Kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng 29-3 (1975-2023): Tấm hình vô giá
Ở thôn Tam Thạnh (Tư Phú cũ), xã Điện Quang (Điện Bàn, Quảng Nam) có một nhà truyền thống do tỉnh xây dựng tôn vinh gia đình ông Hà Kỉnh (cha Anh hùng LLVTND Hà Văn Trí). Gia đình ông có 7 người con thì có 3 người hy sinh, 2 người là cơ sở nuôi giấu Thành ủy Đà Nẵng trong chống Mỹ, cứu nước. Nếu tính cả người con dâu và hai cháu ngoại thì gia đình có đến 6 liệt sĩ. Cùng với mẹ ruột được tặng danh hiệu Mẹ VNAH thì người con gái (Hà Thị Đại, chị của Anh hùng LLVTND Hà Văn Trí) cũng được truy tặng Mẹ VNAH do bản thân và hai con gái là liệt sĩ.
Người con gái duy nhất của Tham mưu trưởng Hà Văn Trí là Hà Tô Lệ, nguyên cán bộ của Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi. Báu vật về cha là tấm ảnh chụp chung với gia đình năm 1962. Lúc đó cô bé mới 18 tháng tuổi. Đây là tấm ảnh hiếm hoi người cha muốn để lại cho vợ con trước khi vào nơi hòn tên mũi đạn. Cha chị ngay từ khi là xã đội trưởng xã Điện Quang đã thể hiện bản lĩnh người chỉ huy xuất sắc, từng được Bộ Tư lệnh Liên khu 5 tuyên dương công trạng. Cùng với anh trai và em gái, ông tập kết ra Bắc. Về lại miền Nam chiến đấu, ông giữ các cương vị chủ chốt, từng làm Tỉnh đội trưởng Quảng Ngãi. Trước đó khi làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1, Sư đoàn 2, ông đã chỉ huy đơn vị tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm đồi Quang Thạnh, Quảng Ngãi, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch thuộc 2 Lữ đoàn Rồng Xanh và Mãnh Hổ (Nam Triều Tiên), trả thù cho đồng bào Sơn Tịnh bị địch sát hại dã man. Tháng 8-1968, Đặc Khu ủy Quảng Đà phát động chiến dịch tiến công và nổi dậy toàn Đặc khu mang tên X2. Ông Hà Văn Trí – lúc bấy giờ là Đặc Khu ủy viên Quảng Đà, Tham mưu trưởng Mặt trận 4, kiêm Quận đội trưởng quận Nhất (Đà Nẵng) trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 89 Đặc công, Tiểu đoàn 2 và Tiểu đoàn 3 cùng các cánh quân đồng loạt nổ súng tấn công, giáng những đòn sấm sét vào các mục tiêu quan trọng của Mỹ - ngụy. Đây là trận tiến công quân sự lớn đầu tiên của quân ta vào quận lỵ Hòa Vang.
Ngày 25-8-1968, quân Mỹ, ngụy sử dụng lực lượng tương đương 1 trung đoàn, tấn công Giáng Đông. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt từ 6 giờ sáng đến 18 giờ cùng ngày. Quân ta đã tiêu diệt hàng trăm tên Mỹ ngay trên công sự. Chúng điên cuồng phản công, Tham mưu trưởng Hà Văn Trí hy sinh ở hầm bí mật, tay còn cầm đèn pin trong tư thế đi kiểm tra chiến trường.
Bảo vệ hài cốt Tham mưu trưởng Mặt trận 4 Hà Văn Trí suốt những năm chiến tranh là gia đình anh Nguyễn Văn Miễn ở thôn Giáng Đông, xã Hòa Châu, Hòa Vang. Anh Hai Miễn từng làm thầy giáo, ký ức về những ngày chiến tranh còn in sâu ở tuổi thơ cùng lời kể của mẹ là bà Trần Thị Hè và chú là Nguyễn Bột (Tường). Phía sau nhà anh bây giờ từng là căn hầm nơi đồng chí Hà Văn Trí chiến đấu. Chiều sẫm tối 25-8-1968, ông Nguyễn Bột thấy ngơi tiếng súng ở làng mình mới tìm về thì chứng kiến tổn thất lớn. Ông Bột cùng cơ sở đã rửa bằng dầu hỏa thi hài người cán bộ lớn tuổi nhất, cẩn trọng quấn vào vải dù, đặt vào hòm, đưa ra vườn Dung, khu vườn hoang chôn cất, làm dấu cho dễ nhớ.
Sau này ông bị bắt vào tù, người thường xuyên hương khói cho Tham mưu trưởng Hà Văn Trí cho đến ngày giải phóng là bà Trần Thị Hè. Mặc cho kẻ thù dòm ngó, ngôi mộ của đồng chí Hà Văn Trí vẫn được giữ cho đến ngày giải phóng. Bà trao lại chính quyền xã để đưa vào nghĩa trang. Hiện nay ở TP Đà Nẵng có một con đường mang tên người anh hùng. Sau nhiều năm kiên trì tìm kiếm, thông qua đồng đội của cha, năm 2000, chị Hà Tô Lệ, đã tìm được nhà anh Nguyễn Văn Miễn. Khi biết tình cảm của người dân Giáng Đông suốt bao nhiêu năm đã luôn hương khói cho người cha yêu quý của mình, chị đã ôm lấy bà con mà khóc. Sau khi tìm được hài cốt chồng, mẹ chị Lệ, một trung tá công an thanh thản sống cùng con gái cho đến khi từ trần do tuổi già sức yếu.
Cách đây không lâu, chị Hà Tô Lệ, cô bé trong vòng tay cha mẹ thuở xưa, đã qua đời sau thời gian chống chọi với bệnh thận. Bức ảnh xúc động về tổ ấm của người anh hùng hơn 60 năm trước mãi là nhân chứng về một thời chiến tranh khốc liệt.
Hồng Vân