Báo Công An Đà Nẵng

Kỷ niệm 50 năm thành lập Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh: 50 năm giữ tiếng trống chầu

Thứ sáu, 29/09/2017 09:00

Cách đây 50 năm, giữa lúc công cuộc kháng chiến chống Mỹ đang bước vào giai đoạn cam go, ác liệt, tại vùng căn cứ kháng chiến thôn 1 xã Phước Lãnh (nay là xã Tiên Lãnh, H.Tiên Phước, Quảng Nam), Đoàn tuồng Giải phóng Quảng Nam (ĐTGPQN)- tiền thân Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, được thành lập theo quyết định của Tỉnh ủy Quảng Nam. Trải qua nửa thế kỷ với nhiều thăng trầm, các thế hệ diễn viên, nghệ sĩ, công nhân viên Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (NHTNHD) bằng tình yêu nghệ thuật tuồng đã miệt mài kiếp tằm nhả tơ, gìn giữ để tiếng trống chầu luôn giục giã...

Các vở diễn của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh luôn được dàn dựng công phu. Ảnh: Hoàng Anh 

Những năm tháng không quên

Theo NSND Trần Đình Sanh-nguyên Giám đốc NHTNHD, một trong số nghệ sĩ diễn viên đầu tiên của ĐTGPQN, sự ra đời của ĐTGPQN là sự kế thừa của Đoàn Nghệ thuật Tuồng và Dân ca khu V. Bởi vào mùa hè 1966, Đoàn Nghệ thuật Tuồng và dân ca khu V trên đường đi biểu diễn phục vụ CBCS và đồng bào tại H.Hoài Ân (Bình Định) bị lính Mỹ tập kích bắt gần hết, chỉ có 6 người thoát được. Trước những tổn thất lớn này, đầu năm 1967, Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định thành lập ĐTGPQN với 30 thành viên, do NS Hoàng Minh Hiệp làm Trưởng đoàn. Trong 30 thành viên đầu tiên đó, có 3 NS vừa thoát chết gồm: NSUT Trần Ngọc Tư (Tư Bửu), Lê Quang Ngạch, Phạm Văn Điền, được Tỉnh ủy Quảng Nam mời về lo công tác tuyển sinh, giảng dạy, dàn dựng vở diễn phục vụ kháng chiến...

Khó kể hết những gian khổ, khó khăn mà ĐTGPQN đối mặt trong những ngày tháng đầu thành lập. Nhớ lại ngày đầu thành lập, NSND Trần Đình Sanh bồi hồi kể: "Từ tháng 7-1967 đến đầu năm 1968, bên cạnh nhiệm vụ tuyển sinh, đào tạo gấp rút để chuẩn bị biểu diễn phục vụ cho cuộc tổng tiến công nổi dậy xuân 68, anh em trong đoàn vừa lo xây dựng hậu cứ, dựng lán trại làm phòng tập, nhà ở, đào hầm chống phi pháo, vừa lo móc nối cơ sở ở thị xã Tam Kỳ, Đông Quế Sơn, Bắc Tam Kỳ để mua lương thực, thực phẩm, đạo cụ, trang phục, nhạc cụ... chuyển về hậu cứ. Tất cả đều làm trong gấp rút, nhưng tinh thần ai cũng hăng hái, say sưa. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt đó, nếu không có nhân dân Tiên Lãnh và các nơi chúng tôi đi phục vụ biểu diễn cưu mang, giúp đỡ, Đoàn khó hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Tôi còn nhớ như in, ngay trong những tháng đầu thành lập, lãnh đạo, Hội LHPN xã Tiên Lãnh huy động được 12 máy khâu và thợ may để may trang phục, phông màn cho đoàn. Bà con góp từ lon gạo, bó rau, củ khoai, củ sắn cho anh em...

Tình cảm chứa chan yêu thương, đùm bọc, không bút nào tả xiết!". Có thời điểm cả tháng trời anh em trong đoàn chỉ ăn toàn lá sắn luộc chấm với nước mắm, xì dầu cô đặc. Có lần cả tổ nữ ăn sắn, lá sắn sống bị say nằm bất động, được anh em trong đoàn phát hiện, huy động đường, đậu xanh nấu để ăn giải độc... Vượt qua bao gian khổ, thiếu thốn, vở diễn "Trần Bình Trọng" chính thức ra mắt vào đêm trước cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân cho lãnh đạo Khu ủy khu V, tỉnh ủy Quảng Nam và CBCS quân giải phóng, nhân dân các xã vùng giải phóng của H.Tiên Phước thành công không ngờ. Sau đêm ra mắt này, Đoàn đi biểu diễn phục vụ chiến dịch Xuân 68. Từ năm 1968 đến 1970, Đoàn dàn dựng thêm nhiều vở diễn khác để đi phục vụ CBCS và bà con vùng giải phóng, vùng giáp ranh. Có những thời điểm phải biểu diễn trong hầm bí mật; vừa đi biểu diễn phục vụ vừa thực hiện nhiệm vụ chống càn như du kích. Nhà thơ Thanh Quế đã có những vần thơ xúc động về các nghệ sĩ tuồng: "Trong chiến tranh tôi gặp một đội Tuồng/ Đi biểu diễn ở một vùng giáp ranh/ Đêm hôm trước họ là những diễn viên/ Sáng sau giặc càn, họ thành du kích".

NSND Trần Đình Sanh cho rằng, trong những năm tháng chiến tranh ác liệt đó, việc Tỉnh ủy Quảng Nam quyết định thành lập ĐTGPQN là một quyết định táo bạo, thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng; đồng thời cũng là sự quan tâm, sự trân trọng đối với nghệ thuật Tuồng... Chính những năm tháng biểu diễn phục vụ cho kháng chiến là nét đẹp không thể nào quên trong lịch sử phát triển của NHTNHD... Qua trao đổi với NSUT Trần Ngọc Tuấn- Giám đốc NHTNHD- được biết, lịch sử của NHTNHD được chia thành 4 giai đoạn với các tên gọi: ĐTGPQN, Đoàn Tuồng khu V B (trước giải phóng); Đoàn Nghệ thuật Tuồng QN-ĐN (sau giải phóng). Đến tháng 11-1992, UBND Tỉnh QN-ĐN quyết định thành lập NHTNHD trên cơ sở sáp nhập Ban nghiên cứu Tuồng và Đoàn Nghệ thuật Tuồng QN-ĐN. Sau khi chia tách và trở thành TP trực thuộc T.Ư, NHTNHD trở thành đơn vị nghệ thuật của TP Đà Nẵng...

Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tặng quà cho HS Tiên Lãnh trong đợt về nguồn trước thềm kỷ niệm 50 năm.

Để tiếng trống chầu mãi âm vang

Đất nước mở cửa, bước vào thời kỳ kinh tế thị trường, cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật, công nghệ, thị hiếu cùng nhu cầu thưởng thức các loại hình văn hóa nghệ thuật của người dân đã có nhiều thay đổi. Thời kỳ đời sống văn hóa tinh thần của người dân bện chặt với văn hóa dân gian, với các loại hình nghệ thuật truyền thống đã không còn được như xưa!... Cũng như các nhà hát tuồng trên cả nước, NHTNHD đứng trước những thách thức không nhỏ do tác động của đời sống kinh tế thị trường mang lại. Lớp khán giả yêu chuộng, mến mộ tuồng bị thu hẹp, sân khấu ngày càng thưa vắng khán giả...

Ngoài sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, để giữ cho tiếng trống chầu vẫn âm vang và đảm bảo đời sống anh em trong đoàn, lãnh đạo nhà hát đã linh động thay đổi tư duy, chạy vạy tìm kiếm các hợp đồng biểu diễn phục vụ lễ hội đình làng, các tour du lịch phục vụ khách nước ngoài, tổ chức đi lưu diễn các nơi; Công đoàn mở căng tin cho chị em trong đoàn thay phiên nhau kinh doanh để kiếm thêm thu nhập. Nhớ lại giai đoạn khó khăn này, nghệ sĩ Phạm Thị Thu Ba- thâm niên 20 năm trong nghề- không khỏi bùi ngùi: "Ngoài thời gian tập tuồng, đi lưu diễn, có thời điểm tôi cùng các chị em trong đoàn bán hàng ở căng tin, ở nhà nuôi thêm heo, còn chồng tôi- cũng diễn viên cùng khóa- phải làm thêm đủ nghề: chạy xe ôm, phụ hồ... để mưu sinh. Đôi lúc cũng cảm thấy nản, nhưng tình yêu với tuồng đã ngấm vào máu thịt mình nên lại động viên nhau cố gắng vượt qua, bám trụ với nghề. Lãnh đạo Nhà hát qua các thời kỳ luôn  nỗ lực tìm mọi cách để có hợp đồng cho anh em có đất diễn. Chỉ cần có khán giả thì dù diễn ở đâu chúng tôi cũng đi".

Từ chương trình "Sân khấu học đường" đến việc  "Đưa tuồng xuống phố", hợp đồng biểu diễn cho các tour du lịch phục vụ du khách..., là những cách mà tập thể NHTNHD cố gắng thực hiện trong thời gian qua nhằm bảo tồn, gìn giữ sân khấu tuồng trong guồng quay cơ chế thị trường. Giám đốc NHTNHD Trần Ngọc Tuấn cho biết, bình quân mỗi năm, nhà hát tổ chức được 200-250 buổi biểu diễn, trong đó, riêng nghệ thuật tuồng 60 buổi, còn lại là nghệ thuật tổng hợp trong đó có 50% kết hợp nghệ thuật tuồng, với khoảng từ 85.000 đến 175.000 lượt khách xem. Trong những năm gần đây, Nhà hát đã chủ động khai thác, phục dựng, chỉnh lý nâng cao nhiều vở tuồng mẫu mực, trích đoạn tuồng cổ nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Trong suốt chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển, NHTNHD đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Giải phóng hạng nhất, Huân chương Lao động hạng Hai, Ba và các bằng khen khác. 6 NS được phong tặng NSND, 24 NSUT, 10 NS xuất sắc. Nhiều vở diễn của Đoàn được nhận huy chương các loại tại các Hội thi chuyên nghiệp toàn  quốc...

Dẫu biết để sân khấu tuồng trở về thời kỳ hoàng kim trong bối cảnh hiện nay là điều không dễ và chẳng phải một sớm một chiều có thể làm được. Với tấm lòng "trót mang lấy nghiệp vào thân", các thế hệ nghệ sĩ NHTNHD vẫn đang miệt mài gìn giữ để sân khấu tuồng sống mãi với thời gian.

 P.THỦY

----------------------------------------------------------------------------------------------

Năm 2018, Quảng Nam tổ chức "đêm văn hóa dân tộc các huyện miền núi" tại Hội An

Ngày 28-9, Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam tổng kết "Đêm văn hóa Cơ Tu" năm 2017 tại TP Hội An. Sự kiện này nhằm quảng bá văn hóa của người Cơ Tu và giới thiệu tiềm năng du lịch của các huyện miền núi phía Tây tỉnh Quảng Nam đến với du khách trong và ngoài nước. Với ý nghĩa đó, sự kiện nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các tổ chức FIDR Nhật Bản, nhiếp ảnh gia Rehahn, khu nghỉ dưỡng Anantara Hội An, công ty Cổ phần tàu cao tốc An Di... Theo kế hoạch trong năm 2018, ngoài 3 huyện Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang, sẽ có thêm 3 huyện tham gia là Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn và được tổ chức 13 lần vào các đêm rằm hằng tháng để giới thiệu và quảng bá phong phú hơn các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc Cơ Tu, Co, Xơ Đăng, Ca Dong... và tiềm năng du lịch miền núi tỉnh Quảng Nam.

THẢO NGUYÊN

----------------------------------------------------------------------------------------------