Báo Công An Đà Nẵng

“Kỳ nhân” hơn trăm tuổi và hồi ức đánh cọp giữ làng

Thứ năm, 15/11/2018 19:00

Thôn Thủy Ba Hạ nằm tách biệt với các xóm làng khác bởi cánh đồng rộng lớn, vàng đượm phù sa của dòng Sa Lung chảy qua xã Vĩnh Thủy (H. Vĩnh Linh, Quảng Trị). Đầu tháng 11-2018, chúng tôi tìm về Thủy Ba Hạ, hỏi thăm về cụ Nguyễn Đăng Hạp thì ai nấy đều “ồ” lên như đã hiểu mục đích của chuyến đi. “Muốn nghe kể chuyện săn cọp huyền thoại của làng Thủy Ba phải không, cứ đi qua cổng làng, rẽ trái, đến ngôi nhà có hàng hoa tím phía trước í. Cụ Hạp chừ đã hơn 100 tuổi rồi đó”, lời người dân xen lẫn tự hào, cũng như muốn nhắn nhủ rằng đó là nhân chứng sống cuối cùng của đội săn hổ dữ của vùng Thủy Ba nổi danh một thời.

Cụ Nguyễn Đăng Hạp với những hồi ức không phai về những năm tháng tham gia đánh cọp giữ làng.

Thủy Ba từng là căn cứ chống Pháp nổi tiếng, là căn cứ đầu não của Cách mạng Vĩnh Linh. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, có ngày quân dân Vĩnh Thủy bắn rơi 6 máy bay địch, bắt sống nhiều phi công. Và tên gọi Thủy Ba cho đến hôm nay vẫn thôi thúc nhiều người tìm đến, chan chứa trong niềm tự hào đấu tranh giải phóng dân tộc ấy còn là những câu chuyện ly kỳ về sự quật cường của người dân trước ác thú hùm dữ có từ trăm năm trước.

Trước khi gặp nhân chứng cũng là thợ săn cuối cùng còn lưu giữ nhiều ký ức về các cuộc vây bắt hổ dữ ở làng Thủy Ba trong những thập niên đầu thế kỷ XX, chúng tôi tình cờ gặp được lão nông ngoài lục tuần Cao Tất Luật. “Cánh đồng ni ngày trước là rừng rậm, cọp về đây bắt người, trâu, bò đủ hết. Nhất là sau nạn đói 1944, 1945, người chết nhiều, chúng càng quen lối về làng”, ông Luật cho hay. Hỏi thêm mới hay ông có người chú ruột đã bị thiệt mạng do cọp bắt. Một người chú ruột khác của ông thì may mắn thoát chết trong gang tấc. “Đêm đó chú tôi đang ngủ trong nhà, nó về bên ngoài rồi thọc phên, lôi chú tôi ra. Rất may sau đó thoát được, chỉ bị thương ở tay”, ông Luật kể.

Những câu chuyện hãi hùng, bi thương ấy ông Luật đều được cha và ông nội kể lại, bởi nạn nhân không chỉ có vài người. Trong mạch hồi ức về người thân, ông Luật cho hay ông nội của ông cũng thuộc đội bắt sống cọp huyền thoại của Thủy Ba của gần ngót 1 thế kỷ trước. “Vì bắt được hổ dữ, người dân Thủy Ba đã được triều Nguyễn miễn nộp thuế...”, vừa kể đến đây, ông Luật liền giục chúng tôi vào làng tìm cụ Nguyễn Đăng Hạp, bởi cả Thủy Ba chứ không riêng thôn Hạ chỉ còn mỗi cụ là rành rõ những câu chuyện kỳ bí thời ác liệt ấy.

Sắp bước sang tuổi 102 nhưng cụ Hạp vẫn rất minh mẫn, thần thái đầy ngưỡng mộ. Điều trở ngại duy nhất là cụ đã lãng tai nên chúng tôi phải mất một thời gian để làm quen cách trò chuyện như hướng dẫn của người nhà. “Nghe hỏi chuyện bắt cọp năm xưa là ông kể say sưa liền đó”, bà Diên, vợ cụ Hạp cho hay. Quả đúng vậy, khi hiểu chúng tôi muốn tìm hiểu về giai thoại làng Thủy Ba bắt cọp, đôi mắt cụ ngời lên. “Cọp Thủy Ba, ma Trộ Rớ. Nghe rứa là biết rừng Thủy Ba nhiều cọp rồi”, cụ Hạp bắt đầu dòng ký ức. Cụ kể, từ ngày còn nhỏ, lớp cha ông, trai tráng của Thủy Ba đã cầm đinh ba, giáo mác, đặt bẫy, giăng lưới để bắt cọp, giữ làng. Qua thời gian thành một nghề, đó là nghề bắt cọp, tiếng tăm lan tới triều đình nhà Nguyễn và được “điều động” bắt cọp nhiều nơi.

Ông Cao Tất Luật ngồi trên cánh đồng xưa là rừng rậm kể về chuyện hổ dữ bắt người ở Thủy Ba.

“Mùng Năm sắc hạ Vua ra/ Chiếu tờ xuống huyện đòi Thủy Ba đi liền. Đò vô tận "ải" Thừa Thiên/ Giữ ma độc nước không yên chăng là.../ Đời xưa nỏ có mô ri/ Đời nay dân phải cu-li bắt hùm”, cụ Hạp nằm lòng những câu vè về nghề bắt cọp của làng mình.

Tiếp nối thế hệ cha ông can đảm, ông Hạp lớn lên cũng tham gia vào đội bắt cọp và nhớ nhất 2 lần cùng dân làng bắt sống cọp dữ. Như mọi lần, có dấu hiệu cọp về là cả làng đều vào cuộc, nhất là phường thợ săn lần theo đó để nhận biết cọp đực hay cái, to, nhỏ như thế nào để đối phó. Những vòng vây được bố trí, lưới bằng cây sót được giăng ra, trong khi vòng ngoài giáo mác sẵn sàng. Cuộc chiến với ác thú đầy nguy hiểm, đổ máu... nhưng không ai chùn bước. Với người dân Thủy Ba, đến năm 1952, con hùm ăn thịt người cuối cùng đã bị bắt sống. Một vài năm sau đó, chỉ thi thoảng cọp có về để bắt trâu, bò nhưng rồi cũng sa bẫy...

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, xã Vĩnh Thủy là nơi chịu nhiều bom đạn kẻ thù trút xuống nhưng người dân vẫn bảo vệ được những vũ khí bắt cọp năm xưa. Dân làng coi đó là bảo vật, nâng niu, giữ gìn rồi sau đó bổ sung hiện vật quý giá này cho Bảo tàng của tỉnh. Cũng từ đây mà lớp trẻ chúng tôi càng hiểu thêm sức mạnh đoàn kết, kiên cường của nhân dân diệt trừ ác thú cũng như anh dũng bảo vệ quê hương trong cuộc trường kỳ giải phóng dân tộc. Nên dù ngót nghét 1 thế kỷ qua, tiếng xưa bắt cọp dậy sóng vẫn như còn vang vọng về đây.

BẢO HÀ