Báo Công An Đà Nẵng

Ký sự Đà thành (Kỳ 4: Chợ Cồn, đầu mối hàng và người...)

Thứ năm, 16/11/2017 13:00

Tôi theo gia đình từ Quảng Nam ra sống ở Đà Nẵng từ năm 1965, đến nay đã ngoài 50 năm. Thế  nhưng để hiểu về thành phố này không là chuyện dễ. Có những hôm lang thang trên phố, tôi chợt nhận ra một Đà Nẵng lúc nào cũng gắn liền với đất Quảng, là một bộ phận không thể tách rời. Thành phố luôn gắn liền quá khứ với những cơn đau quặn thắt, với những niềm vui chưa trọn… Đã hơn một nửa thế kỷ sau thời kỳ Paul Doumer tôi mới biết đến Tourane với tên thị xã Đà Nẵng và những dấu vết của thời nhượng địa còn lại.

Bến xe lam chợ Cồn đường Hùng Vương ngày xưa.

Đường đến chợ Cồn

Tôi xuống bến xe ở chợ Cồn rồi đi thẳng về kiệt 7-Hoàng Diệu, nhà dì tôi, nằm trong con hẻm đường Hoàng Diệu, gần khu cư xá kiệt 7. Con đường này ngày xưa mang tên một sĩ quan không quân Pháp gốc Việt đầu tiên là Đỗ Hữu Vị, nghe đâu chết trong thế chiến thứ nhất. Sau hiệp định Genève 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm đổi thành đường Hoàng Diệu cho đến nay. Khoảng năm 1965, Hoàng Diệu là đường nhựa cấp phối, hai bên lề toàn là cát và những cây xà cừ to lớn. Trên đường dẫn từ chợ Mới huyện, tức chợ Hòa Thuận bây giờ, về phía chợ Cồn, có những địa chỉ mà tôi không thể nào quên, đó là các công trình mang dấu ấn kiến trúc Pháp còn sót lại. Nhà ông chủ rạp hát Trưng Vương tên Long, Luật sư Trương Thị Thúy... Đối diện nhà bà Thúy là một ga ra ô-tô có lẽ lớn nhất Đà Nẵng lúc bấy giờ, mang tên Nguyễn Đình Phùng, mà ngày nay là trụ sở của Cục Thống kê... Tôi vừa đi học ban ngày và ban đêm đi phụ việc cho tiệm mì bò viên Thái Ngư, một người chú bên nội. Trên đường đẩy xe phở hướng về chợ Cồn mỗi chiều, đến bót cảnh sát Hoàng Diệu và hãng nhuộm Đặng Mỹ Châu ngay ngã tư có ba lối đi. Phần đường Hoàng Diệu bám sát bờ thành của nghĩa trủng Phước Ninh, sau này là nhà thi đấu Nguyễn Tri Phương ở phía đông để dẫn về Ngã  Năm. Đường về phía Tỉnh hội Phật giáo và chợ Cồn nguyên là đường Sabiella được đổi thành Ông Ích Khiêm từ 1955 và đường ở giữa là Triệu Nữ Vương mà trước đây người Pháp đặt tên là Labbeé, hoàn toàn chỉ mới lát đá. Lúc đó, đường từ chùa Tỉnh hội đến trường Sao Mai chưa có tên là Lê Đình Dương như bây giờ và là con đường đất, hai bên nhà tôn lụp xụp...

Đi trên đường Ông Ích Khiêm khi gần đến chợ Cồn, phải vượt qua con đường sắt, ngày nay đã bị tháo dỡ và làm thành đường phố mang tên Nguyễn Hoàng. Vào năm 1965, thỉnh thoảng vẫn còn những chuyến tàu hàng chạy qua đây để ra cảng Tiên Sa hoặc vào sân bay. Đây là đầu mối của một trong những ổ ăn chơi trụy lạc của Đà Nẵng mang tên xóm Đường Rày, luôn nhộn nhịp những sắc áo lính Mỹ, Việt và những ả "buôn hoa bán phấn"; đôi lúc có những vụ nổ lựu đạn hoặc bắn nhau vì dành gái! Cách đó 500m đường chim bay mang tên Xóm Chuối, gần nhà thương Thí (trên đường Đoàn Thị Điểm, đoạn gần trường Y tế ngày nay) là một xóm lao động ẩm thấp! Từ đường Ray đến chợ Cồn là một khu gia binh ở phía Tây và một kho thiết bị nhà máy nước ở phía đông. Trước năm 1975, khu vực này bán từ quần áo, quân trang chế độ cũ, dụng cụ gia đình, cọc sắt ấp chiến lược, kẽm gai đến phụ tùng xe máy, xe đạp, ô-tô cũ và cả đồ ăn cắp..., đến sau năm 1975 được gọi là khu chợ Trời.

Chợ Cồn xưa.

Ngã tư không ngủ

Ngã tư chợ Cồn là hình ảnh khó phai với bất cứ ai đến Đà Nẵng với những sắc thái rất riêng. Tiệm phở, mì bò viên Thái Ngư bày bán từ 5 giờ chiều đến 12 giờ đêm ngay trước hiệu sách Văn Hóa, nhìn qua ki-ốt Cà-phê Xướng bên phía chợ Cồn, xéo chút nữa trên đường Khải Định (tức đường Edouard de L'Horlet được đổi thành đường Khải Định vào năm 1954) là chiếc cổng chợ xây dựng theo lối cách tân giữa kiến trúc cổ và kiến trúc Pháp cao vòi vọi. Trước năm 1946, cha tôi thường kể đây là cái cồn đất rộng khoảng hơn 2ha nằm trước Kho Đạn của lính Tây. Không có đường lên cồn nhưng có hàng trăm lối mòn bởi những bước chân cư dân ở gần lên đó trồng tỉa rau hoặc đi băng qua. Trên cồn không có cây cao, nhưng nhiều bụi rậm. Có lẽ việc hình thành bến xe từ Huế vào, Quảng Nam ra ở khu vực này đã tạo ra một cái chợ trên cồn đất ấy và dân gian tự đặt tên là chợ Cồn tồn tại đến nay! Nhưng đến năm 1965, khi tôi ra Đà Nẵng thì ở đây có hai bến xe: Bến xe từ Quảng Nam ra và các loại xe Lam ba bánh, xe Daihatsu đậu ở phía trên ngã tư, nay là Vĩnh Trung Plaza, bến xe đường dài và từ Huế vào đậu ở ngay cây xăng Esso trước chợ Cồn, tạo thành một khu thương mại, vận tải nhộn nhịp thâu đêm suốt sáng. Con đường từ ngã tư lên phía Tây ngày ấy mang tên Rue de Huế (đổi thành Lý Thái Tổ từ năm 1958) và Ngã ba Huế ngày nay! Ngã tư chợ Cồn, chỉ một đoạn trên đường Khải Định đã có hai hiệu sách nổi tiếng là Văn Hóa và Ngày Mới bán tất cả các loại sách, báo từ Sài Gòn chở ra và dụng cụ học sinh, văn phòng phẩm... Bên khu chợ Cồn, bao quanh các nhà lồng mở cửa ra hai đường Khải Định (nay là Ông Ích Khiêm) và Hùng Vương (tên cũ là Rue de la Républic) là các nhà buôn tạp hóa, hiệu vàng lớn của Đà Nẵng. Một trong các ki-ốt nổi tiếng và nhiều kỷ niệm với tôi là hiệu cà-phê Xướng. Ở đây quy tụ mỗi sáng hầu như tất cả  viên chức, lái xe, thợ thuyền đến uống cà- phê, ăn sáng. Cà-phê pha trong những bao vải gọi là cà-phê bít-tất, kèm theo những bình thủy tinh đựng bánh tiêu, bánh rán trên bàn. Phía góc chéo bên kia gần khu gia binh là vài quầy bán đồ ăn, giải khát, nhưng nổi tiếng đến ngày nay là quầy bánh mì Ông Tý luôn thu hút bọn học trò nhỏ bởi hai lý do: Chả do tự tay ông Tý làm thơm ngon, sạch sẽ, không bỏ phèn sa và ai mua nửa ổ cũng bán. Nghe nói con cái ông Tý nay đều thành đạt và thương hiệu ấy vẫn ăn khách ở nhiều điểm khắp thành phố hiện nay...

Phía Đông chợ Cồn, khu vực đường ray xe lửa là một nơi quần tụ của nhiều hàng bán đồ cao su chế biến từ vỏ ruột xe hơi, kể cả dép lốp, đa số là cư dân từ Huế vào... Nhiều năm sau, chợ Cồn được xây dựng lại cao tầng và đổi tên thành Trung tâm Thương mại Đà Nẵng, nhưng rồi phải quay về tên cũ vì nhiều ý kiến không đồng tình của tiểu thương. Nhưng trước đó, chợ đã không đủ sức chứa so với sự phát triển dân số cơ học ngay trong thời chiến, nên hàng trăm sạp bán hàng dã chiến đã được làm thêm bên phía bến xe Vĩnh Trung, cùng với những người bán hàng vặt bên ngoài, chiếm cả con đường trước bến xe... Chợ Cồn, vì vậy đã trở thành một chợ đầu mối lớn nhất Đà Nẵng, nhiều loại hàng quán mở cửa suốt đêm cho khách thập phương đến từ những chuyến xe. Chợ Cồn là đầu mối giao thương hàng hóa lẫn đầu mối thu dung bất cứ thành phần dân cư nông thôn ở các nơi tụ về, nhất là trong thời kỳ chiến tranh...

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

Kỳ tới: "Đường đến biển Thanh Bình"