Báo Công An Đà Nẵng

Kỳ tích ở cao điểm 327 Phước Tường - chuyện bây giờ mới kể (Bài 2: Kỳ tích “Hoa nở trong lòng địch”)

Thứ năm, 28/07/2022 07:55
AH LLVTND, Thiếu tá Trần Ngọc Trung kể lại trận chiến ở cao điểm 327 Phước Tường năm 1967.

Để bảo vệ cao điểm 327 núi Phước Tường, địch bố trí lực lượng dày đặc, chỉ chừa đường dân sinh để người dân lên núi lấy củi.

Sau nhiều ngày đêm xuyên rừng, lội suối, bí mật vượt qua nhiều đồn bốt, ấp chiến lược của địch, Đội cảm tử quân đến được thôn Phúc Thái, xã Hòa Thịnh (nay là xã Hòa Nhơn, Hòa Vang). Cấp ủy địa phương, Xã Đội trưởng đón, ôm từng đồng chí trong đội khi biết sắp sửa bước vào một trận đánh ác liệt, cam go “có đi không về”. Cấp ủy phát mỗi chiến sĩ một nắm cơm vắt muối mè, bố trí 2 du kích bí mật đưa đội quân men theo một con suối đến lưng chừng núi Phước Tường để ẩn nấp. Một ngày đêm, cả đội ăn cơm vắt, lương khô, uống nước suối. Trong hồi ức Trần Ngọc Trung, thời điểm đó hết sức căng thẳng vì cả đội đã đến rất gần với địch, gần đến mức nhìn lên trên đầu là thấy và nghe được địch nói chuyện với nhau. Đến 19 giờ ngày 16-5-1967, cả đội tập trung để kiểm tra vũ khí, trang bị và củng cố quyết tâm lần cuối.

Câu nói của một vị lãnh đạo tại Lễ truy điệu sống cách đó vài ngày trước được Đội cảm tử nhắc lại: “Trên chiến trường miền Nam, chúng ta đã đánh nhiều trận, phá hủy nhiều máy bay, xe tăng, thiết giáp…, nhưng chỉ có tên lửa của địch là chưa bao giờ. Vì thế, chúng ta phải đặt quyết tâm cao nhất để xóa sổ trận địa tên lửa này”. Rồi anh em trong Đội nói với nhau còn gì ăn nấy, vì đây có thể là bữa ăn cuối cùng của toàn đội. “Chúng tôi nói nhỏ với nhau, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ để lập công mừng 77 năm Ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bắt đầu xuất kích hướng lên đỉnh núi, không ai bảo ai, mỗi người đều đứng lặng nhìn về quê hương thân yêu trước giờ nổ súng” - Thiếu tá Trung bồi hồi xúc động nhớ lại giây phút trước khi bước vào trận đánh…

Đội hình đã đến hàng rào kẽm gai, tổ kỹ thuật bí mật cắt hết 6 lớp rào mà địch vẫn không hề hay biết. Chiến sĩ trẻ Trần Ngọc Trung khi ấy được phân công vào Tổ 1, có nhiệm vụ đột phá khẩn cấp, tiếp cận mục tiêu là lô cốt đầu cầu cách vị trí đứng ngắm của ông tầm 40m. Trong ánh sáng nhờ nhờ hắt ra từ phía đồn bốt địch, chiến sĩ trẻ Trần Ngọc Trung bình tĩnh giương khẩu B40 hướng về lô cốt, bóp cò. Đạn nổ trúng mục tiêu. Đó cũng là hiệu lệnh cho các tổ còn lại xông lên nhắm vào mục tiêu khác đã được phân công.

Cũng theo lời kể của Thiếu tá Trung, trong quá trình chiến đấu, ổ điều khiển khẩu đại liên bên sườn phải của địch bất ngờ phát hiện đường tấn công của Đội nên bắn dữ dội vào đội hình hòng chặn đường tiến công. Xạ thủ B40 Trần Ngọc Trung được Mũi trưởng yêu cầu tiêu diệt ổ điều khiển khẩu đại liên này. Nhận lệnh, xạ thủ B40 liều lĩnh bò đến gần rồi giương súng bóp cò. Quả đạn thứ 2 trúng đích tiêu diệt khẩu đại liên, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ tiếp tục tấn công. Lúc này, phía địch bắt đầu đáp trả bằng những trận mưa đạn xối xả. Ông bị dính đạn ở khủy tay trái.

Cùng lúc đó, một chiếc xe tăng M118 từ hướng Quốc lộ 1 chạy lên đỉnh núi Phước Tường, dùng đại liên M60 nã như mưa. Một lần nữa, lệnh của Mũi trưởng phải tiêu diệt ngay chiếc xe tăng đó để các tổ hoàn thành nhiệm vụ và rút quân. “Tôi lặng lẽ không cho Mũi trưởng biết đã bị thương. Cắn răng chịu đựng sự đau đớn, dùng 2 chân kẹp nòng súng, tay còn lại tôi lắp quả đạn cuối cùng rồi bò nhích từng đoạn một. Khi bò cách điểm xe tăng chừng 40m, tôi nhanh chóng kê nòng súng trên một ụ đất, bình tĩnh hít một hơi thật sâu, lấy đường ngắm thật chính xác và… bóp cò. Quả đạn B40 thứ 3 nổ xe tăng bốc cháy” - Thiếu tá Trung kể lại.

Sơ đồ trận tập kích bãi xe cơ giới Cẩm Bình diễn ra vào năm 1966.
Một trận đánh làm nên tên tuổi của xạ thủ B40 Trần Ngọc Trung.

Chiến đấu khoảng 15 phút, Mũi trưởng bắn 1 phát pháo hiệu lệnh rút quân. Các tổ bắt liên lạc kiểm tra quân số. Tất cả thành viên Đội cảm tử đều bị thương. Người bị thương tay thì cõng người bị thương chân, người bị nhẹ thì dìu người nặng... Kết quả, Đội cảm tử đã phá hủy 6 dàn tên lửa gồm 18 quả, 2 dàn ra đa, 1 hầm chỉ huy điện tử, bắn sập 3 lô cốt, 3 khẩu đại liên, bắn cháy 1 xe tăng M118, tiêu diệt 50 tên sĩ quan, nhân viên kỹ thuật và lính bảo vệ Mỹ. Kỳ tích của ta là không có đồng chí nào hy sinh. Sau trận đánh này, Tiểu đoàn Đặc công được Chính phủ tặng Huân chương Quân công hạng Nhất, Thiếu tá Trần Ngọc Trung được tặng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhì.

Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, Thiếu tá Trần Ngọc Trung tham gia đánh trên 20 trận. Với uy lực của khẩu B40 trên vai và tài bắn “bách phát bách trúng”, Trần Ngọc Trung đã cùng đồng đội lập nên nhiều chiến công vang dội như trận tập kích địa pháo Thanh Vinh (thuộc phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu ngày nay) tháng 4-1966; trận tấn công trận địa xe cơ giới Cẩm Bình (nay thuộc xã Hòa Nhơn, H. Hòa Vang) tháng 8-1966 v.v... Ngày 26-7-2012, Thiếu tá Trần Ngọc Trung vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu AHLLVTND.

Chiến công lẫy lừng là vậy, nhưng AHLLVTND Trần Ngọc Trung lại nói rằng, danh hiệu vinh dự và cao quý này thuộc về đồng bào, đồng chí - những người đã không tiếc xương máu, đã anh dũng ngã xuống; đã cưu mang, đùm bọc nuôi nấng ông trong những năm kháng chiến. “Giờ đây, tôi được sống trong những ngày bình yên bên con cháu, nên càng thấm thía giá trị quý báu của những năm tháng không còn mưa bom, bão đạn của quân thù. Tôi mong muốn thế hệ trẻ hôm nay phải biết trân trọng cuộc sống bình yên đang có, nỗ lực học tập, rèn luyện để ra sức xây dựng và bảo vệ nước Việt Nam giàu đẹp, sánh vai cùng các cường quốc 5 châu như Bác Hồ kính yêu đã hằng mong muốn” - AHLLVTND Trần Ngọc Trung nhắn nhủ thế hệ trẻ.

Mai Vinh