Kỳ thi THPT quốc gia 2020: Giảm tải chương trình, không giảm số môn thi và bài thi
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, một số chuyên gia giáo dục có đề xuất cắt giảm chương trình hoặc một số môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2020. Liên quan đến đề xuất trên, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết: kỳ thi sẽ được tổ chức với phương thức ổn định như năm 2019. Tuy nhiên, bộ sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.
Theo đó, bộ sẽ nghiên cứu giảm tải chương trình để vừa đảm bảo mục tiêu giáo dục vừa phù hợp với điều kiện dạy học của các nhà trường, đồng thời, xây dựng và sớm công bố đề thi tham khảo phù hợp với nội dung giảm tải, làm định hướng cho các nhà trường tổ chức dạy học, ôn tập. Do vậy, giáo viên và học sinh không nên quá lo lắng. "Bộ đã kịp thời chỉ đạo các cơ sở đào tạo có kế hoạch phù hợp để hoàn thành nhiệm vụ năm học 2019-2020; đồng thời sẵn sàng tham gia tổ chức kỳ thi và làm tốt công tác tuyển sinh của trường mình", ông Mai Văn Trinh cho biết.
Dự kiến, quy chế thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ được công bố trong tháng 3. Bộ sẽ ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện quy chế và tổ chức tập huấn đầy đủ, kỹ càng cho tất cả các cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi. Những điều chỉnh của quy chế thi năm nay chỉ liên quan đến cán bộ, giáo viên làm thi, không ảnh hưởng gì đến thí sinh. Vì vậy, các thí sinh yên tâm, tập trung học, ôn tập để đạt kết quả tốt nhất.
Trong khi đó, trao đổi về việc giảm bớt môn thi, bài thi, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho biết: kỳ thi quốc gia phải thực hiện theo quy chế. Trong giai đoạn này, do dịch bệnh, các trường phải nghỉ học trong một thời gian, bộ sẽ nghiên cứu để giảm tải nội dung thi phù hợp với tình hình thực tiễn. Về số lượng bài thi, môn thi, chúng ta vẫn phải thực hiện theo Thông tư đã ban hành. Hiện nay, bộ đã điều chỉnh thời gian kết thúc năm học trước 15-7 và lùi thời gian tổ chức kỳ thi THPT quốc gia từ 8 đến 11-8. Với khoảng thời gian quy định như vậy cùng tình hình kiểm soát dịch bệnh hiện nay, bộ hy vọng, hết tháng 3 hoặc sang tuần đầu của tháng 4, học sinh có thể đi học trở lại thì quỹ thời gian đảm bảo cho học sinh có thời gian học tập, ôn tập để chuẩn bị thi. Cùng với đó, bộ cũng đang có hướng dẫn để các nhà trường có thể dạy học qua internet và trên truyền hình.
Đối với ý kiến của một số chuyên gia về việc chỉ nên tổ chức xét tuyển THPT, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng: mọi quyết định cần phải thực hiện theo luật. "Đến thời điểm này, tình hình vẫn có thể kiểm soát được, việc tổ chức kỳ thi như mọi năm tại các địa phương vẫn đảm bảo được yêu cầu", ông nói.
T.H