Báo Công An Đà Nẵng

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV: Ông Trần Đại Quang trúng cử chức vụ Chủ tịch nước

Thứ ba, 26/07/2016 06:55

* Trình Quốc hội cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021

(Cadn.com.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, chiều hôm qua 25-7, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) làm việc tại hội trường, tiến hành bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước.

Trước đó, tại phiên họp buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã trình Quốc hội xem xét bầu ông Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021.

 

Bắt đầu phiên họp buổi chiều, các ĐBQH hội đã nghe UBTVQH báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn ĐBQH và giải trình, tiếp thu ý kiến của ĐBQH về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước. Quốc hội đã thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước, với 97,17% ĐBQH tán thành. Tiếp đó, Quốc hội đã tiến hành bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín. Ban kiểm phiếu đã công bố kết quả kiểm phiếu bầu Chủ tịch nước. Theo đó, có 485/487 ĐBQH đồng ý, chiếm tỷ lệ 98,18% tổng số ĐBQH.

Căn cứ Nội quy kỳ họp, ông Trần Đại Quang đã trúng cử chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016-2021.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết bầu Chủ tịch nước. Với 97,98% ĐBQH tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước.

Lễ tuyên thệ trang trọng, thiêng liêng đã được tiến hành ngay sau đó. Tại lễ tuyên thệ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ: “Dưới Cờ đỏ Sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước, tôi Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó”.

 

Phát biểu trước Quốc hội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ: “Tôi trân trọng cảm ơn Quốc hội đã tín nhiệm bầu tôi giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Chủ tịch nước khẳng định: “Với vinh dự, trách nhiệm lớn lao của người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, tôi sẽ kế thừa và phát huy truyền thống dựng nước, giữ nước hào hùng của dân tộc và kinh nghiệm của các vị Chủ tịch nước tiền nhiệm, nỗ lực, làm hết sức mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Phối hợp chặt chẽ với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trên lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp; chủ động tham gia xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, phương thức và cơ chế vận hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, lợi ích và an ninh quốc gia, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tạo môi trường hòa bình để phát triển đất nước. Tích cực phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, chủ động hội nhập, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội ở khu vực và trên thế giới”. 

Tại phiên họp ngày 25-7, các ĐBQH cũng đã nghe UBTVQH báo cáo kết quả nhân sự Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban và Ủy viên Thường trực. Theo đó, UBTVQH khóa XIV đã xem xét, cân nhắc và phê chuẩn điều kiện từng nhân sự cụ thể, trước mắt phê chuẩn 34 Phó Chủ tịch, Phó Chủ nhiệm và 45 Ủy viên Thường trực đối với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Đối với Ủy ban của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc chưa đủ số Phó Chủ tịch, Ủy viên Thường trực so với số lượng đã được phê duyệt, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, trong quá trình hoạt động, UBTVQH sẽ tiếp tục xem xét kiện toàn khi có cán bộ đủ tiêu chuẩn và điều kiện. 

 UBTVQH đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 2 trong 4 chuyên đề giám sát năm 2017: 1 - Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 – 2016; 2 - Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016; 3 - Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT), xây dựng, chuyển giao (BT) và hợp tác công tư (PPP); 4- Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với ngư dân gắn với phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

B.T

Cũng trong chiều 25-7, các ĐBQH đã nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 trình bày Tờ trình về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021. Tại Tờ trình, Chính phủ đề xuất phương án cơ cấu tổ chức nhiệm kỳ 2016-2021 với mục tiêu, yêu cầu là xây dựng cơ cấu tổ chức của Chính phủ tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ với vị trí là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội, đáp ứng vai trò quản lý nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Việc kiện toàn cơ cấu tổ chức Chính phủ được đặt trong tổng thể yêu cầu đổi mới, kiện toàn bộ máy nhà nước và các cơ quan trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV giữ ổn định như khóa XIII gồm 22 bộ và cơ quan ngang bộ.

Báo cáo thẩm tra Tờ trình về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày cho thấy, cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ đã được thực hiện ổn định từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII đến nay, đúng với chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và phù hợp với tình hình thực tế của nước ta trong thời gian qua. Về phương án cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Pháp luật nhận định việc giữ ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ sẽ tạo điều kiện để Chính phủ tiếp tục thực hiện bao quát các chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp, pháp luật, phát huy những kết quả tích cực đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, phù hợp với tình hình thực tế. Ủy ban Pháp luật nhất trí với cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV như trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, gồm 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật đề nghị Quốc hội lưu ý Chính phủ bám sát chức năng, nhiệm vụ đã được quy định trong Hiến pháp và Luật tổ chức Chính phủ, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý điều hành phát triển kinh tế - xã hội, phát huy vai trò của tập thể Chính phủ, đề cao trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, tăng cường phối hợp trong quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, đáp ứng yêu cầu phát triển; sớm ban hành quy chế làm việc mới của Chính phủ, khẩn trương sửa đổi, ban hành nghị định quy định nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy của từng bộ, cơ quan ngang bộ, trong đó phân rõ mô hình, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng bộ, cơ cấu bên trong bộ, xây dựng bộ máy tinh gọn, chuyên nghiệp, khắc phục chồng chéo, trùng dẫm hoặc bỏ sót nhiệm vụ quản lý nhà nước. Xác lập cơ cấu bộ máy hợp lý để làm tốt công tác xây dựng thể chế, là đầu mối tăng cường quản lý một số lĩnh vực mà thực tiễn đang đặt ra những nhiệm vụ mới như ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý biển đảo, năng lượng, quản lý doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước trong các doanh nghiệp. Tăng tính chủ động hơn cho chính quyền địa phương và tăng cường kiểm tra, giám sát của Trung ương.

Cũng trong chiều 25-7, Quốc hội thảo luận ở Đoàn về cơ cấu tổ chức của Chính phủ. Sáng nay 26-7, UBTVQH sẽ báo cáo Quốc hội về kết quả thảo luận tại Đoàn về cơ cấu tổ chức của Chính phủ.

TTXVN

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Tờ trình Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN