Báo Công An Đà Nẵng

Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Học sinh – Sinh viên (9-1-1950 – 9-1-2010): Một bức ảnh quý về khí phách sinh viên Huế 1975

Thứ sáu, 08/01/2010 00:00

(Cadn.com.vn) - Nhắc đến sinh viên Huế không ai quên một thời “xuống đường” rực lửa đấu tranh đòi hòa bình, chống Mỹ, chống chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo, chống chính quyền Thiệu - Kỳ, chống văn hóa ngoại lai... với những tên tuổi lừng danh cho đến nay như Trần Quang Long, Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Vàng Sao, Nguyễn Đắc Xuân, Thái Ngọc San, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Trần Hữu Lục, Bửu Chỉ, Thái Ngọc San, Lê Văn Ngăn, Trần Duy Phiên, Võ Quê, Phan Hữu Lượng,  Trịnh Công Sơn, Ngụy Ngữ,  Đông Trình, Trần Hữu Lục, Bảo Cự, Trần Phá Nhạc...

Thế hệ sinh viên Huế ấy nhiều người bị tù đày, hy sinh oanh liệt trong chiến tranh, còn đa số họ hôm nay đã vào tuổi 65- 73, trở thành những trí thức văn nghệ sĩ tiếng tăm của đất nước. Phải nói rằng, đó là “thế hệ vàng” của Huế. Tôi rất cảm phục chí khí và tài năng của họ, đã đọc những tác phẩm của họ và viết chân dung văn học của rất nhiều người trong số họ. Nhưng mới đây, một bức ảnh đã làm tôi rất xúc động. Đó là bức ảnh chụp trực tiếp không khí hừng hực xuống đường đấu tranh ngày ấy...

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ trong một lần soạn lại sách vở tư liệu gia đình đã phát hiện ra trong thùng đựng ảnh cũ của gia đình bức ảnh thầy giáo siêu hình học Trường Quốc học Huế Hoàng Phủ Ngọc Tường đang diễn thuyết trong một cuộc đấu tranh với câu khẩu hiệu rất “ác chiến” sau lưng “CHÚNG TÔI THÁCH ĐỐ MỌI SỰ ĐÀN ÁP CỦA THIỆU-KỲ”. Thấy bức ảnh giá trị, Mỹ Dạ bèn ra phố scanner lại rồi phóng to treo đầu giường anh Tường nằm. Trong ảnh có rất nhiều  sinh viên và “cán bộ phong trào” đứng cạnh anh Tường. Trong ảnh có một người mặc xê-vin trắng, thắt cà-vạt đứng phía tay trái anh Tường, mắt nhìn xuống. Tôi hỏi anh Tường: "Người này là ai?” . Tường bảo: “Đó là một vị đại diện bên Ty Cảnh sát cử sang để “theo dõi” cuộc mít-tinh”. Mới hay, chính quyền TT-Huế những ngày đó cũng rất ngại lực lượng sinh viên xuống đường, nên họ đã không ra tay đàn  áp cuộc xuống đường, mà chỉ  “theo dõi”!

Theo nhà thơ Trần Hữu Lục thì thời kỳ đó có nhiều “tổ chức” sinh viên Huế độc lập với nhau xuống đường đấu tranh lắm. Ngô Kha cùng Trần Quang Long lập ra nhóm đấu tranh, gọi là “Nhóm thanh niên chống xa hoa, phóng đãng” và “Quán bạn”, tham gia xuất bản tờ tin “Lực lượng” kêu gọi tuổi trẻ đấu tranh, đòi hòa bình dân chủ. Họ luôn bám trụ ở Trụ sở Tổng hội Sinh viên (22-Trương Định, Huế) để phát động đấu tranh. Họ xuất bản tập san “Tự quyết”, thành lập Mặt trận Văn hóa dân tộc miền Trung do Ngô Kha làm Chủ tịch, tổ chức triển lãm về tội ác của Mỹ tại Huế.

Hoàng Phủ Ngọc Tường (người ở giữa) thời sinh viên Huế đang kêu gọi sinh viên xuống đường đấu tranh.  

Có một nhóm sinh viên yêu nước khác gọi là NHÓM VIỆT, hoạt động công khai. Những năm 1967, 1968, đang là sinh viên đại học, Trần Hữu Lục, Trần Duy Phiên, Lê Văn Ngăn, Trịnh Công Sơn... đã ra tờ báo Thân Hữu (ĐHSP Huế, 1967), Sinh viên Huế (1968) do Trần Hữu Lục làm chủ biên.  Nhóm Việt sau Mậu Thân 1968 vẫn hoạt động công khai bằng cách phối hợp làm trang văn nghệ cho tạp chí Đối Diện, luôn chủ trương tìm về nguồn cội dân tộc, chống lại khuynh hướng lai căng, vong bản.

Đến năm 1975, Nhóm Việt mới giải tán. Hoàng Phủ Ngọc Tường thì hăng hái làm chủ bút, phóng viên, biên tập viên của nhiều tờ báo như Dân (Tiếng nói đấu tranh của trí thức Huế), Tiếng nói sinh viên, Việt Nam, Việt Nam; Cứu lấy quê hương (liên minh Huế). Tất cả các nhóm sinh viên  xuống đường đều do cách mạng chỉ đạo. Họ đấu tranh bằng thơ và bằng cả những đêm không ngủ: Tôi muốn hát cho cây cỏ nghe/Lời giun dế khóc trong đêm lửa cháy ... (Thái Ngọc San). Bị bắt vô tù, họ vẫn sục sôi: Thừa Phủ ơi! Lòng ta hồng biển lửa (Võ Quê)... Bị địch đàn áp, bắt  bớ, bị lộ,  nhiều trí thức sinh viên Huế đã “lên xanh” (chiến khu) và trở thành những cây bút xuất sắc của cách mạng như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Trần Vàng Sao...

Nhìn tấm ảnh Hoàng Phủ Ngọc Tường đứng dõng dạc kêu gọi đấu tranh đòi hòa bình, chống Thiệu - Kỳ ngay giữa đường phố Huế ban ngày ta hình dung được  phần nào sự “quyết tử”, sự “dấn thân” của một thế hệ trí thức sinh viên Huế  xuống đường đấu tranh vì hòa bình và độc lập của dân tộc.

Nguyễn Minh Tâm