giúp các em hòa nhập gia đình, cộng đồng tốt hơn, không dẫn đến có “tiền sự” trong lý lịch tư pháp có thể ảnh hưởng tiêu cực tới tương lai phát triển sau này. Quy định như vậy vẫn đạt được mục đích cai nghiện và giáo dục người chưa thành niên nghiện ma túy, đồng thời phù hợp hơn với nguyên tắc bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em theo Luật Trẻ em và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 91 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, trường giáo dưỡng không có chức năng chữa bệnh, cai nghiện ma túy nên việc đưa người nghiện ma túy dưới 18 tuổi vào trường giáo dưỡng là không phù hợp. Hồ sơ dự án Luật chưa có đánh giá tác động, dự kiến nguồn lực và các điều kiện bảo đảm thi hành chính sách này.
Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung tổng kết thực tiễn, đánh giá toàn diện hiệu quả của các biện pháp, hình thức cai nghiện đối với người nghiện ma túy dưới 18 tuổi, làm rõ nguyên nhân của những vướng mắc trong việc đưa đối tượng này vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy hiện hành để có đề xuất sửa đổi các quy định của Luật này mà không thay thế bằng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng.
TTXVN – QUỲNH NHƯ
>> Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: Ý kiến khác nhau về hộ kinh doanh
>> Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV: Tạo động lực để đất nước vượt qua khó khăn, tiếp tục tiến bước
Giải pháp “răn đe” cúp điện, cúp nước Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, việc bổ sung quy định “Ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm trong xây dựng công trình, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ” hiện có 2 ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, cần quy định đây là biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Việc bổ sung thêm biện pháp này sẽ góp phần tăng thêm công cụ mang tính mệnh lệnh, có hiệu quả cao trong xử lý vi phạm, áp dụng trực tiếp với các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt nhằm ngăn chặn tối đa việc tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm, thiết lập lại trật tự quản lý nhà nước đã bị xâm hại, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, cần quy định đây là biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính. Dự thảo Luật quy định theo loại ý kiến thứ nhất. |