Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống QĐNDVN và 25 năm Ngày hội QPTD: Làm chủ bầu trời
(Cadn.com.vn) - Trong những năm qua, Sư đoàn 372,Quân chủng Phòng không - Không Quân (PK-KQ) luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Mới đây, khi được tiếp nhận loại máy bay Su-22, đơn vị đã “vượt lên chính mình” để luyện giỏi, rèn nghiêm, làm chủ trang bị, góp phần quan trọng vào việc tăng cường, nâng cao sức mạnh chiến đấu của không quân nhân dân Việt Nam anh hùng. Nơi ấy thực sự là bệ phóng nâng những cánh bay và khát vọng bảo vệ bầu trời...
Làm chủ trang thiết bị
Quan sát từng tốp máy bay Mic-21, Su-22 vút lên nền trời, tiếng động cơ phản lực gầm rú... Đại tá Nguyễn Xuân Vọng, Chính ủy Sư đoàn 372 tâm sự: “Máy bay cất cánh trong mùa mưa vô cùng phức tạp, đòi hỏi công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu phải đáp ứng yêu cầu cao. Lắm lúc bộ đội chuẩn bị kỹ lưỡng cả ngày, nhưng vẫn phải hoãn bay vì không đủ điều kiện. Vì thế chúng tôi phải tranh thủ thời gian luyện tập thêm nhiều phương án để chinh phục bầu trời. Hễ khi nào thời tiết thuận lợi là tổ chức bay huấn luyện ngay!”.
Đại tá Ngô Vĩnh Phúc, Phó sư đoàn trưởng về Huấn luyện cho biết: “Nhiệm vụ trọng tâm của chúng tôi hiện nay là cùng lúc huấn luyện máy bay Mic-21 và huấn luyện chuyển loại máy bay Su-22. Phấn đấu đến hết quý 1 năm 2015 là đưa Su-22 vào trực chiến thay Mic-21. Tuy nhiên, để hoàn thành được chỉ tiêu, đơn vị phải “vượt lên chính mình”, bởi đội ngũ phi công vốn quen sử dụng loại máy bay Mic-21, nay chuyển sang Su-22 là cả một vấn đề. Đối với Sư đoàn 372 thì Su-22 có thể coi là trang bị mới, song loại máy bay này đã qua sử dụng ở đơn vị bạn, nay có nhiều phát sinh hỏng hóc, cần phải có đội ngũ cán bộ, giáo viên huấn luyện và thợ sửa chữa tay nghề cao. Đội ngũ phi công phải được huấn luyện một cách bài bản, tỉ mỉ và chuẩn xác thì mới đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ”.
Kiểm tra lần cuối trước giờ xuất kích. |
Huấn luyện Su-22 có gì khác so với Mic-21? Đại tá Ngô Vĩnh Phúc trả lời: Su-22 có sự khác biệt với Mic-21 cả về phối chí khí động lực và tính năng. Thời gian làm việc mỗi phi công trên máy bay Mic-21 chỉ 60 phút, nhưng trên máy bay Su-22 có khi lên tới 90 phút. Do vậy, đòi hỏi người phi công phải rèn luyện, đáp ứng yêu cầu cao cả về trình độ chuyên môn, bản lĩnh và thể lực. Phải được huấn luyện kỹ và đầy đủ các khoa mục: động cơ, thiết bị hàng không, vô tuyến điện tử, nguyên lý máy bay, dẫn đường, khí tượng... Từ yêu cầu, nhiệm vụ, các cơ quan, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch huấn luyện sát thực tế chiến đấu.
Quán triệt và thực hiện đúng phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc, an toàn, tiết kiệm” và bám sát tư tưởng chỉ đạo của sư đoàn “Cơ bản, cụ thể, chặt chẽ, hiệu quả, sát thực tế chiến đấu và được đâu chắc đấy”. Cũng như vận dụng sáng tạo cách đánh và nghệ thuật quân sự độc đáo của không quân nhân dân Việt Nam, những kinh nghiệm thực tiễn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trước đây vào điều kiện tác chiến hiện nay, đồng thời nghiên cứu kỹ các cuộc chiến tranh gần đây do chủ nghĩa đế quốc tiến hành ở một số nước để bổ sung phương án tác chiến, tìm ra cách đánh thích hợp. Hiện nay lãnh đạo, chỉ huy Sư đoàn đặc biệt quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất cho đội ngũ cán bộ, sĩ quan, QNCN tự giác nghiên cứu, học tập, phát huy tính chủ động trong khai thác, sử dụng loại máy bay này.
Tìm hiểu thực tế chúng tôi thấy bài học kinh nghiệm góp phần vào sự thành công của Sư đoàn 372 trong những năm qua là chấp hành nghiêm các quy định của điều lệ bay, giáo trình huấn luyện chiến đấu, quy trình tổ chức 3 giai đoạn bay và các chỉ thị hướng dẫn của trên. Trong quá trình huấn luyện, cán bộ giáo viên vận dụng nêu các câu hỏi, vấn đề sát thực tế cho đội ngũ phi công trao đổi, thảo luận phát huy tính dân chủ, tư duy sáng tạo để từ đó nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp... Năm 2014, Sư đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện, đảm bảo an toàn bay, tham gia diễn tập với Vùng 3 Hải quân (Quân chủng Hải quân), Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) và Sư đoàn 315 (Quân khu 5) được cấp trên đánh giá cao. Tổng kết cuối năm, sư đoàn được Quân chủng đề nghị Bộ Quốc phòng tặng cờ “Đơn vị huấn luyện giỏi”.
Phi công Sư đoàn 372 trao đổi kinh nghiệm. |
Mừng ngày truyền thống
Từ đường băng về sở chỉ huy Sư đoàn, chúng tôi thấy các cơ quan, đơn vị như vừa khoác thêm “áo mới”. Bên những vườn hoa, cây cảnh khoe sắc, tỏa hương, là hệ thống pa nô, áp phích, băng cờ, khẩu hiệu còn tươi rói màu sơn. Niềm vui của người lính “canh trời” hiện rõ qua từng ánh mắt, nụ cười.
Thượng tá Ngô Quốc Chung, Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 372 cho biết, thiết thực lập thành tích chào mừng ngày truyền thống của quân đội, các cơ quan, đơn vị trong toàn sư đoàn đồng loạt phát động đợt thi đua cao điểm “Sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ” từ ngày 13-10 đến 22-12. Bên cạnh việc đầu tư xây dựng, củng cố hệ thống khuôn viên, cảnh quan môi trường, sư đoàn còn tổ chức các hoạt động: thi đấu thể thao, giao lưu văn hóa, văn nghệ, diễn đàn thanh niên, kể chuyện truyền thống; tổ chức cho sĩ quan trẻ, chiến sĩ mới tham quan Nhà truyền thống, di tích lịch sử, dâng hương nhà bia tưởng niệm; thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách. Hội Phụ nữ cơ sở thi cắm hoa, thuyết trình... Những việc làm thiết thực ấy đã góp phần xây dựng niềm tin, lòng tự hào về truyền thống Quân đội, Quân chủng PK-KQ anh hùng của mỗi CBCS.
Niềm vui càng được nhân lên khi tổng kết phong trào thi đua quyết thắng năm 2014, Sư đoàn 372 được Quân chủng PK-KQ đề nghị Bộ Quốc phòng tặng Cờ thi đua; Trung đoàn 925 và Trung đoàn 930 được Tư lệnh Quân chủng tặng cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua quyết thắng”; 12 tập thể được công nhận danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”... Với họ, đây chính là những thành quả, là đợt hoạt động chính trị sâu sắc, có ý nghĩa thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 25 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân.
Tiến Dũng - Nguyễn Tuấn