Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 2: Thí sinh phấn khởi vì đề thi Văn, Toán vừa sức
Sáng 6-8, hơn 11.600 thí sinh ở 38 tỉnh, thành bắt đầu thi tốt nghiệp THPT đợt 2 năm 2021 với bài thi môn Ngữ văn trong 120 phút. Đa phần các thí sinh đều phấn khởi sau môn thi đầu tiên vì đề thi khá vừa sức, sát với chương trình ôn tập. Đặc biệt, câu hỏi phần nghị luận xã hội gần gũi với học sinh.
Theo một giáo viên dạy Ngữ văn, đề thi ngữ văn hay và mang tính phân loại cao. Cụ thể, đối với phần đọc hiểu, tất cả mọi thí sinh đều làm được vì chỉ cần dựa vào nội dung đoạn trích có sẵn để trả lời được câu hỏi. Phần làm văn mang tính phân loại cao. Đối với câu 1 trong phần làm văn, nội dung đề thi có tính gợi mở và mang tính thời sự. Nói về tinh thần hợp tác, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, thí sinh vừa phải có sự cảm nhận về cuộc sống, vừa phải để tâm đến những sự kiện, hiện tượng diễn ra quanh mình mới có khả năng viết tốt phần này.
Đối với câu 2 trong phần làm văn, cùng là nội dung về bài thơ Tây Tiến nhưng nếu đề thi yêu cầu phân tích hình tượng người lính, thí sinh dễ viết. Còn đối với đoạn trích trong đề thi này, thí sinh vừa phải nêu cảm nhận về đoạn thơ, vừa phải khái quát khuynh hướng sáng tác của tác giả. Đây thực sự là phần thi dành cho những học sinh có năng lực tốt với môn ngữ văn. Với đề thi này, theo thầy Phạm Hữu Cường, giáo viên tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI, phổ điểm chủ yếu mà học sinh đạt được sẽ vào khoảng 7-8 điểm.
Chiều 6-8, thí sinh làm bài thi môn Toán theo hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài 90 phút. Thầy Phạm Đức Duẩn, Phó hiệu trưởng, trường THPT Liên Hà (Hà Nội) đánh giá, đề môn Toán thi tốt nghiệp THPT đợt 2 gồm 50 câu trắc nghiệm, kiến thức có 4 câu thuộc lớp 11 (2 câu phần tổ hợp, xác suất và 2 câu hình học không gian phần quan hệ vuông góc), còn lại 46 câu thuộc chương trình toán 12 ban cơ bản. Đề thi không có nội dung ngoài sách giáo khoa hiện hành.
So sánh đợt 1, đề thi tốt nghiệp đợt 2 có cấu trúc kiến thức và mức độ hoàn toàn tương đồng. Các câu nhận biết và thông hiểu có nội dung dễ tương tự nhau, các câu vận dụng và vận dụng cao cũng có độ khó tương đồng, cùng thuộc các đơn vị kiến thức tương ứng.
T.N