Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2: "Tròn hai vai"-thầy thuốc-chiến sĩ
Vinh dự khoác trên mình 2 màu áo, màu áo xanh của lực lượng công an và áo blouse trắng, những người thầy thuốc trong Trại Tạm giam CATP Đà Nẵng đã và đang làm tốt trọng trách chữa bệnh cứu những người lầm lỗi, những người đang bị tạm giữ, tạm giam…
Đội ngũ y bác sĩ tận tụy chăm sóc, khám chữa bệnh tại trại tạm giam CATP Đà Nẵng. |
Bệnh xá Trại Tạm giam CATP Đà Nẵng được thành lập từ đầu những năm 1980 cùng với thời điểm xây dựng Trại. Đến nay Bệnh xá có 05 bác sĩ, 02 y sĩ, trong đó có nhiều bác sĩ được đào tạo bài bản tại Học viện Quân y.
Xác định công tác khám, chữa bệnh cho can phạm nhân là nhiệm vụ quan trọng, trong những năm qua, đội ngũ cán bộ y tế của Trại đã không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả chẩn đoán và điều trị bệnh cho can phạm nhân. Với những thiết bị y tế như máy siêu âm, điện tim, hút đờm dãi, bộ khám ngũ quan..., cùng đội ngũ cán bộ y, bác sĩ tận tâm, trách nhiệm với người bệnh, công tác khám chữa bệnh, phòng, chống dịch cho CBCS và can phạm nhân ngày càng nâng cao rõ rệt. Bệnh xá Trại tiếp nhận và điều trị cho hàng trăm lượt can phạm nhân đau ốm, trong đó có nhiều người bị nhiễm HIV chuyển giai đoạn AIDS, các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm dạ dày, lao, bệnh ngoài da...
Trung tá, BS Bùi Thị Thanh - Phó đội trưởng đội Tham mưu-Hậu cần, được điều động về phụ trách Bệnh xá Trại gần một năm rưỡi cho biết: Khi đảm nhận công việc mới, BS Thanh không tránh khỏi những lo lắng, áp lực. Không áp lực sao được bởi bệnh nhân điều trị ở đây là những can phạm nhân, cả những phạm nhân mang án tử. Hằng ngày, BS Thanh tiếp xúc nhiều phạm nhân với đủ loại bệnh tật, trong đó có nhiều đối tượng nghiện ma túy, mắc các tệ nạn xã hội, các bệnh mãn tính, bệnh truyền nhiễm, nhiễm HIV giai đoạn AIDS. Công việc hằng ngày của BS Thanh và các đồng nghiệp bắt đầu bằng việc thăm khám cho các phạm nhân tại các buồng giam, điều trị đối với những bệnh nhân nặng tại Bệnh xá. Trong quá trình này, việc phạm nhân không hợp tác với bác sĩ, thậm chí chống đối là chuyện thường ngày.
Nói về những vất vả với nghề, BS Bùi Thị Thanh chia sẻ: Công việc của cán bộ y tế đã rất áp lực, với y tế trong ngành Công an còn áp lực hơn, nhất là y tế ở các Trại Tạm giam. Chúng tôi ngoài áp dụng trình độ chuyên môn để khám, điều trị bệnh cho can phạm nhân, còn phải nắm vững tâm lý tội phạm. Bởi trên thực tế nhiều can phạm nhân còn "giả bệnh" để tìm cách chạy tội, do đó, cán bộ y tế ở Trại phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, nhạy cảm trong phán đoán, xử lý công việc. Chưa kể việc can phạm nhân ốm đau nặng phải chuyển viện thì cán bộ y tế nói riêng, cán bộ Trại Tạm giam nói chung còn vất vả bội phần, nhất là trong đợt dịch Covid-19 xảy ra trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Trung úy, BS Phú Anh Thắng, 26 tuổi, quê quán Nghệ An, tốt nghiệp Học viện quân y vào nhận công tác tại Trại Tạm giam được hơn 1 năm. BS Thắng tâm sự "Mặc dù công việc rất vất vả nhưng được sự quan tâm của lãnh đạo, sự hiệp đồng công tác của đồng nghiệp, nên rất yên tâm công tác. Tuy nhiên, trong công việc còn gặp nhiều khó khăn, đó là cơ sở vật chất Bệnh xá thiếu thốn, không có cận lâm sàng phục vụ chẩn đoán, có nhiều bệnh phải chuyển tuyến vì cơ sở vật chất của Bệnh xá không đảm bảo yêu cầu chữa bệnh. Bên cạnh đó Trại thiếu biên chế nên một số cán bộ y tế phải kiêm thêm các việc ngoài chuyên môn, phần can phạm nhân thiếu hợp tác, khai báo gian dối tình trạng bệnh sử nên cán bộ y tế gặp rất nhiều khó khăn".
Không chỉ đảm bảo tốt công tác khám, điều trị bệnh cho can phạm nhân, cán bộ y tế Trại còn làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, công tác y tế cộng đồng, xã hội từ thiện, nhân đạo, tổ chức khám bệnh và cấp thuốc cho người già neo đơn trên địa bàn đơn vị đóng quân; quyên góp quà, bánh, sữa cho can phạm nhân ốm đau, sinh con trong thời gian giam giữ tại Trại.
Can phạm Trần Minh T, phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, đang bị nhiễm HIV chuyển giai đoạn AIDS, điều trị tại Bệnh xá Trại trong một thời gian dài chia sẻ: "Tôi rất hoang mang về tình trạng bệnh tật của mình, nhiều lúc có ý định tự tử; nhưng được các y BS thường xuyên thăm khám, ân cần hỏi thăm như người thân nên tôi cũng vơi bớt buồn chán. Hiện tại sức khỏe tôi cũng ổn, ăn uống ngon miệng và ngủ được. Nên tôi cũng đã có suy nghĩ tích cực hơn, chờ ngày ra tòa để yên tâm thi hành án".
Khó khăn, áp lực, thậm chí là nguy hiểm nhưng không vì thế mà các y BS ở đây chùn bước, thậm chí họ phải cố gắng, nỗ lực gấp đôi để làm tròn chức trách, nhiệm vụ của mình. Đó là vừa chăm sóc sức khỏe vừa cảm hóa, giáo dục, hướng thiện giúp các phạm nhân vươn lên làm lại cuộc đời.
THU HUYỀN