Báo Công An Đà Nẵng

Kỷ niệm về Bác Hồ của một cựu chiến binh

Thứ năm, 31/12/2015 10:19

(Cadn.com.vn) - Ông Nguyễn Bình, trú tổ 31, P.Hòa Khánh Bắc (Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) là 1 trong 2 cựu chiến binh  tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ còn sống trên địa bàn quận. Đặc biệt ông có vinh dự hai lần bảo vệ Bác Hồ cùng đoàn khách quốc tế đi thăm Vịnh Hạ Long. Đến giờ, những kỷ niệm về Bác vẫn được ông kể như in từng chi tiết.

Ông sinh năm 1928, tại Yên Lạc, Vĩnh Phúc. Chứng kiến cảnh quê hương bị giặc Pháp xâm lược, 19 tuổi chàng trai Nguyễn Bình hăng hái lên đường tham gia cách mạng. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là chính trị viên đại đội cao xạ pháo Đại đoàn 312. Nhiệm vụ đầu tiên của đại đội ông là án ngữ ở bến Âu Lâu-Yên Bái để bảo vệ các sư đoàn qua sông. Đại đoàn 312 của ông cũng là đại đoàn đầu tiên tiêu diệt cứ điểm Him Lam bắt sống và tiêu diệt 500 tên địch.

Ông Nguyễn Bình cùng những bức ảnh quý chụp chung với Bác Hồ.

Đầu năm 1959, sau khi được cấp trên cho đi học và tốt nghiệp lớp bảo vệ lãnh tụ tại Trường C500 Bộ Công an, Đại úy Nguyễn Bình được phân công về Cục Hải quân công tác và nhận nhiệm vụ phụ trách tàu Hải Lâm. Theo quy định, mỗi khi tàu xuất bến, thành phần đi trên tàu do Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) phê duyệt. Do đó, mỗi lần có thông báo Bác chuẩn bị đi thăm Vịnh Hạ Long, Nguyễn Bình lại phải lựa chọn kỹ lưỡng danh sách các sỹ quan tham gia bảo vệ Bác và báo cáo cụ thể với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Quốc Hoàn. Và đã  hai lần ông Nguyễn Bình được gặp Bác.

Lần thứ nhất, vào năm 1960, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 3 của Đảng, có Đoàn Đại biểu cấp cao của Đảng cộng sản Trung Quốc do bà Đặng Dĩnh Siêu, phu nhân của Thủ tướng Trung Quốc-Chu Ân Lai dẫn đầu tham dự. Sau khi Đại hội Đảng kết thúc, Bác Hồ đã mời bà Đặng Dĩnh Siêu đi tham quan Vịnh Hạ Long trên con tàu du lịch Hải Lâm. Ông Bình là người trực tiếp được giao nhiệm vụ bảo vệ tàu của Bác cùng với hai tàu hộ tống đi cùng. Khi tàu đến bến Bạch Đằng, giới thiệu với đoàn khách tham quan rằng, tại nơi đây, cha ông ta cắm cọc để đánh quân Nguyên Mông. Bà Đặng Dĩnh Siêu nghe rất chăm chú. Khi tàu ra đến Vịnh Hạ Long, gió lồng lộng thổi, trời se lạnh. Đến hang Đầu Gỗ, Bác lại giới thiệu với mọi người nơi đây là nơi ngày xưa cha ông đã đẽo cọc gỗ để cắm trên sông Bạch Đằng... Khi khách nghỉ trưa, Bác tranh thủ xuống tàu thăm nơi ăn ở, trò chuyện cùng anh em thủy thủ. Người đã hỏi ông Nguyễn Bình về quê quán, hoàn cảnh gia đình và động viên anh em thủy thủ trên tàu. Những việc làm của Bác trong suốt chặng hải trình khiến ai nấy đều xúc động. Sáng hôm sau, khoảng 8 giờ, Bác cùng đoàn xuống tàu đi thẳng về Hải Phòng. Đầu giờ chiều, tàu về đến nơi, Bác liền cho triệu tập tất cả thủy thủ của tàu Hải Lâm và hai tàu hộ tống, bố trí đứng tập trung lại để chụp ảnh kỷ niệm. Sau đó Người lên máy bay về Hà Nội và bức ảnh này được ông Bình phóng to treo ở nơi trang trọng nhất trong nhà.

Ông Nguyễn Bình (đội mũ sau lưng Bác) và Giéc-man Ti-tốp (thứ 3 từ phải qua)
chụp hình với Bác Hồ trong chuyến đi thăm vịnh Hạ Long

Lần thứ hai, vào mùa hè năm 1961, Bác đi tàu Hải Lâm cùng với Giéc-man Ti-tốp-Anh hùng Không quân,  nhà du hành vũ trụ Liên Xô sang thăm Việt Nam và ghé thăm vịnh Hạ Long.

Chuyến đi lần này có rất nhiều điều thú vị. Khi tàu ra đến vịnh Hạ Long, Bác mượn mũ chiến sĩ hải quân đội lên đầu và trực tiếp lái tàu. Một lúc sau, Thiếu tá Giéc-man Ti-tốp cũng lên vị trí của Bác để lái tàu. Đi được khoảng 2km Bác nhường tay lái cho Ti-tốp. Khi đến hang Đầu Gỗ tàu dừng lại cho mọi người tham quan rồi tiếp tục đi. Khi đến gần bãi cát nổi lên giữa biển, Giéc-man Ti-tốp đề nghị Bác cho ông và những người Liên Xô trên tàu được xuống đây tắm. Bác đồng ý và cho phép Nguyễn Bình theo bảo vệ và yêu cầu anh em hạ xuồng cho mọi người đến khu vực cồn cát để tắm. Sau chuyến đi ấy, để ghi nhớ kỷ niệm này, Bác Hồ đã đặt tên cho hòn đảo nhỏ tại vịnh Hạ Long là đảo Ti-tốp và sau này vợ của Giéc-man Ti-tốp cũng đã trở lại thăm nơi hòn đảo mang tên chồng bà.

Sau khi tham quan Hạ Long, Bác Hồ cùng đoàn trở lại Hà Nội. Tỉnh ủy Quảng Ninh, cùng hàng trăm sỹ quan hải quân và nhiều người dân đã ra đón Bác tại bến phà Bãi Cháy. Tỉnh ủy chuẩn bị hai bó hoa: một bó hoa tặng Bác Hồ, một bó hoa tặng ông Ti-tốp. Thật bất ngờ, sau khi nhận xong bó hoa từ Tỉnh ủy, Bác đưa mắt nhìn quanh, giữa hàng trăm sĩ quan, Bác nhận ra và đi lại chỗ ông Nguyễn Bình tặng lại cho ông bó hoa ấy. Lúc này, ông Ti-tốp mang bó hoa được nhận đến cũng tặng lại luôn cho ông. Tự dưng được tặng cùng lúc hai bó hoa, ông Bình xúc động nghẹn ngào... Chuyến đi của Bác với Anh hùng Không quân Liên Xô Giéc-man Ti-tốp cũng là chuyến đi cuối cùng của Người trên con tàu Hải Lâm...

Sau khi Bác Hồ mất, ông Nguyễn Bình nhận lệnh vào miền Nam đánh Mỹ, tham gia chiến dịch giải phóng Đà Nẵng ngày 29-3-1975. Sau này ông được điều về Quân khu 5 giữ chức vụ Phó Trưởng phòng Quân pháp Quân Khu V (nay là Phòng Điều tra Hình sự), năm 1994 về hưu. Về nghỉ hưu, dù tuổi đã cao nhưng ông Bình vẫn tích cực tham gia công tác địa phương. Dù trải qua bao buồn, vui của cuộc sống, song kỷ niệm về hai lần bảo vệ Bác Hồ là những kỷ niệm đẹp và vinh quang nhất không thể phai nhòa trong cuộc đời binh nghiệp của cựu chiến binh Nguyễn Bình!

Hồng Nghĩa