Báo Công An Đà Nẵng

Kỷ nguyên mới ở Thái Lan?

Thứ tư, 02/11/2016 10:04

(Cadn.com.vn) - Chủ nghĩa dân tộc tại Thái Lan trỗi dậy mạnh mẽ sau khi Vua Bhumibol Adulyadej qua đời. Đây có thể là dấu hiệu đáng lo ngại cho tương lai nước này.

Vua Bhumibol Adulyadej qua đời làm bùng nổ làn sóng chủ nghĩa dân tộc tại Thái lan. Điều này khiến chính quyền Thủ tướng Prayuth Chan-ocha phải trải qua nhiều thử thách trong sự trỗi dậy của các vấn đề chính trị, kinh tế, cũng như phải đảm bảo sự suôn sẻ các kế hoạch hoàng gia quan trọng.

Ngay sau cái chết của Vua Bhumibol, Thủ tướng Prayut nhanh chóng khẳng định rằng vương quốc vẫn hoạt động bình thường. Ngay sau tang lễ, các sàn giao dịch địa phương được mở cửa dù hoạt động giao dịch đã sụt giảm. Theo ông Prayut, những dự đoán rằng hoạt động thương mại sẽ bị đình trệ sau cái chết của Vua Bhumibol là vô căn cứ. Ông Prayut khẳng định, lộ trình khôi phục dân chủ, với các cuộc bầu cử mới dự kiến diễn ra vào cuối năm 2017, sẽ không bị trì hoãn dù tang lễ kéo dài.

Dù vậy, nhiều người nhận định, Vua Bhumibol qua đời có thể mở ra một kỷ nguyên mới của sự áp đặt tại Thái Lan.  Sẽ xuất hiện thêm nhiều vấn đề liên quan đến thời gian để tang, người nhiếp chính và kế vị. 

Vua Bhumibol qua đời khiến chủ nghĩa dân tộc trỗi dậy tại Thái Lan. Ảnh: BBC

Quân sự hóa xã hội Thái Lan đã xảy ra trước khi Vua Bhumibol qua đời, song quá trình này được cho là đang trên đà phát triển bởi chính quyền quân sự đang muốn lấp khoảng trống quyền lực. Năm 2014, ông Prayut thực hiện đảo chính lật đổ cựu Thủ tướng Yingluck với lý do lập lại trật tự và hòa giải sau nhiều tháng biểu tình chống chính phủ gây mất ổn định. Song động thái này nhiều khả năng là sự dàn xếp để đảm bảo rằng quân đội chứ không phải là các chính trị gia sẽ lãnh đạo vương quốc.

Nhiều người Thái đã kiên nhẫn chịu đựng và chấp nhận mất đi các quyền tự do để đổi lấy sự ổn định sau nhiều năm hỗn loạn chính trị. Tuy nhiên, việc Thủ tướng Prayut ngày càng lợi dụng Điều 44 của hiến pháp tạm thời, quy định quyền lực không bị giới hạn của Thủ tướng, bắt đầu khiến dân chúng bực bội, kể cả những người ủng hộ chính quyền quân sự.

Pavida Pananond, giáo sư kinh tế tại Đại học Thammasat ở Bangkok, cho rằng, chủ nghĩa dân tộc sẽ làm suy yếu uy tín quốc tế của Thái Lan. Trong những ngày gần đây các nhà chức trách Thái Lan nỗ lực dẫn độ những người Thái sống ở các nước phương Tây về nước để đối mặt với cáo buộc xúc phạm hoàng gia.

Nhiều người cho rằng, việc Vua Bhumibol qua đời làm nảy sinh chủ nghĩa dân tộc trong nền kinh tế. Sức mạnh quân sự được thể hiện rõ trong nền kinh tế kể từ cuộc đảo chính, cụ thể là ngày càng nhiều các quan chức quân đội nắm giữ các Cty nổi tiếng. Ông Prayut cũng sử dụng Điều 44 để hủy bỏ thỏa thuận với một Cty khai thác mỏ của Australia. Thủ tướng cũng sử dụng quyền hành pháp để hủy các hợp đồng thương mại. Theo các nhà phân tích, động thái này gây ra những rủi ro pháp lý mới trong nền kinh tế.

Ông Pavida lập luận rằng, bất cứ chủ nghĩa dân tộc nào trong lĩnh vực kinh tế sẽ mâu thuẫn với quy hoạch tổng thể kinh tế 20 năm của Thủ tướng Prayut nhằm thúc đẩy “sự kết nối” giữa các quốc gia thành viên ASEAN với các khu vực rộng lớn hơn và đưa nền kinh tế của Thái Lan thoát khỏi sự phụ thuộc vào lao động giá rẻ, hướng tới sự tăng trưởng theo định hướng đổi mới.

An Bình
(Theo Diplomat)