Ký ức biển xưa & kinh tế biển bây giờ
Kỳ 1: Ký ức trù phú về biển Đà Nẵng
(Cadn.com.vn) - Đã từng có thời kỳ, ngư dân Đà Nẵng chỉ cần ra vịnh Đà Nẵng là đã có thể đánh bắt được rất nhiều hải sản. Nhưng sự trù phú ấy giờ chỉ còn trong ký ức. Nguồn lợi ven bờ cạn kiệt. Bây giờ, ngư dân đang hướng ra ngư trường xa nhưng gặp không ít khó khăn. Tôi gặp ngư dân để nghe họ nói về nỗi niềm làm kinh tế biển...
Ông Trần Văn Ổi (áo trắng) vẫn nhớ như in ký ức về ngư trường trù phú của biển Đà Nẵng xưa.
Vừa trở về sau chuyến đánh bắt gần bờ, ông Trần Văn Ổi (Thanh Khê Đông, Thanh Khê, Đà Nẵng) mệt mỏi: “Đi cả đêm mà chỉ được ít cá nhỏ, chuyến này lại lỗ tiền dầu nữa rồi”. Đã gần 40 năm đi biển nên ông Ổi hiểu vùng biển Đà Nẵng như trong lòng bàn tay. Ông biết vào mùa nào thì có loại cá gì, nơi nào thì có nhiều cá tôm. Dù kinh nghiệm nhiều, dù đã thực hiện theo câu “ruộng năng canh, biển năng hành” và hành trình đánh bắt xa hơn nhưng những năm gần đây, lượng hải sản mà ông Ổi bắt được giảm thấy rõ. Điều này cũng diễn ra với nhiều ngư dân đánh bắt ven bờ khác. “Không hiểu răng mà tôm cá ít quá, biển giả càng ngày càng khó chẳng giống như xưa, chỉ cần đi vài tiếng đồng hồ là đã trở về với nhiều loại hải sản”- ông Ổi hồi tưởng. Thật ra, chuyện ngày xưa mà ông Ổi nói cách đây không phải xưa lắm.
Trong ký ức của ngư dân Đà Nẵng, cách đây chưa đến 20 năm, trên ngư trường Đà Nẵng nguồn hải sản nhiều vô kể, còn vịnh Đà Nẵng được biết đến như túi chứa cá khổng lồ. Về đêm, chỉ với những chiếc đèn (không có bóng đèn công suất lớn như bây giờ), từng đoàn ghe bủa lưới trên khắp mặt vịnh và ghe nào cũng tôm cá đầy khoang lúc trở về. Ông Ổi kể: “Cá cơm, cá ngừ vào trong vịnh dày đặc, nếu đứng trên núi Sơn Trà nhìn xuống thì sẽ thấy từng luồng cá di chuyển, cá nhiều nên cả cá heo, cá mập cũng vào vịnh Đà Nẵng săn mồi. Biển lúc đó dễ làm và nhiều loại hải sản có giá trị lắm, nhiều khi cá mắc lưới nhiều quá thu không hết nên tôi phải thả lại biển”. Ông Cao Văn Minh, ngư dân ở P. Nại Hiên Đông (Sơn Trà) vẫn còn nhớ như in từng đoàn cá lầm, loại cá đặc sản ở vịnh Đà Nẵng, nổi dày đặc. Ông Minh kể: “Cá lầm gần giống với cá nục nhưng thịt của nó ngon và thơm hơn, dùng làm mắm thì hảo hạng nhưng mấy năm trước nó tự dưng biến mất, có lẽ nước biển ô nhiễm nên cá bỏ đi. Chúng tôi mất nguồn thu nhập lớn”. Không chỉ vậy, loại cá cơm than nguyên liệu dùng để sản xuất đặc sản nước mắm Nam Ô cũng chẳng còn nhiều như trước. Muốn có cá cơm, người làm nước mắn ở Nam Ô phải đi mua từ những nơi khác, điều mà trước đây chỉ cần ra vịnh Đà Nẵng là có thể đánh bắt được.
Ô nhiễm môi trường và đánh bắt theo cách hủy diệt đã làm nguồn lợi thủy sản ven bờ cạn kiệt.
Biển xưa trù phú là vậy. Nhưng bây giờ, vùng biển ven bờ Đà Nẵng đã cạn kiệt, không còn cảnh tượng từng đoàn ghe giăng lưới trên vịnh Đà Nẵng như trước, các đàn cá giá trị cũng dần thưa vắng. Để tiếp tục làm biển, ngư dân phải đi xa hơn, trang bị máy công suất lớn hơn nhưng cá chẳng bắt được nhiều hơn. Anh Phạm Bá Hùng, ngư dân đánh bắt ven bờ ở P. Thanh Khê Đông tâm sự: “Bây giờ phải đi ra từ 10 đến 20 hải lý mới có cá, mỗi chuyến như thế phí tổn cao lắm, nếu có cá thì kiếm được vài trăm nghìn nhưng nhiều lúc không đủ tiền dầu”. Có nhiều nguyên nhân khiến nguồn lợi hải sản bị suy giảm nhưng ô nhiễm môi trường biển và đánh bắt theo kiểu tận diệt là những lý do chính gây nên tình trạng trên. Nhiều ngư dân mà tôi gặp đều khẳng định rằng, trong vịnh Đà Nẵng và các bãi rạn san hô là nơi sinh sản của nhiều loại hải sản nhưng do nguồn nước ô nhiễm, tác động từ việc khai thác san hô và nhiều công trình lấn biển nên tôm cá mất nơi sinh sản, trú ngụ. Ngoài ra, hiện nay tình trạng ngư dân khai thác bằng lưới quét và cả mìn vẫn còn diễn ra. Anh Hùng kể: “Khi đi đánh bắt tôi gặp nhiều người dùng mìn đánh cá, mình đến khuyên thì họ còn dọa đánh. Sức công phá của mìn khiến cá lớn, cá bé đều chết, hệ sinh thái biển bị hủy diệt”. Điều này lý giải vì sao chỉ trong thời gian ngắn nguồn hải sản ở ven bờ biển Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung bị suy giảm nghiêm trọng.
Với những cách đánh bắt đó, ngư dân đã tự phá hủy ngư trường của mình, điều mà trước đây nhiều thế hệ đã cố công gìn giữ. Trong các tư liệu lịch sử còn lưu lại thì trước đây để bảo vệ nguồn lợi hải sản, các chuyên gia kinh tế biển của Nhật đã được mời đến Quảng
Biển bây giờ chẳng còn trù phú như xưa, nguồn lợi hải sản ven bờ đã cạn, nhiều ngư dân ấp ủ ước mơ vươn khơi...
(còn nữa)
Lưu Hoàng Anh