Báo Công An Đà Nẵng

Kỷ niệm 33 năm Ngày Báo Công an TP Đà Nẵng phát hành công khai số đầu tiên (17-8-1987 - 17-8-2020): Sâu nặng nghĩa tình...

Thứ hai, 17/08/2020 10:22

Cũng như nhiều ngành nghề khác, nghề báo vốn dĩ đã đặc thù, làm báo trong ngành CA lại còn hơn thế. Với Báo Công an TP Đà Nẵng, chặng đường 33 năm hình thành và phát triển có thể chưa dài, nhưng chừng ấy thời gian cũng đủ để cho nhiều thế hệ cán bộ, phóng viên (PV), biên tập viên (BTV), nhân viên (NV) tòa soạn trải nghiệm, ghi dấu trưởng thành, thậm chí có những người cả một đời gắn bó, vì với họ, đây thực sự là "ngôi nhà" thứ hai của mình...



Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn với CBCS Báo Công an TP Đà Nẵng.

1. Những ngày này, cả Đà Nẵng căng mình "chiến đấu" với dịch bệnh, cùng với các cấp ủy Đảng, chính quyền từ TP đến cơ sở; đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế, các chiến sĩ Quân đội, Công an, lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố và các tầng lớp nhân dân, thì đội ngũ PV, BTV các cơ quan báo chí, trong đó có Báo Công an TP Đà Nẵng đang ngày đêm "chia lửa" nơi tuyến đầu chống dịch. Để chuyển tải những thông tin nhanh nhất, kịp thời nhất về công tác phòng, chống dịch bệnh, về những cống hiến, hy sinh thầm lặng của các lực lượng tham gia, kể cả những câu chuyện nhân ái, giàu tình yêu thương, tình người lan tỏa... trong thời điểm toàn TP thực hiện giãn cách xã hội. Tất cả hiện lên như một bức tranh sinh động, đầy sắc màu được các PV "nơi tuyến đầu" chuyển tải qua các trang báo "nóng hổi" mỗi ngày.

Với Báo Công an TP Đà Nẵng, hòa chung với nhịp đập, hơi thở cuộc sống ấy, hầu như tất cả các anh chị em lãnh đạo, PV, BTV, đặc biệt là PV phụ trách địa bàn, lĩnh vực y tế lại càng khẩn trương, tất bật hơn. Ngay từ những ngày đầu dịch bệnh bùng phát, Lê Hùng - PV chuyên mảng y tế của Báo đã không quản ngày đêm, dù nắng gắt hay mưa dầm, dù là các cuộc họp trong phòng kín hay là tại hiện trường các "điểm nóng" về dịch bệnh, anh đều không ngần ngại xông pha... Tất cả cũng chỉ với một mong muốn duy nhất là chuyển tải được những thông tin kịp thời về tình hình dịch bệnh nhằm phục vụ bạn đọc. Ngoài Lê Hùng, còn nhiều anh chị em PV khác trong đơn vị, dù thâm niên công tác, lĩnh vực phụ trách có thể khác nhau, nhưng ai nấy đều chung tay, sẻ chia công việc, mục đích cuối cùng là tạo ra tác phẩm báo chí tốt nhất. Và để có một sản phẩm báo chí tốt nhất ấy, còn phải kể đến sự đóng góp, hỗ trợ rất lớn, từ việc chỉ đạo, hướng dẫn sát sao, cụ thể của đội ngũ lãnh đạo, Ban Biên tập, các trưởng, phó ban, các anh chị BTV và đội ngũ nhân viên tòa soạn..., mỗi người như một cỗ máy hoạt động không biết mệt mỏi.

Có thể có những lúc thăng trầm, nhưng những người làm Báo Công an TP Đà Nẵng vẫn luôn tự hào vì mình đã, đang và sẽ cống hiến hết mình cho tờ báo. Và với bạn đọc, mỗi sáng mai thức dậy, khi cầm tờ báo còn thơm mùi mực trên tay, hay những thông tin nóng hổi được cập nhật liên tục trên báo điện tử, chỉ mong rằng, họ sẽ hiểu, trân trọng, chia sẻ phần nào về công việc mà các thế hệ người làm Báo Công an TP Đà Nẵng đã làm trong suốt 33 năm qua...

Phóng viên tác nghiệp giữa tâm dịch Covid-19.

2. Đứng chân tại "khúc ruột miền Trung", hàng năm phải trải qua rất nhiều bão lũ, nắng hạn gay gắt, vì vậy không chỉ trong thời điểm dịch bệnh mà ngay cả trong những ngày được xem là bình thường nhất, nhiệm vụ của Báo, cụ thể hơn là nhiệm vụ của từng ban, bộ phận như phóng viên, thư ký, trị sự, phát hành, quảng cáo cũng đều phải vận hành một cách thông suốt. Nói thì đơn giản, nhưng để thông suốt, thì mỗi ban, mỗi bộ phận đều phải tận tụy, cật lực với công việc, nhiệm vụ của mình. Và đổi lại, tình yêu, sự trân trọng và tự hào là những gì mà đông đảo bạn đọc đã dành cho Báo Công an TP Đà Nẵng suốt những năm qua...

Từ một bản tin nội bộ, sau 33 năm Báo Công an TP Đà Nẵng đã vươn lên, trở thành một trong những tờ báo có uy tín không chỉ trong ngành CA mà cả trong nền báo chí nước nhà. Từ điểm khởi đầu 1 kỳ báo/tuần lên 2, 3, 4, đến nay lên 6 kỳ báo/ tuần. Số lượng trang báo cũng tăng theo số kỳ, từ chỗ 8 trang đến nay, Báo Công an TP Đà Nẵng đã 20 trang, trở thành món ăn tinh thần của nhiều người dân Đà Nẵng, Quảng Nam, Tây Nguyên và cả nước.

Không chỉ bám sát tôn chỉ, mục đích trong việc phản ánh mọi hoạt động của CATP Đà Nẵng nói riêng và ngành CA nói chung, Báo còn đồng thời cập nhật những vấn đề thời sự chính trị của đất nước và thế giới. Đặc biệt, báo đã tham gia rất tích cực, có hiệu quả vào cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, chống diễn biến hòa bình, tự diễn biến và tự chuyển hóa; tạo được dấu ấn trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng, quan liêu... Ngoài ra, Báo còn là cầu nối, góp phần đưa công tác xã hội - từ thiện đi xa hơn, đến tận với từng mảnh đời bất hạnh cần giúp đỡ.

Hành trình 33 năm hình thành và phát triển, có thể khẳng định, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, PV, BTV, NV của Báo luôn cảm thấy tự hào vì mình đã đóng góp một phần nhỏ công sức để Báo có được thành quả như ngày hôm nay!

D.N.H

Những "cộng tác viên Covid"

Ít ai biết rằng, rất nhiều hình ảnh, video về cuộc "chiến đấu" với SARSCoV-2 của lực lượng Y tế, Công an, Quân đội và người dân tại Đà Nẵng được đăng tải trên Báo Công an TP Đà Nẵng là sản phẩm của những người "ngoại đạo". 

* "Tôi thấy thú vị vì nhật ký của mình thành sản phẩm báo chí" 

Đó là chia sẻ của nữ điều dưỡng Thái Thị Thu Hà (BV Đà Nẵng), được rất nhiều người biết đến thông qua các hình ảnh, dòng tâm sự được chia sẻ trên facebook cá nhân. Là một nhân vật trong bài viết "Nhật ký rơi nước mắt trong bệnh viện phong tỏa" đăng trên Báo Công an TP Đà Nẵng, nữ điều dưỡng cho biết mọi người thấy mình được thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn nên càng vững vàng bám trụ, quyết không rời trận tuyến. Chị tâm sự, những ngày đầu 3 BV lớn của Đà Nẵng cách ly, chị và đồng nghiệp gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Khi nhịp sống trong vùng phong tỏa quen dần, chị mới thỉnh thoảng chụp lại hình ảnh "đặc biệt" về đồng nghiệp, công việc, bệnh nhân. "Tôi thấy vui vì không những hoàn thành tốt việc cùng đồng nghiệp vừa cách ly y tế vừa chăm sóc cho bệnh nhân nặng mà còn trở thành "cộng tác viên Covid" cho một số cơ quan báo chí. Với Báo Công an TP Đà Nẵng, đây cũng là một kỷ niệm đẹp. Nhưng tôi không mong làm cộng tác viên lâu dài cho nhiệm vụ này", chị Hà nhấn mạnh.

Nữ điều dưỡng Thái Thị Thu Hà tặng quà cho một bệnh nhi điều trị tại BV Đà Nẵng.

* "Có diễn biến dịch, tôi lại nghĩ phải chụp ảnh cho Báo Công an TP Đà Nẵng" 

Anh Lê Ngọc Khải (trú 113/9 đường Trần Xuân Lê, P. Hòa Khê, Q. Thanh Khê, Đà Nẵng) là tác giả của nhiều bức ảnh trong vùng phong tỏa đăng trên Báo Công an TP Đà Nẵng. Trong con hẻm khoảng 100m được xem là "điểm nóng" Coviad- 19 với trên dưới 30 hộ dân nhưng có tới 9 ca nhiễm SARS-CoV-2, anh Khải đã chụp những bức ảnh đầu tiên về cảnh phong tỏa và liên tục cập nhật thông tin, clip về công tác phun khử khuẩn, nhận hỗ trợ của các gia đình. Anh Khải thừa nhận, những bức hình mà mình chụp không đẹp, không chuyên nghiệp nhưng đều là ảnh "độc". "Tôi biết, có những điểm phong tỏa nên P.V không thể tiếp cận nên chụp và gửi đi. Chỉ mấy phút sau, thấy ảnh của mình đăng trên Báo Công an TP Đà Nẵng tôi rất vui vì góp phần cho việc tuyên truyền. Bạn bè còn chọc là nghỉ làm việc cơ quan lại được cộng tác với báo chí", anh Khải cười. 

Anh Lê Ngọc Khải.

* "Thấy phóng viên trực chiến ngày đêm, tôi cũng rất phục" 

Sau khi BV dỡ phong tỏa, bệnh nhân nặng cuối cùng được chuyển đi điều trị, một số cán bộ, nhân viên đi làm theo chế độ bình thường hay về nhà thì bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng-Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng vẫn tiếp tục bám trụ. "Tôi lì hơn nên quyết định khi nào hết dịch mới về nhà. Vừa làm việc, vừa cập nhật tình hình cho ngành, lại hỗ trợ được cho anh chị em P.V nữa", chị tâm sự. 

Bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng.

Bác sĩ Hồng cũng là chủ nhân của nhiều bức ảnh, dòng tâm sự cảm động nhưng hết sức cứng rắn trong quyết tâm cùng các đồng nghiệp và ngành y tế đẩy lùi Covid-19. Những ngày đầu, khi thấy P.V mặc bộ đồ bảo hộ đi tác nghiệp, chị nói vọng: "Nếu không quá cần thiết phải đến đây thì cần gì cứ nói chị. Cần ảnh chị chụp cho, cần thông tin thì trao đổi qua điện thoại. Giữ gìn sức khỏe mà chiến đấu lâu dài cùng nhau". Từ hôm đó, dù lao đầu vào công việc chống dịch, nhưng có thời gian là chị sẵn sàng chia sẻ thông tin, hình ảnh cho chúng tôi. Bức ảnh chị và các đồng nghiệp nữ cắt tóc cho nhau, đồng nghiệp mất sức ngồi bệt để tiếp nước… khiến người đọc ngoài cảm nhận được khó khăn, vất vả còn thấy một cảm hứng rất mãnh liệt. "Dĩ nhiên chúng tôi phải chạy như con thoi ở tuyến đầu, nhưng nhìn anh chị em P.V cũng mặc đồ y tế bám trụ ngày đêm khiến tôi rất phục, cho nên hỗ trợ lại được gì thì tôi sẵn sàng", chị Hồng tâm sự. 

CÔNG KHANH