Báo Công An Đà Nẵng

Kỳ thi "Hai trong một" năm 2015: Cần chuẩn bị công phu

Thứ ba, 22/07/2014 08:30

(Cadn.com.vn) - Vừa qua, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu từ năm 2015 sẽ chỉ còn một kỳ thi để phục vụ cả mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và làm cơ sở giúp các trường ĐH, CĐ tuyển sinh. Về chủ trương này, GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội cho rằng nếu thực hiện trong năm 2015 thì hơi vội vàng.

Theo giới chuyên môn, Bộ GD-ĐT đã  làm khá tốt trong khâu cải tiến đề thi ở kỳ tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Các đề thi đều bám sát chương trình, đậm hơi thở cuộc sống, có tính phân loại cao... Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phạm Vũ Luận có thư khen ngợi các thầy cô giáo trong ban ra đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ vừa qua. Cải tiến đề thi cũng là một mắt xích quan trọng góp phần thay đổi, điều chỉnh cách dạy của thầy, cách học của trò cho phù hợp với yêu cầu mới, phát huy tối đa năng lực, phẩm chất của người học.

Thắng lợi bước đầu ấy tạo động lực cho Bộ GD & ĐT chuẩn bị kế hoạch, phương án tổ chức một kỳ thi quốc gia với hai mục tiêu, công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ trong năm 2015 và đã được Chính phủ đồng ý. Kỳ thi 2 trong 1 này, nếu tổ chức thành công sẽ đem lại lợi ích to lớn cho Nhà nước và nhân dân về nhiều phương diện từ tiền bạc đến áp lực thi cử...

Tất nhiên để đạt được kỳ vọng, mục tiêu đặt ra cũng không hề đơn giản, đòi hỏi ngành giáo dục cố gắng, nỗ lực rất nhiều, công tác hướng dẫn, chuẩn bị mọi khâu cần được nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng, chu đáo... Là người trong ngành, gần 20 năm làm công tác coi thi, thanh tra thi, chấm thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ, chúng tôi quan ngại, lo lắng nhất ở khâu tổ chức coi thi. Khó thể trông chờ vào tính đồng bộ, nghiêm túc, thực hiện đúng quy chế của cán bộ, giám thị các Hội đồng thi được.

Do đó,  biện pháp tối ưu được đưa ra là tại tất cả phòng thi phải có cài đặt hệ thống camera để giám sát, theo dõi mọi hoạt động, diễn biến của thí sinh và giám thị trong và ngoài phòng thi. Một số ít trường đại học, những mùa tuyển sinh gần đây đã áp dụng công nghệ này và cho kết quả tốt.

Theo ước tính, cả nước có khoảng 50.000 phòng thi. Để đáp ứng đầy đủ cho số lượng phòng thi khổng lồ như thế, cần có một nguồn kinh phí mua sắm khá lớn. Chúng tôi thiết nghĩ, nếu nguồn kinh phí Nhà nước thiếu hụt, ngành giáo dục, các địa phương có thể kêu gọi giúp đỡ, hỗ trợ của doanh nghiệp, có thể thuê, mượn thiết bị này để phục vụ kỳ thi. Lực lượng, bộ phận CA ở địa phương có trách nhiệm quản lý, giám sát và xử lý các thông tin từ hệ thống camera này.

Cách tổ chức kỳ thi nên thành lập hội đồng coi thi theo hình thức cụm, liên trường, chọn những nơi, những trường ở vị trí trung tâm có cơ sở vật chất, phòng ốc, tường rào đảm bảo, giao thông, đi lại thuận tiện như trước đây đã từng làm. Cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ và các trường THPT cùng tham gia, phối hợp làm công tác coi thi, thanh tra thi và chấm thi tại địa phương.

Khâu coi thi được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, nhất định sẽ cho ra kết quả chính xác, đúng thực chất, không còn " đất" cho tiêu cực, bệnh thành tích dung thân. Một khi tổ chức kỳ thi 2 trong 1, về bản thân thí sinh cũng sẽ có thái độ thi cử nghiêm túc hơn kỳ thi tốt nghiệp THPT lâu nay, vì ở đây có tính cạnh tranh lẫn nhau liên quan đến kết quả trúng tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Mặt khác, các đề thi môn thi bắt buộc, tự chọn về nội dung, kiến thức cần có sự phân loại rạch ròi, xác định rõ ngưỡng điểm để công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Theo dự cảm của chúng tôi, năm tới, tổ chức kỳ thi 2 trong 1, nếu học sinh học yếu, lơ là, ít chịu khó ôn tập thì nguy cơ hỏng tốt nghiệp THPT rất cao, rất nhiều, không có chuyện đỗ tốt nghiệp 100%; 99,1% như những năm qua.

Dư luận và giới chuyên môn đánh giá cao việc Bộ GD & ĐT đưa ra phương án 4 bài thi dạng tích hợp: toán-tin học, văn-sử-địa- giáo dục công dân, lý-hóa- sinh- công nghệ và ngoại ngữ nhằm kiểm tra toàn diện kiến thức các môn đã học, chống tình trạng học tủ, học lệch đang diễn ra khá phổ biến trong học sinh bậc THPT. Phương án, ý tưởng này cần có lộ trình, thời gian để thực nghiệm, để hướng dẫn, chuẩn bị kỹ từ nhà trường, các thầy cô giáo, nên chưa vội triển khai, thực hiện trong năm 2015.

Nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, trước những cải tiến, thay đổi quan trọng liên quan đến phụ huynh, học sinh, nhà trường, họ làm rất tốt, bài bản công tác tuyên truyền, hướng dẫn, khảo sát, lấy ý kiến từ các đối tượng... Kỳ thi quốc gia, 2 trong 1, nếu triển khai thực hiện trong năm 2015, được xem là một bước đột phá, cải cách lớn của ngành giáo dục Việt Nam thì rất cần có các bước đi thận trọng, kỹ lưỡng, chắc chắn, khoa học như thế giới đã làm.

Tránh bị động, lúng túng, bất ngờ như một số thay đổi, điều chỉnh trong ôn tập, thi tốt nghiệp THPT năm vừa rồi, vào đầu năm học này, Bộ GD & ĐT nên có ngay những chuẩn bị, hướng dẫn cụ thể, chi tiết về công tác ôn tập, tổ chức coi thi, chấm thi, đăng ký môn thi, ngành, trường thi đến các trường phổ thông và kể cả ĐH, CĐ. Có sự chuẩn bị tốt và nhận được sự đồng thuận cao của toàn ngành giáo dục thì con đường đi đến thành công của một kỳ thi quốc gia với 2 mục tiêu là rất gần.

Đỗ Tấn Ngọc