Báo Công An Đà Nẵng

Kỷ nguyên mới cho Colombia

Thứ sáu, 26/08/2016 10:17

(Cadn.com.vn) - Chính phủ Colombia và nhóm phiến quân Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) cuối cùng đã ký kết hiệp ước hòa bình lịch sử, chấm dứt 52 năm xung đột đẫm máu vốn khiến hơn 260.000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

Tối 24-8 (ngày 25-8, giờ Việt Nam), hàng ngàn người dân Colombia đã đổ ra đường phố, ăn mừng sự kiện lịch sử của đất nước: chính phủ và nhóm phiến quân FARC ký thỏa thuận hòa bình, vĩnh viễn kết thúc hơn nửa thế kỷ nội chiến ở quốc gia Nam Mỹ này.

Mặc dù thỏa thuận này cần được cử tri thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý dự kiến được tổ chức vào ngày 2-10 tới, nhưng rõ ràng, nó giúp chấm dứt cuộc xung đột dai dẳng nhất tại Mỹ Latinh và mở ra thời đại mới cho Colombia - thời đại của hòa bình, ổn định và tăng trưởng.

Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez (giữa) hoan nghênh trưởng đoàn đàm phán chính phủ Colombia Humberto de la Calle (phải) và người đồng cấp FARC Ivan Marquez  ký kết thỏa thuận hòa bình hôm 24-8. Ảnh: AFP

Một nền hòa bình thật sự

Trong thông báo được đưa ra sau cuộc hội đàm tại thủ đô La Havana của Cuba, nơi diễn ra các cuộc đàm phán kể từ tháng 11-2012 đến nay, chính phủ Colombia và nhóm FARC tuyên bố: “Chúng tôi đã đi đến một thỏa thuận hòa bình chính thức, đầy đủ và rõ ràng”.

Vậy là sau gần 4 năm đàm phán khó khăn, cả hai bên đã nhất trí hợp tác để giải quyết những bất đồng, cam kết mang lại công lý cho các nạn nhân của cuộc xung đột này cũng như xây dựng một nền hòa bình ổn định và lâu dài. Trong tuyên bố trước toàn dân, Tổng thống Manuel Santos - người đã đặt cược di sản sự nghiệp chính trị cho tiến trình hòa bình này - cho biết, thỏa thuận này đánh dấu “kết thúc của sự đau khổ, đau đớn và bi kịch chiến tranh”. Tổng thống Santos cũng tuyên bố, Bogota sẽ tiến hành trưng cầu dân ý trên toàn quốc về thỏa thuận hòa bình lịch sử này. “Đó sẽ là cuộc bầu cử quan trọng nhất đối với đời sống của chúng ta. Đó là cơ hội lịch sử và duy nhất để bỏ lại phía sau cuộc xung đột cũng như đóng góp các nỗ lực xây dựng một đất nước an toàn, công bằng và văn minh hơn”, ông nói.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi điện cho người đồng cấp Santos, chúc mừng chính phủ và nhân dân Colombia. Ông chủ Nhà Trắng cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Colombia, đồng minh quan trọng trong cuộc chiến chống ma túy của Mỹ. Washington đã chi hơn 10 tỷ USD cho cuộc chiến chống ma túy chung giữa hai nước được gọi là “Kế hoạch Colombia” – và mới đây được sửa lại là “Hòa bình Colombia” mà Tổng thống Obama đề ra.

Nhiệm vụ kéo dài 52 năm

Các cuộc xung đột vũ trang ở Colombia bùng nổ từ năm 1964, cướp đi sinh mạng 260.000 người, khiến 45.000 người mất tích và khoảng 6,8 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

Trong suốt chặng đường gian nan này, cuộc chiến ngày càng mở rộng với sự tham gia của một số nhóm phiến quân cánh tả và bán quân sự cánh hữu. Các băng đảng ma túy cũng châm ngòi bạo lực gia tăng tại quốc gia sản xuất cocaine lớn nhất thế giới này. Ba tiến trình hòa bình trước đó với FARC đã kết thúc trong thất bại. Nhưng sau cuộc tấn công lớn của quân đội Colombia giai đoạn 2006-2009 - do Bộ trưởng quốc phòng lúc đó là ông Santos triển khai - FARC suy yếu và đồng ý trở lại bàn đàm phán.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những trở ngại trên con đường hòa bình. Thỏa thuận này cần vượt qua cửa ải cuối cùng trong cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 2-10 tới, Mặc dù giới phân tích cho rằng, động thái này chỉ mang tính biểu tượng, nhưng trên thực tế đối thủ hàng đầu của ông Santos, cựu Tổng thống Alvaro Uribe, đang dẫn đầu chiến dịch kêu gọi người dân bỏ phiếu “nói không” với thỏa thuận lịch sử này. Ông Uribe cáo buộc đương kim Tổng thống Santos đã cho FARC quá nhiều lợi thế. Chính phủ Colombia cũng vẫn còn chiến đấu với nhóm phiến quân nhỏ hơn, Quân Giải phóng Quốc gia (ELN), vốn đứng sau hàng loạt vụ bắt cóc gây chấn động nhằm mục đích làm trật bánh con đường đi đến đàm phán hòa bình.

Khả Anh

Thỏa thuận hòa bình 6 điểm

Thỏa thuận hòa bình lần này có 6 điểm gồm: mang lại công lý cho các nạn nhân xung đột, cải cách ruộng đất, mở đường chính trị cho các cựu phiến quân FARC, chiến đấu chống nạn buôn bán ma túy, giải trừ quân bị và giám sát thực thi thỏa thuận.

Theo đó, FARC sẽ bắt đầu chuyển khoảng 7.000 chiến binh ra khỏi nơi ẩn náu để vào các trại giải trừ quân bị do LHQ thành lập. FARC sau đó sẽ trở thành một đảng chính trị. Vũ khí tịch thu của nhóm phiến quân này sẽ được nấu chảy để dựng 3 di tích hòa bình. Và một tòa án đặc biệt sẽ được thành lập để xét xử những kẻ phạm tội ác chiến tranh.

Người dân Colombia đổ ra đường mừng thỏa thuận hòa bình lịch sử. Ảnh: Reuters

T.Linh