Ký sự Đà thành (Kỳ 1: Paul Doumer đến Tourane)
Đà Nẵng trước khi Paul Doumer được bổ nhiệm làm Toàn quyền Đông Dương đến khi trở thành điểm đầu của Hành lang Kinh tế Đông Tây, đã trải qua lịch sử 130 năm. Ở Đông Dương suốt 5 năm, từ 1897 đến 1902, trong hồi ký của mình về xứ Đông Dương, Paul Doumer nhiều lần viết về Đà Nẵng. Có lẽ ông đặc biệt lưu ý về vai trò của thành phố- cảng này, một phần nhờ vào vị trí địa lý của nó, phần khác là trong thời kỳ đó, chính Paul Doumer là người khởi xướng việc mở đường nối liền Đà Nẵng- Huế, cử người tìm ra Bà Nà và bắt đầu xây dựng cảng biển ở đây... từ một nhượng địa hoang vắng... Những cơ sở hạ tầng đầu tiên từ cuối thế kỷ XIX chắc chắn là những bàn đạp đầu tiên cho Đà Nẵng phát triển như ngày nay!
Paul Doumer và vua Thành Thái năm 1899. |
Khi đến nhậm chức toàn quyền Đông Dương, Paul Doumer đã có chuyến đi từ Kinh thành Huế đến hải cảng Tourane mà ông cho là cửa ngõ về sau của cả khu vực... Trước khi Paul Doumer theo đường bộ từ Huế vào Đà Nẵng, đã có nhiều người nước ngoài thực hiện hành trình này. Có thể kể đến thương nhân người Anh Thomas Bowyear vào năm 1695, khởi hành từ Hội An, chuyến đi 5 ngày của thương gia Piere Poivre cuối năm 1749 từ Hội An ra Huế.
Đến năm 1819, thuyền trưởng Rey đã đưa Chaigneau và hai sĩ quan Pháp từng giúp vua Gia Long từ Huế vào Đà Nẵng để về lại Pháp. Năm 1822, nhà du hành người Anh John Crawfurt và 50 năm sau, qua miêu tả của đại úy viễn chinh Dutreuil de Rhins, ta thấy đoạn đường rừng vượt đèo Hải Vân vào thời đó rất gian nan vì đường mòn dốc đứng, những nổng cát ven biển, kể cả thú rừng... Những chuyến đi đó đã được mô tả vừa bằng đường bộ, vừa bằng ghe thuyền qua các đoạn đầm phá Cầu Hai, Lăng Cô tốn khá nhiều thời gian và phải ngủ đêm ở các trạm đọc đường...
Mấy tháng trước khi toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đi từ Huế vào Đà Nẵng (3-1897), đoạn đường này đã được khẩn trương cải tạo giảm độ dốc chỉ còn tối đa 12%, làm nhiều cầu bằng tre và gỗ qua suối hay hố sâu. Nhờ thế, Paul Doumer và các sĩ quan tùy tùng người Pháp đã có thể cưỡi ngựa qua đèo trong khi phụ chính đại thần Nguyễn Thân và các vị thượng thư triều đình Huế thì vẫn đi võng lọng. Ngoài võng, các quan An Nam được mô tả còn có thêm một xe kéo dự phòng. "Một dòng người dài như thân rắn đi trên một tuyến đường ưu tiên tạm gọi là Quan lộ...".
Paul Doumer viết trong hồi ký: "Quan Phụ chính đại thần Nguyễn Thân cùng với hai vị Thượng thư và quan lại đưa tôi đến tận Đà Nẵng. Theo sau là cả một đội lễ nhạc với tiếng cồng và chiêng...". Một thứ nghi thức vừa tốn kém vừa ồn ào khiến Paul Doumer phải chịu đựng và sau đó đã từng than phiền với vua Đồng Khánh. Nhưng cuối hành trình ở đoạn qua đèo Hải Vân, Paul Doumer đã thoát được đoàn tùy tùng và cùng một đại úy cận vệ phóng ngựa phi lên trước... Tuy vậy, "trên đường đi, các vị chức sắc trong làng đã đặt bàn thờ và lễ cúng... Về phần mình, chúng tôi không cảm thấy thoải mái chút nào!", vị Toàn quyền viết... Đèo Hải Vân đã bắt đầu có những thay đổi vào năm 1897, như lời Paul Doumer: "Các sĩ quan người Pháp đã bắt đầu thi công một số hạng mục đã được nghiên cứu từ 10 năm trước và từ vài tháng nay họ đã tiếp tục công việc dưới nhiều mệnh lệnh và sức ép. Hiện tại người ta có thể đi bằng ngựa qua con đường mòn mới mở rộng. Những cây cầu tạm bằng tre và những cây cầu tạm bằng sắt được xây nề...".
Trong nhiệm kỳ của mình ở Đông Dương, Paul Doumer đã qua lại đèo Hải Vân rất nhiều lần: "Tôi đã nhìn từ rất xa thành phố, vịnh Đà Nẵng...". Sự hưng phấn của ông trong những dòng sau đây về Đà Nẵng thật đắt giá: "Dưới kia, vịnh Đà Nẵng hiện ra. Không một cảnh quan thần tiên nào của Địa Trung Hải vừa có được cái đẹp và cái to tát này. Cứ thử lấy một nơi xinh nhất của Bờ Biển Xanh (Côte d'Azur) như vịnh Villefranche rồi nhân lên mười lần hay hai mươi lần các vị sẽ hình dung được Đà Nẵng. Thực vậy, chỉ duy cảnh này thôi cũng đáng cho những người nhàn rỗi đi du lịch từ Pháp sang Viễn Đông, nơi còn có nhiều cái khác đáng quan tâm và thưởng lãm", "và hiếm thấy ở đâu một không gian trắng mờ như thế...".
Người Pháp làm đoạn đường sắt phía nam Hải Vân. Ảnh tư liệu |
Một trong các mục đích chính của Paul Doumer khi khảo sát rất kỹ con đường từ Huế vào Đà Nẵng là dự án vay 200 triệu quan Pháp để làm đường xe lửa ở Đông Dương qua đây. Được nghiên cứu năm 1899 và khởi công năm 1902, đoạn đường xe lửa nối Đà Nẵng với Huế khai trương 4 năm sau khi Paul Doumer đã hết nhiệm kỳ và về nước. 9 đường hầm dài cả thảy 3.275m và đi mất 4 giờ, nghĩa là nhanh gấp gần 4 lần phương tiện vận tải khác, nhanh nhất trên đoạn đường bộ này vào thời đó là kiệu có lắp hai bánh xe để kéo chạy ở những quãng ít dốc và bằng phẳng: với phương tiện "hiện đại" này chỉ mất 15 giờ để đi từ Đà Nẵng ra Huế.
Thật ra, ngay từ khi sang Đông Dương nhậm chức, Paul Doumer đã đến Đà Nẵng bằng tàu thủy và sau đó cũng đi tàu thủy vào cửa Thuận An để yết kiến vua Đồng Khánh. Nhưng dù là đi theo đường nào, dưới mắt của vị tân toàn quyền Đông Dương cũng đã có những dự cảm khá chính xác về thành phố- cảng Tourane. Ông cho rằng với ưu thế của vịnh Đà Nẵng, tất cả các hoạt động mang đến sự thịnh vượng từ Bắc vào Nam nhất định sẽ qua đây...
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG
Kỳ tới: "Đà Nẵng cuối thế kỷ XIX"