Báo Công An Đà Nẵng

Kỷ niệm 40 năm Hiệp định Paris được ký kết (27-1-1973 - 27-1-2013): Hiệp định Paris 1973, dấu ấn không phai mờ (2)

Thứ năm, 24/01/2013 00:00

* Bài 1: Cách mạng đi đâu, dân theo đó

(Cadn.com.vn) - Cách đây 40 năm, vào ngày 27-1-1973, Mỹ đã phải chấp nhận ký vào Hiệp định Paris, thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, tuy nhiên sau đó, Mỹ- ngụy vẫn âm mưu phá hoại hiệp định, tiến hành nhiều cuộc càn quét, đánh phá vùng giải phóng. Những mẩu chuyện của những nhân chứng một thời trong giai đoạn khó quên ấy, càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của Hiệp định, đồng thời phản ánh đôi nét về thắng lợi ngoại giao  toàn vẹn của Việt Nam đã tác động mạnh mẽ đến lòng dân, chiến trường và lan tỏa trên thế giới như thế nào.

Đại tá Lê Công Thạnh, nguyên Phó chính ủy Mặt trận 4  Quảng Đà vẫn còn nhớ như in những giai đoạn lịch sử của cuộc đấu tranh giải phóng trên vùng đất Quảng Nam- Đà Nẵng. Với ông, những cuộc đấu tranh với địch vào thời điểm trước và sau khi Hiệp định Paris được ký kết bao giờ cũng in hằn trong trí nhớ. Ông nói: “Thời điểm đó quyết liệt lắm. Nhiều khi chúng ta phải giành nhau với địch từng ngôi làng, từng ngọn đồi”.

Cảnh hỗn loạn tháo chạy khỏi Sài Gòn, tháng 4-1975. Ảnh: Tư liệu 

Hiệp định Paris là một thắng lợi ngoại giao quan trọng của Việt Nam, buộc Mỹ phải thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Trên bàn ngoại giao là vậy nhưng thực tế chiến trường thì Mỹ- ngụy lại hành động khác hẳn. Trong khi lực lượng cách mạng chấp hành nghiêm túc những điều khoản của Hiệp định thì ngụy quyền ngang nhiên chống phá. Ngay khi hiệp định có hiệu lực, chúng đã huy động toàn bộ lực lượng để thực hiện chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ” như lời hô hào của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Trên chiến trường Quảng Đà cũng vậy, địch ráo riết đẩy mạnh hoạt động “bình định lấn chiếm” vùng giải phóng. “Lúc đó nghe nói có hiệp định hòa bình người dân ai cũng hân hoan lắm. Lúc đó nếu so sánh lực lượng trên chiến trường thì ta mạnh hơn địch nhiều, tuy nhiên do ta tôn trọng Hiệp định Paris nên lợi dụng điều này địch cho lực lượng đánh chiếm các vùng giải phóng. Tôi nhớ vào ngày 26-1, tức là trước khi Hiệp định Paris có hiệu lực, Mỹ đã cho máy bay B52 rải bom xuống căn cứ Hòn Tàu, trận bom đó đã khiến anh Phạm Đình Kỉnh, Đặc khu ủy viên, hy sinh. Đó là lượt bom B52 cuối cùng mà Mỹ đánh ở chiến trường Quảng Đà”, ông Thạnh nhớ lại.

Ông Lê Công Thạnh kể lại những sự kiện trên chiến trường Quảng Đà khi Hiệp định Paris được ký kết. 

Với ý đồ phá hoại Hiệp định Paris, chính quyền ngụy đã ra sức đánh chiếm, mở rộng vùng kiểm soát và điều này đã gây cho ta nhiều khó khăn, mất mát. Trước tình hình trên, tháng 7- 1973, Hội nghị Trung ương 21 đã xác định: “Bất kể trong tình huống nào, con đường giành thắng lợi của cách mạng Việt Nam cũng là con đường bạo lực. Do đó, phải nắm vững chiến lược tiến công, kiên quyết đấu tranh trên ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao nhằm tiến lên phản công để giành toàn thắng”. Nhớ lại thời điểm đó, ông Phạm Chí Hòa, nguyên Ủy viên  Ban chấp hành Đặc khu đoàn Quảng Đà kể: “Sau khi ta ký kết Hiệp định Paris, tôi được cơ quan Đặc khu Đoàn phân công tham gia đoàn công tác do anh Năm Dừa (Ủy viên Ban Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà), làm nhiệm vụ vận động quần chúng ở các xã vùng B (giáp ranh núi Đại Lộc) về lại quê cũ làm ăn sinh sống. Nhưng người dân nói rằng, cách mạng đi đâu dân theo đó chứ nhất quyết không về lại quê cũ sống với địch.  Phải mất nhiều thời gian phân tích, giải thích về Hiệp định Paris thì bà con mới đồng ý về quê  trụ bám, làm ăn sinh sống, đấu tranh đòi địch phải nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định. Lúc đó, tại vùng B Đại Lộc, địch liên tục mở những trận càn vào vùng giải phóng vì vậy để chống lại địch chúng tôi đã đưa ra khẩu hiệu “quyết tử giữ gìn hòa bình” và tiến hành tuyên truyền về Hiệp định Paris cho người dân biết. Tôi nhớ vào ngày mồng 4 Tết, đồng bào ở các khu đồn, Đá Núc Thạnh Xuyên (Q. Đức Dục) tổ chức đua ghe vui Tết. Ta huy động bà con Lộc Sơn và Lộc Thành ra bờ sông Vu Gia ở vùng giải phóng, đón xem cổ vũ. Anh em trong đội công tác “Binh - địch vận” của ta cũng đem loa ra phát thanh cổ vũ, tuyên truyền Hiệp định Paris và chính sách hòa hợp dân tộc của cách mạng, kêu gọi thi hành Hiệp định, gìn giữ hòa bình. Bà con phía bên kia và anh em binh sĩ kéo ra bờ sông nghe rất đông”.

“Cách mạng đi đâu dân theo đến đó
chứ nhất quyết không về lại quê cũ sống với địch"
(ông Phạm Chí Hòa). 

Trong ký ức của ông Hòa, cũng như nhiều cựu chiến binh khác thì cuộc chiến chống lại hoạt động “bình định lấn chiếm” khi Hiệp định Paris được ký kết hết sức cam go. “Có khi chúng ta vừa cắm cờ Mặt trận giải phóng lên một ngôi làng thì địch đưa lực lượng đến đánh chiếm. Địch cố chiếm, ta hết sức giữ nên cuộc chiến sau Hiệp định Paris vì thế rất ác liệt. Trong một lần địch và ta tiến hành trao trả tù binh theo hiệp định, hôm trước đó chúng tôi đã phát dọn khu đất rộng để máy bay địch hạ cánh, tuy nhiên địch lại không thực hiện như đã nói, mà còn điều trực thăng đến bắn vào nơi tổ chức trao trả tù binh”, ông Hòa kể.

Với nhiều thủ đoạn và âm mưu nên trên chiến trường Quảng Đà, quân ngụy đã chiếm được vài địa bàn quan trọng, tuy nhiên việc đó chỉ diễn trong một thời gian ngắn. “Lúc đó chúng ta chủ trương giữ vững vùng giải phóng, mở rộng vùng tranh chấp, đưa cả lực lượng vũ trang và chính trị để chống kế hoạch bình định lấn chiếm của địch, nhanh chóng giành lại thế chủ động trên chiến trường. Tôi nhớ có lần, khi địch mở trận càn từ Đại Lộc qua Duy Xuyên để nhổ cờ Mặt trận giải phóng thì bị chị em phụ nữ chặn lại. Người dân mang các điều khoản của Hiệp định Paris ra đấu tranh, thế là đám lính ấy lùi lại, rồi lặng lẽ quay về. Lúc đó, Hiệp định Paris được ký kết như một làn gió mới, thôi thúc người dân đứng lên đấu tranh với địch và nhờ thế mà chúng ta mới nhanh chóng thống nhất đất nước”, ông Lê Công Thạnh  nói về tầm quan trọng của Hiệp định Paris.

L.H.A
(còn nữa)