Báo Công An Đà Nẵng

Kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Lữ đoàn 126 Đặc công Hải quân 13-4 (1966-2016):

Kỳ tích trên chiến trường sông nước Quảng Đà

Thứ bảy, 09/04/2016 10:03

(Cadn.com.vn) - Ấm áp, đong đầy cảm xúc, ăm ắp kỷ niệm..., đó là những gì chúng tôi cảm nhận được tại buổi gặp mặt truyền thống Lữ đoàn 126 đặc công Hải quân, diễn ra ngày 8-4 tại Đà Nẵng. 50 năm trước, họ là những người con ưu tú từ miền Bắc, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc vào chiến trường Quảng Đà chiến đấu. Thắng lợi nhiều, hy sinh không ít, nhưng với họ, quan trọng nhất là đã góp một phần công sức, xương máu của mình cho sự nghiệp giải phóng, đem lại hòa bình cho đất nước, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Ông Phạm Xuân Sanh (bên phải) cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm chiến đấu một thời.

Những chiến công đi vào huyền thoại...

Cách đây 50 năm, xuất phát từ yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ trên chiến trường miền Nam, trong nhiều chiến dịch lớn cần phá hủy các mục tiêu quan trọng như cầu, cống, cảng, tàu thuyền của địch trên sông, trên biển... mà các lực lượng khác không đảm nhiệm được, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và chỉ thị của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, ngày 13-4-1966, Bộ Quốc phòng đã ra quyết định thành lập Đoàn huấn luyện trinh sát Đặc công Hải quân mang phiên hiệu Đoàn 126, trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân. Từ đây, Quân chủng Hải quân chính thức có thêm một lực lượng chiến đấu mới làm nhiệm vụ tác chiến theo một phương thức “đặc biệt” với hiệu suất chiến đấu cao.

Ngay sau khi thành lập Đoàn 126, Bộ Tư lệnh Hải quân xác định, tại miền Nam có 4 cảng biển quan trọng nhất, cần đưa vào mỗi nơi một đội đặc công nước, đến cuối năm 1966, lực lượng Đoàn 126 được chia làm 4 đội và có mặt trên các chiến trường miền Nam. Trong đó, Đội 1 ở Cửa Việt (Quảng Trị), Đội 2 ở Sài Gòn (Nam Bộ), Đội 3 ở Quảng Đà và Đội 4 ở Cam Ranh (Khánh Hòa). Mới vào đến chiến trường năm 1967, song Đội 3 Đoàn 126 đánh trận đầu tiên giành thắng lợi vang dội là trận đánh sập cầu Thủy Tú–mạch máu giao thông chi viện của địch vào ngày 2-4-1967. Vì cầu Thủy Tú có chiến lược quan trọng như vậy nên địch đã bố trí phòng bị cực kỳ kiên cố, đến nỗi có tên đại tá công binh Mỹ dõng dạc tuyên bố rằng “nếu Việt Cộng đánh sập cầu Thủy Tú thì tất cả các con sông ở Quảng Nam – Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế sẽ chảy ngược”. Khó khăn, nguy hiểm là thế, song Đội 3 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Sau trận này, báo chí phương Tây đã diễn tả việc cầu Thủy Tú bị đánh sập bằng một câu ví von đầy hình ảnh rằng “miền Trung đã bị gãy xương sống”!

Quảng Đà là chiến trường cực kỳ ác liệt, bên cạnh nhiều chiến công xuất sắc thì lực lượng đặc công Đội 3 cũng gặp nhiều tổn thất, hy sinh, quân số ngày càng “hao hụt”. Năm 1970, Đội 3 từ 60 chiến sỹ ban đầu thì chỉ còn 12 đồng chí, cùng với số anh em mới được bổ sung, Đoàn 126 quyết định thành lập Đội 170, do đồng chí Phạm Xuân Sanh làm Đội trưởng, đồng chí Đinh Văn Rơi làm Chính trị viên. Suốt những năm từ 1969 đến 1975, lực lượng đặc công Hải quân đã chiến đấu phá hủy nhiều cầu quan trọng như cầu Thủy Tú, cầu Đỏ, cầu Cẩm Lệ, Câu Lâu, Vĩnh Điện, Bà Rén...; đánh hợp đồng phá hủy hàng loạt cầu, cắt đứt giao thông bằng đường bộ; đánh độc lập, đánh nhiều lần một cầu buộc địch phải kéo lực lượng về bảo vệ; đánh những cầu tàu ở hải cảng Đà Nẵng, Hội An, đánh chìm các tàu biển chở hàng quân sự neo tại hải cảng; phối hợp với bộ binh, từ nước lên khô diệt một số sinh lực địch cao cấp nơi hẻo lánh sát biển hoặc sát sông lớn...

Thiếu tá Phạm Duy Tân, Trưởng ban liên lạc Đặc công Hải quân 126 tại Đà Nẵng cho biết: từ 1966 đến 1975, cùng với lực lượng đặc công Hải quân trên khắp các chiến trường, Đội 3 Đoàn 126 (sau này là Đội 170 Mặt trận Quảng Đà) đã đánh tổng cộng 84 trận dưới nước, 2 trận vào kho xăng Liên Chiểu, tiêu diệt hơn 800 tên địch, trong đó có 42 tên Mỹ; đánh chìm 5 tàu quân sự (trong đó có 1 pháo hạm thuộc Hạm đội 7 Mỹ và 1 tàu dầu trọng tải lớn), 18 hải thuyền của địch trên cảng Cửa Đại (Hội An) và vịnh Xuân Thiều (Đà Nẵng)...Với những chiến công đặc biệt xuất sắc, Đoàn đặc công Hải quân 126 đã được Đảng, Nhà nước 2 lần tuyên dương Anh hùng LLVTND (ngày 22-12-1969 và 20-9-1971), cả 4 Đội và 12 cá nhân được tuyên dương Anh hùng LLVTND, trong đó Đội 1 được tuyên dương 3 lần. Trên Mặt trận Quảng Đà, Đội 170 cũng được Đảng và Nhà nước tặng thưởng hàng trăm huân, huy chương chiến công, hàng trăm chiến sỹ được tặng danh hiệu “Dũng sỹ đánh giao thông”, “Dũng sỹ xung kích”, “Dũng sỹ đánh cơ giới” và nhiều bằng khen, giấy khen các loại...

Các thế hệ đặc công Hải quân Đoàn 126 gặp mặt kỷ niệm nhân 50 năm Ngày truyền thống Lữ đoàn.

Xứng danh Anh hùng!

Trở lại với câu chuyện của Đội 170, sau loạt bài “Huyền thoại đặc công nước Quảng Đà” đăng trên Báo CATP Đà Nẵng cách đây không lâu, mới đây, chúng tôi vui mừng nhận được tin báo từ các thành viên trong Ban liên lạc (BLL) truyền thống Đoàn 126 đặc công Hải quân tại Đà Nẵng, rằng BLL đang phối hợp với các đơn vị có liên quan để hoàn thành hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu AHLLVT cho “Đại tá 3 sao” Phạm Xuân Sanh, Đội trưởng Đội 170 Mặt trận 4, người được ví là anh cả của lực lượng đặc công nước Hải quân tại chiến trường Quảng Đà năm xưa.

Phạm Xuân Sanh là một trong số ít thành viên của Đội 3 còn “sót lại” đến năm 1970, điều đó cũng để nói lên chiến trường Quảng Đà khốc liệt như thế nào. Sau hàng loạt chiến công lập được, ông vinh dự được đi báo cáo điển hình toàn quân trong thời gian này. Sau khi thành lập Đội 170, với cương vị Đội trưởng, Phạm Xuân Sanh đã chỉ huy hàng chục trận đánh và giành thắng lợi vang dội, đến nỗi vào thời điểm này, Mỹ - Ngụy đưa ra tuyên bố “ai bắt hoặc giết được Quách Sanh (biệt danh của Phạm Xuân Sanh), Đội trưởng người nhái bắc Việt sẽ được tặng thưởng 100 ngàn đô la”. Đáp lại lời tuyên bố đó, Phạm Xuân Sanh và đồng đội của mình đã liên tiếp lập công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam. Tháng 10-1976, đơn vị 170 giải thể, đại đa số chiến sỹ ra quân, riêng các đồng chí cán bộ, từ cấp Chuẩn úy trở lên được phân về các đơn vị thuộc Quân khu V, Tỉnh đội... Đội 170 đặc công nước Quảng Đà bị xóa tên. Đây cũng là một trong những điều mà đến nay, nhiều CBCS Đội còn băn khoăn, bởi các chế độ chính sách có phần thiệt thòi, chưa đảm bảo...

Tạm gác lại những trăn trở, băn khoăn ấy một bên, hôm nay, những người lính, những đồng đội từng một thời chung chiến dịch, cùng quyết tử cho Tổ quốc, cùng ngồi lại với nhau, mừng mừng tủi tủi ôn lại những trận đánh, những lần thoát khỏi sự truy sát của kẻ thù... Và với họ, được sống, được gặp lại nhau, được thấy sự thay đổi, phát triển của đất nước như ngày hôm nay đã là niềm hạnh phúc lớn lao nhất.

Doãn Hùng