Báo Công An Đà Nẵng

Kỹ nghệ sản xuất nước mắm giả

Thứ tư, 16/09/2015 11:28

* Bước đầu CQĐT thu giữ hơn 3.000 chai nước mắm Nam Ngư Chin-su giả

XƯỞNG SẢN XUẤT NƯỚC MẮM NAM NGƯ CHIN-SU GIẢ

(Cadn.com.vn) - Đầu tháng 6-2015, Phòng CSĐTTP về TTQLKT & CV CA tỉnh Nghệ An nhận được đơn tố cáo từ Cty TNHH MTV MaSan (chủ sở hữu của thương hiệu sản phẩm nước mắm Nam Ngư Chin-su) về nội dung: Thời gian gần đây, trên thị trường nước mắm tại Nghệ An xuất hiện một số sản phẩm nước mắm giả, trong đó nước mắm Nam Ngư Chin-su 3 trong 1 cũng bị làm giả.

Từ đơn tố cáo, lãnh đạo Phòng CSĐTTP về TTQLKT & CV CA tỉnh Nghệ An cử các TS vào cuộc điều tra. Qua xác minh ban đầu, các TS nhận thấy tại một số đại lý bán hàng tạp hóa ở TP Vinh và một số huyện phụ cận có sự xuất hiện của thương hiệu nước mắm Nam Ngư Chin-su làm giả. Nhận thấy đường dây làm giả nước mắm này gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến thương hiệu độc quyền của nhà sản xuất, Phòng CSĐTTP về TTQLKT & CV xác lập chuyên án để đấu tranh.

Nguyễn Như Minh.

Chuyên án 915G được xác lập, BCA triển khai các mũi TS điều tra, xác minh tại các đại lý tại TP Vinh và một số huyện lân cận để xác minh nguồn gốc của các sản phẩm Nam Ngư Chin-su giả này. Từ những nguồn tin thu thập được, các TS tìm ra được cơ sở sản xuất nước mắm của Nguyễn Như Minh (1970, tại xóm Hùng Thịnh, xã Thanh Khai, H. Thanh Chương, Nghệ An) có nhiều dấu hiệu sản xuất và buôn bán nước mắm giả. Theo điều tra ban đầu, Minh thường trú khối 11, P. Đội Cung, TP Vinh, nhưng gia đình Minh có nhà và cửa hàng chuyên buôn bán tạp hóa tại xã Thanh Khai, H. Thanh Chương. Năm 2013, cơ sở sản xuất nước mắm của Minh đã bị CAH Thanh Chương xử lý hành chính với mức phạt 21 triệu đồng.

Sau một năm nghỉ hoạt động, đến cuối năm 2014, đầu 2015, Minh xây dựng hệ thống tường rào rất cao rồi tiến hành hoạt động sản xuất nước mắm trở lại. “Nhà máy” để chế nước mắm là ngôi nhà cấp 4 sau vườn, đây là khu vực “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, chỉ có người trong gia đình mới được ra vào. Chính điều này đã gây nhiều khó khăn trong công tác điều tra của BCA. Để hoạt động sản xuất nước mắm giả không bị phát hiện, Minh không thuê công nhân mà chủ yếu tự pha chế vào ban đêm. Do luôn đề cao cảnh giác nên Minh đã quy ước thời gian giao hàng cho các đại lý là rạng sáng. Cứ 4 giờ hằng ngày, Minh điều khiển xe máy chở nước mắm giả giao cho các đại lý ở TP Vinh và vùng lân cận.

Nhãn mác giả được Hồ Viết Đồng in và bán cho Minh.

PHÁ ÁN

Sáng 10-9, theo nguồn tin từ TS báo về chỉ huy BCA: Minh đang chuẩn bị một lượng hàng khá lớn để giao cho các đại lý vào chiều cùng ngày. Từ thông tin hết sức quý giá này, lãnh đạo BCA nhận định, thời cơ phá án đã đến nên nhanh chóng lên kế hoạch vây bắt quả tang. 14 giờ ngày 10-9, Minh đóng 6 thùng nước mắm lên xe máy rồi vội vã chạy từ H. Thanh Chương xuống TP Vinh mà không hề hay biết các TS đang theo sát. Khi Minh đi đến đoạn ngã tư đường tránh TP Vinh-QL46 thuộc địa bàn xã Hưng Đạo, H. Hưng Nguyên thì bị tổ công tác Phòng CSĐTTP về TTQLKT&CV bắt quả tang. Tang vật thu giữ tại chỗ là 360 chai nước mắm Nam Ngư Chin-su 3 trong 1 loại chai 500ml. Tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của Minh tại xã Thanh Khai, H. Thanh Chương, BCA thu giữ 750 chai nước mắm giả nhãn hiệu Nam Ngư, Ông Tây và 120 lít nước mắm đã pha chế để làm giả, hàng nghìn vỏ chai, nhãn mác nước mắm các loại, vật liệu, công cụ, dùng để pha chế, sản xuất nước mắm giả.

Khai thác nóng, BCA đã tiến hành khám xét nơi ở của Hồ Viết Đồng (1973, trú khối Quang Tiến, P. Hưng Dũng, TP Vinh) là cơ sở sản xuất các loại tem, nhãn để bán cho Minh sử dụng. BCA thu giữ tang vật gồm 150kg tem, vỏ thùng nước mắm nhãn hiệu Nam Ngư Chin-su 3 trong 1 cùng các công cụ sử dụng để in nhãn mác giả.

Sản phẩm nước mắm Nam Ngư Chin-su giả được CQĐT thu giữ.

Tại CQĐT, Minh khai nhận, lợi dụng thương hiệu nước mắm nổi tiếng mang nhãn hiệu Nam Ngư Chin-su của Cty Masan được người tiêu dùng ưa chuộng nên Minh đã nghĩ ra chuyện làm giả nước mắm để bán cho các đại lý trong tỉnh. Để có được sản phẩm Nam Ngư  Chin-su giả, Minh đã mua các loại nước mắm rẻ tiền về thêm nước, đường, bột ngọt và pha thêm với một ít nước mắm nguyên chất Nam Ngư, phụ gia. Sau đó, sản phẩm nước mắm này sẽ được đóng chai, nhãn mác, tem sản xuất do Hồ Viết Đồng cung cấp. Riêng vỏ chai, Minh đặt mua tại một cửa hàng ở Hà Nội và được chuyển về bằng xe khách. Tất cả các khâu từ khâu pha chế đến đóng gói, gắn nhãn mác đều được làm bằng phương pháp thủ công. Sau khi có được sản phẩm, Minh nhập cho các đại lý trên địa bàn với giá rẻ (bằng 1/2 so với giá nước mắm thật). Chính vì vậy, trung bình mỗi ngày Minh tuồn ra thị trường khoảng 300-500 chai nước mắm giả. Sản phẩm của Minh không chỉ tiêu thụ ở các đại lý tại TP Vinh mà còn len lỏi tới các huyện miền núi của Nghệ An.

Hiện Phòng CSĐTTP về TTQLKT & CV CA tỉnh Nghệ An đang hoàn tất hồ sơ khởi tố Nguyễn Như Minh về hành vi “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực thực phẩm”, đồng thời gửi mẫu nước mắm giả để kiểm định xem có tác hại gì đến sức khỏe người tiêu dùng và phạt hành chính, tịch thu gần 2.000 chai nước mắm giả từ các đại lý tiêu thụ nước mắm do Minh sản xuất.

D.H