Báo Công An Đà Nẵng

Kỹ sư trẻ mê trồng nấm

Thứ tư, 25/12/2019 19:00

Đam mê trồng nấm bào ngư tím (còn gọi là nấm sò tím), chàng kỹ sư Nguyễn Sư Dũng (1989, trú thôn Tân Hòa, xã Đại Lãnh, H. Đại Lộc, Quảng Nam) đã tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, đồng thời chế tạo những công cụ hỗ trợ để cơ giới hóa các quy trình sản xuất nấm thu lợi nhuận kinh tế cao.

Anh Dũng kiểm tra các bịch phôi nấm.

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng Chuyên ngành cơ điện tử, anh Dũng đầu quân cho một Cty ở TP Đà Nẵng. Vốn là người thích trồng trọt, thấy cây nấm bào ngư tím nhu cầu thị trường đang lớn, có thể cơ giới hóa ít tốn công chăm sóc nên anh Dũng quyết định học hỏi kinh nghiệm trồng loại nấm này. Những lúc rảnh rỗi, anh Dũng lên mạng xã hội tìm hiểu, sau đó đến những xưởng trồng nấm bào ngư tím ở TP Đà Nẵng, Quảng Nam và các Trung tâm nghiên cứu về nấm học hỏi thêm kinh nghiệm. Năm 2016, anh quyết định xây dựng 1 xưởng rộng 50m2 tại nhà, trồng thí nghiệm 500 bịch phôi nấm giống.

"Nắm được một số kiến thức cơ bản nên lứa nấm trồng thí nghiệm ra tương đối đều, nhưng năng suất chưa được như mong đợi. Quá trình trồng tôi rút ra được nhiều kinh nghiệm riêng cho bản thân. Để trồng nấm bào ngư tím phải quản lý tốt nhiệt độ và độ ẩm. Nấm bào ngư tím sinh trưởng trong nhiệt độ từ 26-320C, nhưng phát triển tốt nhất là 27 và 280C. Nếu thời tiết quá nóng hoặc lạnh cần có biện pháp cân bằng nhiệt cho nấm thích nghi, phát triển tốt. Lúc ươm nấm chỉ cần độ ẩm từ 65 đến 70%. Tuy nhiên, lúc trồng thì độ ẩm phải đạt trên 85% nấm mới có thể phát triển tốt. Nguyên liệu chủ yếu để trồng nấm là mùn cưa cây cao su và một số chất dinh dưỡng khác. Nguyên liệu phải được xử lý từ 7-10 ngày, tiếp đến sẽ hấp thanh trùng 12 giờ để loại bỏ các vi sinh vật có hại, sau đó cấy meo giống vào bịch khoảng 26-18 ngày rồi treo bịch nấm lên giàn. Trong môi trường thích hợp, nấm phát triển rất nhanh, khoảng 3 ngày là thu hoạch, những lứa sau từ 5-7 ngày thu hoạch kéo dài trong thời gian 1,5 tháng"- anh Dũng chia sẻ.

Nắm được kinh nghiệm, những lứa sau nấm ra đạt năng suất cao. Do vậy, anh Dũng quyết định mở rộng xưởng lên 600m2, gồm 2 xưởng ươm và 4 xưởng trồng. Để hạn chế công chăm sóc, anh Dũng đã nghiên cứu, tự chế tạo hệ thống máy phun sương, hệ thống làm mát tự động và nồi hấp phôi. "Do công việc làm ở xa không thể thường xuyên chăm sóc nấm nên tôi đã nghiên cứu, chế tạo những công cụ hỗ trợ nhằm hạn chế công chăm sóc. Những cơ sở khác họ hấp phôi bằng củi hoặc than, vừa tốn nguyên liệu vừa tốn nhân công. Vì vậy, tôi đã chế tạo ra nồi hấp điện, chi phí đầu tư cũng không cao, nhưng đỡ tốn tiền nhân công và không gây ô nhiễm môi trường. Hiện xưởng tôi có 6 nhân công chỉ làm những khâu cơ bản, còn lại đã có hệ thống tưới, làm mát tự động"- anh Dũng cho biết.

Lúc có sản phẩm, anh Dũng gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, bởi loại nấm này lạ, nhiều người chưa biết nên mua ít. Tuy nhiên, sau thời gian ngắn sử dụng thấy ngon, nhiều chất dinh dưỡng nên lượng nấm xưởng sản xuất ra thường xuyên bị "cháy" hàng. Trung bình mỗi ngày xưởng của anh Dũng cung cấp ra thị trường 25-30kg nấm bào ngư tím. Với giá hiện nay dao động từ 60-100 ngàn đồng thì giá trị kinh tế mang lại là rất lớn. "Vào những ngày rằm hoặc mồng 1 Âm lịch người tiêu dùng sử dụng nhiều nên giá nấm đạt 100 nghìn đồng/1kg. Do vậy, tôi thường canh những thời điểm đó để trồng với số lượng lớn. Lứa đầu nấm cho năng suất cao nhất, đạt trên 150kg 1 lần thu hoạch. Hiện tôi đang tiếp tục mở rộng quy mô xưởng trồng nấm để cung cấp ra thị trường. Ngoài ra, tôi đã nghiên cứu trồng thành công loại nấm linh chi đỏ, nhu cầu thị trường sử dụng làm dược liệu đang rất lớn, dự tính năm sau sẽ triển khai mở rộng quy mô sản xuất. Đồng thời, tôi sẽ tận dụng những phế phẩm mùn cưa để phát triển trồng thêm rau sạch cung cấp ra thị trường"- anh Dũng tâm sự.

Phó Bí thư Huyện đoàn Đại Lộc Huỳnh Thế Toàn cho hay, mô hình trồng nấm của anh Dũng là một trong những mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao tại địa phương. Bằng sự đam mê của mình, anh Dũng đã sắp xếp thời gian, công việc để nghiên cứu và đã thành công việc trồng nấm cho thu nhập kinh tế cao. Mới đây, Huyện đoàn Đại Lộc đã đưa các đoàn viên thanh niên của huyện đến xưởng của anh Dũng để tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng loại nấm này. Hy vọng, thời gian đến H. Đại Lộc sẽ có nhiều thanh niên vươn lên làm giàu từ việc trồng nấm.

LÊ VƯƠNG