Báo Công An Đà Nẵng

Kỳ tích ở cao điểm 327 Phước Tường - chuyện bây giờ mới kể ( Bài 1: Chuyện về lễ truy điệu sống 10 chiến sĩ trẻ ưu tú 55 năm trước)

Thứ tư, 27/07/2022 18:40
Giây phút xúc động của Thiếu tá Trần Ngọc Trung khi kể lại Lễ truy điệu sống của mình vào năm 1967.

Hồi nhớ về những năm tháng chiến tranh, cựu binh Trần Ngọc Trung xúc động cho biết, thời điểm đó, Đế quốc Mỹ không chỉ biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới mà còn là nơi chúng thử nghiệm các loại vũ khí. Tuy nhiên, nhiều loại vũ khí, phương tiện chiến tranh Đế quốc Mỹ đưa vào đều đã bị quân đội ta tấn công phá hủy trên khắp các mặt trận. Đầu năm 1967, Mỹ đưa tên lửa đất đối không Tomahaw (gọi tắt là tên lửa Hốc) vào chiến trường Quân khu V- loại vũ khí mới hiện đại chưa từng có ở thời điểm đó.

Lúc này, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Quân khu V bằng mọi cách tổ chức lực lượng tinh nhuệ, gọn nhẹ theo phương châm "Lấy ít đánh nhiều, lấy yếu đánh mạnh, đạt hiệu suất chiến đấu cao". Chấp hành mệnh lệnh, Bộ Tư lệnh giao Ban chỉ huy Tiểu đoàn Đặc Công 489 chọn những chiến sỹ ưu tú với tinh thần tự nguyện nhận nhiệm vụ. Đơn vị chủ công của Tiểu đoàn là Đại đội 2, nơi ông Trần Ngọc Trung công tác được giao nhiệm vụ tuyển chọn người tham gia tổ công tác đặc biệt.

Thiếu tá Trung nhớ như in vào một đêm sinh hoạt Đại đội, có mặt Ban chỉ huy Tiểu đoàn và Trợ lý tác chiến của Bộ tham mưu Quân khu V đến dự. Đồng chí Chính trị viên Đại đội phát động, lấy tinh thần tự nguyện, xung phong nhận nhiệm vụ chiến đấu. "Lúc đó chỉ huy chỉ nói vậy, chưa nói là chiến đấu ở đâu, nhưng có gần 100 cánh tay giơ lên, giành nhiệm vụ chiến đấu. Sau đó, Ban chỉ huy thống nhất, chọn ra 10 đồng chí, trong đó có tôi - được anh em đặt biệt hiệu "Xạ thủ B40 thiện chiến" vào thời điểm đó. Chúng tôi lấy danh hiệu là Đội Cảm tử quân"- Thiếu tá Trần Ngọc Trung kể.

Ngoài chuẩn bị lực lượng, Bộ tư lệnh cũng cho trinh sát nhanh chóng điều tra, chuẩn bị chiến trường để lên phương án, sơ đồ tác chiến. Qua thời gian điều tra, trinh sát được biết địch bố trí trận địa tên lửa này trên đỉnh cao 327 dãy núi Phước Tường, phía Tây TP Đà Nẵng. Xung quanh chân núi Phước Tường, địch bố trí các đơn vị quân đội dày đặc kể cả lực lượng ngụy quân và lính thủy quân lục chiến Mỹ thành một vòng tròn khép kín. Sau thời gian nghiên cứu trận địa, Đội Cảm tử quân được sinh hoạt riêng, học tập, phát động căm thù và học chiến lệ (một trận đánh tiêu biểu, đã được đúc kết và rút kinh nghiệm - PV). "Đến thời điểm đó, chúng tôi vẫn chưa được biết đánh cái gì, trận chiến diễn ra ở đâu. Trong hơn 10 ngày đó, chúng tôi được các đồng chí lãnh đạo Thành uỷ Đà Nẵng, Thành Đội, Tiểu đoàn thường xuyên đến thăm, động viên" - Thiếu tá Trung xúc động nhớ lại.

Anh hùng LLVT nhân dân Trần Ngọc Trung giao lưu với đoàn viên, thanh niên TP Đà Nẵng.

Chiều ngày 15-5-1967, mọi sinh hoạt hằng ngày vẫn diễn ra bình thường, Đội Cảm tử quân được lệnh tập trung, đưa ra thao trường của Tiểu đoàn 489. Lúc này, Đội đứng một hàng ngang. "Chúng tôi rất bất ngờ vì đứng phía dưới là hơn 200 cán bộ, chiến sĩ đứng rất là nghiêm túc…"- Thiếu tá Trung nhớ lại khoảnh khắc đó. Sau khi chỉnh đốn hàng ngũ, đồng chí Trần Kim Hùng- Chính trị viên trưởng Tiểu đoàn (sau này là AHLLVTND) mới tuyên bố: "Sau đây, được sự đồng ý của Thành uỷ và Thành đội, Tiểu đoàn 489 mời các đồng chí đại diện cho 4 Đại đội đến đây để tham gia Lễ truy điệu sống cho 10 đồng chí trong Đội Cảm tử quân". Chiến sĩ trẻ 17 tuổi Trần Ngọc Trung và 9 chiến sĩ trong Đội cảm tử vô cùng bất ngờ vì chưa bao giờ họ biết về nghi thức Lễ viếng sống này. Chưa kịp hết dòng suy nghĩ, ông đã nghe đồng chí Hùng nói tiếp trước hàng quân, giọng nghẹn lại: "Hôm nay, chúng ta làm lễ truy điệu sống cho các đồng chí vì không có dịp nào nữa…". Một phút mặc niệm, tất cả đều cúi mặt xuống.

Đồng chí Hồ Nghinh - nguyên Đặc khu ủy Quảng Đà, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) đến ôm hôn và khóc với Đội cảm tử. "Thầm nghĩ, chắc tham gia trận đánh này rất ác liệt lắm, có đi không về, chúng tôi thấy lúc đó tình cảm sao mà thiêng liêng quá đỗi, như người cha ôm hôn đứa con trước lúc từ biệt. Không ai bảo ai, các đồng chí khác tràn lên ôm hôn chúng tôi bịn rịn, chỉ khóc mà không thể nói ra lời nào. Những hình ảnh đó đến bây giờ vẫn không thể phai mờ được trong tâm trí tôi" - Thiếu tá Trung xúc động.

Hôm đó, Đội cảm tử quân được quàng khăn đỏ có dòng chữ "Thề quyết tử để Tổ quốc quyết sinh". Đội trưởng Đội cảm tử quân dõng dạc hô vang "Thề quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" cùng 10 cánh tay giơ lên, đồng thanh hô vang xin thề. "Đứng nhìn xuống các đồng chí trong đơn vị, chúng tôi bắt gặp những đôi mắt nhòa lệ. Gương mặt ai nấy đều lộ rõ vẻ xúc động và cảm phục, gửi hết niềm tin tất thắng vào chúng tôi!" - Thiếu tá Trần Ngọc Trung bồi hồi nhớ lại giây phút thiêng liêng đó.

AHLLVTND Trần Ngọc Trung kể đến đó, phía dưới lễ đài, tất cả Đoàn viên, Thanh niên Đà Nẵng lặng đi vì xúc động, vì ngưỡng mộ và cảm phục!

Mai Vinh (còn nữa)