Kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” Gặp trắc thủ cự ly hạ chiếc B52 đầu tiên
(Cadn.com.vn) - Chúng tôi tìm về xóm Phúc Sơn, xã Sơn Lộc, H. Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh gặp ông Ngô Đức Tứ nguyên là chiến sĩ C1 – D59 – E261 – F361 thuộc quân chủng Phòng không – Không quân, người đã trực tiếp tham gia trong kíp chiến đấu bắn rơi chiếc B52 đầu tiên trên bầu trời Hà Nội vào lúc 20 giờ 13 phút đêm 18 tháng 12 năm 1972...
Người chiến sĩ từng tham gia bắn rơi máy bay B52 buổi đầu ngày ấy giờ là một người đàn ông đã có tuổi, sống bình dị bên đàn con cháu với nghề mộc làm kế mưu sinh. Ông kể, tháng 8 năm 1970, khi đang hoàn tất hồ sơ sang Liên Xô học tập thì ông được tuyển thẳng vào bộ đội tên lửa. Tất cả các chỉ số về sức khỏe và trình độ đều được hạng “A đỏ”, ông được biên chế vào C1 – D59 – E 261 – F361 và được tham gia huấn luyện đặc biệt để trở thành một trắc thủ cự ly.
Thật tự hào, ông Tứ có mặt trong kíp chiến đấu đã bắn rơi máy bay B52 đầu tiên trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không lịch sử vào lúc 20 giờ 13 đêm 18 tháng 12 năm 2012. Giọng hào sảng, ông kể lại: “Lúc đó, tiểu đoàn 59 đóng quân ở Cổ Loa, dải quạt hỏa lực được xác định là hướng chính Bắc của thủ đô Hà Nội. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thăng, Đại đội trưởng kiêm Sĩ quan điều khiển Dương Văn Thuận, chính trị viên Vũ Văn Đương, trắc thủ góc tà Lê Xuân Linh, trắc thủ phương vị Nguyễn Công Đoàn và tôi là trắc thủ cự ly là những người trực tiếp chiến đấu trong chiến công vẻ vang ấy.
Tên lửa ta sẵn sàng tiêu diệt B52.
Khoảng 18 giờ ngày 18 tháng 12 năm 1972, chúng tôi được lệnh vào cấp 1. Đó là lúc các máy bay chiến thuật của địch đã quần đảo rất dữ trên bầu trời Hà Nội. Tiếng bom của địch, tiếng pháo phòng không của ta nổ chát chúa, rền vang khiến những bóng đèn trên trần ca bin đong đưa, chao đảo. Ngồi trong ca bin vẫn nghe mùi khói bom khét lẹt... Rồi khi có tín hiệu máy bay B52 xuất hiện, chúng tôi được đại đội trưởng thông báo sẵn sàng “phun lửa”. Tiếng tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thăng rành rọt: “Tập trung tiêu diệt tốp 671”. Mọi con mắt dán chặt vào màn hình điều khiển. Màn hình bị nhiễu nặng, mọi người hình như đồng thanh: “không thấy mục tiêu”. Sau các động tác nhanh gọn, chính xác của các trắc thủ, những dải nhiễu đậm xuất hiện trên màn hình. Xác định đó là dải nhiễu của B52 đang hướng từ Thái Nguyên theo Quốc lộ 3 tiến xuống Hà Nội. Mắt chăm chú nhìn vào màn hình nhưng chúng tôi đều nghe rõ mệnh lệnh của tiểu đoàn trưởng: “Phóng theo góc tà 340”. Khi góc phương vị đúng góc 340, đại đội trưởng nhấn nút liên tiếp 3 quả. Cả 3 “rồng lửa” nối đuôi nhau vút đi vào đều nằm trong tầm điều khiển. Khi gặp dải nhiễu, tôi báo cáo cự li 13 km xong thì lập tức đạn nổ. Cùng lúc đó, trên nóc ca bin PA400, đồng chí Nguyễn Chí Quang hô lên: “ Cháy rồi. Cháy rất to...!”. Lúc đó chưa ai dám chắc là đã hạ gục được B52. Khoảng 1 giờ sau, cấp trên thông báo là kíp chiến đấu của chúng tôi đã bắn rơi tại chỗ một máy bay B52. Mọi người hân hoan ôm chặt nhau trong giây lát rồi trở lại vị trí chiến đấu, lòng đầy tự hào và tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng...
Trắc thủ cự li Ngô Đức Tứ thời trai trẻ và bây giờ.
Ngày 10- 6- 1973, trong một trận chiến đấu tại H. Yên Bình – Yên Bái, trận địa của tiểu đoàn 59 bị địch phóng tên lửa Sơrai trúng đài điều khiển. Ông bị hất văng từ ca bin điều khiển xuống đất bị thương phần mềm. 16 cán bộ chiến sĩ khác trong đội bị thương ngất tại chỗ nhưng nhờ sức khỏe tốt nên ông sớm tỉnh dậy, sau đó kéo từng người ra khỏi đống đất đá rồi kiên quyết ở lại trận địa để chiến đấu cho đơn vị.
Nhưng sau trận bị “oanh tạc” đó, ông ngậm ngùi giải ngũ vì vấn đề sức khỏe... Trở về với cuộc sống đời thường, vì nhiều lý do đến nay ông vẫn không được hưởng chế độ thương binh cũng như một khoản trợ cấp nào. Ngày ngày ông gắn bó với nghề mộc, bình dị như bao người dân quê hiền hòa chất phác khác. Song mỗi độ tháng 12 về, ông lại nao nao nhớ đồng đội, cồn cào những cảm xúc là người tham gia bắn rơi chiếc pháo đài bay B52 đầu tiên trên bầu trời Hà Nội.
V.Tuân – Quốc Hiệp