Kỷ niệm 76 năm Cách mạng tháng Tám: Vọng mãi những khúc tráng ca Bình Trị Thiên khói lửa
Chiến trường Bình Trị Thiên là nguồn cảm hứng sáng tác cho biết bao nhạc sỹ. |
Trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Bình Trị Thiên- mảnh đất khói lửa anh hùng đã làm rung động bao trái tim, trào dâng niềm cảm xúc vô tận… chắp cánh nguồn cảm hứng sáng tác cho biết bao nhạc sỹ. Từ hiện thực đau thương nhưng anh dũng, là người trong cuộc, nhiều nhạc sỹ đã xúc động dâng trào viết nên những khúc ca mang âm hưởng thời đại…
Năm 1948 cuộc kháng chiến chống Pháp diễn ra ác liệt trên mảnh đất Bình Trị Thiên. Phụ nữ, trẻ em chịu nhiều thảm cảnh đau thương, mất mát . Từ trong đau thương, nhân dân Bình Trị Thiên quyết tâm đứng lên đánh Pháp. Ca khúc Bình Trị Thiên khói lửa ra đời trong những năm tháng ấy. Nói về bài hát này, nhạc sỹ Nguyễn Văn Thương tâm sự : "Xúc động trước thực cảnh nhiều phụ nữ, trẻ em bị xô xuống sông, rồi biết bao tấm gương anh dũng của nhân dân Bình Trị Thiên xông pha đánh giặc, trong đó có bố mẹ, vợ con của tôi, tôi đã viết ca khúc này trong hai đêm vào tháng 8-1948…". Với âm điệu miền Trung, điệu hò mái nhì mái đẩy có cải biên, Bình Trị Thiên khói lửa thật sự làm xao động lòng người. Khi nói đến những mất mát đau thương, giọng điệu trầm buồn, sâu lắng, nhớ nhung: "Xót thương đàn em/Xác chìm dòng sông". Nửa phần sau ngợi ca khí thế hào hùng đứng lên quật khởi, ca khúc trở nên rạo rực, sôi nổi với niềm say mê, sảng khoái: "Cho đàn em cất tiếng hát/ Cho cánh đồng bát ngát…". NSND Quốc Hưng là người đầu tiên hát ca khúc này (tháng 1-1949).
Hơn 7 thập kỷ đi qua, với nhiều giọng ca thể hiện khác nhau, Bình Trị Thiên khói lửa có nhiều địa danh ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế… được Nguyễn Văn Thương gọi tên, nhắc đến đã trở nên quen thuộc, ăn sâu vào máu thịt của người dân miền đất Bình Trị Thiên anh hùng.
Năm 1967, đứng trước dòng sông Bến Hải bị chia cắt đôi bờ Nam - Bắc, từ trong nỗi đau của mình, nhạc sỹ Trọng Loan sáng tác ca khúc "Quân reo quê mẹ Quảng Trị anh hùng". Bài hát diễn tả cuộc sống gian khổ, đau thương nhưng lạc quan, kiên cường của nhân dân Quảng Trị. Trong hồi ký của mình, Trọng Loan viết: "Thuở ấy, ai đã từng đến Vĩnh Linh, đứng trước Hiền Lương mà không khỏi xót thương… Chất người lính Cụ Hồ trong tôi và trước tình cảm của những bà mẹ anh hùng đã giúp tôi viết ca khúc này". Giọng điệu tha thiết với lời ca về hình ảnh Mẹ đón quân ta về nhà ở lại, nắm tay mẹ nói… được thể hiện qua tiếng hát của tốp ca nữ Quân khu 3 trên làn sóng phát thanh tạo nên âm vang trong trái tim của biết bao thế hệ. Và không phải ngẫu nhiên mà "Quân reo quê mẹ Quảng Trị anh hùng" trở thành nhạc hiệu của Đài Phát thanh- Truyền hình Quảng Trị.
Nhắc đến những ca khúc về mảnh đất Bình Tri Thiên khói lửa năm xưa, không thể không nhắc đến "Tiếng hát trên đường quê hương" (1967) của Huy Thục. Nói đến cảm xúc và kỷ niệm đối với ca khúc này, nhạc sỹ Huy Thục tâm sự: "Đối với nhạc sỹ, chúng tôi luôn bám sát bước chân và các chặng đường chiến thắng của người lính, mà bản thân tôi cũng là người lính. Sau đó tôi vào mặt trận. Bài hát này rất phổ biến ở mặt trận lúc bấy giờ". Nhẹ nhàng, sâu lắng, hai câu mở đầu bắt nhịp cho một khúc ca thấm đượm chất trữ tình: "Ai đã tới, miền quê em Quảng Trị - Thừa Thiên/ Qua đường 9 tình Gio Linh lắng trong giọng hò"… Đó chính là lời tâm tình nhắn nhủ người ra đi và cả người ở lại hậu phương nơi quê nhà. Với âm hưởng vừa tươi vui, rộn ràng, phơi phới, vừa ngọt ngào, thiết tha, đằm thắm, trữ tình… "Tiếng hát trên đường quê hương" được NSND Lê Dung thể hiện rất thành công. Tiếng hát của chị đã thắp lên trong lòng ta một tình yêu quê hương, thắp sáng niềm vui chiến thắng… "Vượt qua bao gian khổ/ Máu đã đổ trên đường quê hương để Anh giải phóng miền Nam quê hương ta ơi/ Nước non reo vui tưng bừng…".
Có thể nói, những sáng tác viết về Bình Trị Thiên khói lửa là những khúc tráng ca sống mãi với thời gian, khắc sâu, vang vọng vào tâm khảm người nghe. Những lời ca ấy, những giai điệu ấy có sức mạnh thôi thúc, làm ngân rung cảm xúc, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi người dân đất Việt qua nhiều thế hệ. Tôi gọi đó là những bài ca đi cùng năm tháng, những tác phẩm âm nhạc có giá trị nhân văn sâu sắc.
TRẦN VĂN TOẢN