Báo Công An Đà Nẵng

Ký ức đẹp về Truyền hình An ninh

Thứ tư, 21/06/2023 22:29
Sáng đèn với những bản tin, phóng sự.

Ngày 19-8-1987, Chuyên mục Truyền hình Vì an ninh Tổ quốc (nay là chuyên mục Truyền hình An ninh Đà Nẵng) chính thức ra đời và phát sóng số đầu tiên trên Đài Truyền hình Đà Nẵng. Cùng thời gian này, Báo Công an Quảng Nam - Đà Nẵng (nay là Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng) cũng ra đời, song hành phát triển và đóng góp tích cực vào trận tuyến truyền thông khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Nhớ lại những ngày đầu là chàng sinh viên khoa Ngữ văn, cầm giấy chứng nhận đã tốt nghiệp Đại học, sau hơn 1 tháng lòng vòng làm cộng tác viên viết bài cho Báo Công an Quảng Nam - Đà Nẵng, Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng, tháng 7-1997, tôi chính thức được nhận hợp đồng tại Phòng Công tác chính trị Công an TP Đà Nẵng, bố trí làm phóng viên tại Chuyên mục Truyền hình Vì An ninh Tổ quốc.

Thời điểm đó, Chuyên mục phát sóng hằng tuần khoảng 25- 30 phút trên Đài Truyền hình Đà Nẵng (DVTV).

Phóng sự đầu tiên tôi thực hiện cùng với đồng sự Lê Phước Ngãi, vào trước tôi 6 tháng và phóng viên kỳ cựu Huỳnh Ngọc Hà tại Trường Phổ thông công nông nghiệp Tân Hòa (nay là Trường Giáo dưỡng số 3, Bộ Công an). Đề tài về những người thầy giáo đặc biệt, nhân kỷ niệm 20 năm thành lập trường (trường Giáo dưỡng số 3 được thành lập năm 1977). Lúc đó, tôi là anh học việc, học từ vác chân máy, cầm micro và... đợi sai vặt.

Bộ phận tuyên truyền lúc bấy giờ có 7 người, được chia 2 tổ, Truyền hình và Phát thanh. Truyền hình gồm: Thúy Hường, Ngọc Hà, Lâm Khánh, Đình Hiệp, Phước Ngãi và tôi Đức Lâm, ngoài ra còn có Ngọc Anh, cộng tác viên bên Biên phòng là em vợ Ngọc Hà; Phát thanh có anh Trần Thanh, chị Giang Đông. Chuyên mục còn có các cộng tác viên vệ tinh...

Chương trình Phát thanh “Vì ANTQ” do anh Trần Thanh và chị Giang Đông thực hiện, phát buổi trưa. Phát thanh Vì ANTQ được ra đời sớm hơn, sau những ngày giải phóng anh Trần Thanh được tăng cường từ ngoài Bắc vào, sau này mới bổ sung thêm chị Giang Đông.

Chuyên mục Truyền hình Vì ANTQ được duy trì đều đặn 1 tuần 1 số trên sóng Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng (DVTV) vào mỗi tối thứ 6, phát lại vào sáng thứ 7, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của bạn xem truyền hình Quảng Nam, Đà Nẵng. Lúc đấy, máy móc còn thô sơ, cả đội chỉ có 3 máy quay, 1 máy DP-200, 2 máy M9500, xài băng VHS. Phóng viên đi làm về viết tin ra trên giấy (loại giấy đen, bán vỉa hè đối diện chợ Cồn, mua theo kg). Sau khi biên tập, chị Thúy Hường đánh ra giấy bằng máy đánh chữ để lãnh đạo duyệt. Bản gốc lưu, bản phụ chuyển qua DVTV để Trưởng phòng chuyên đề duyệt tiếp trước khi dub âm phát sóng.

Một chút thư giãn với đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp.

Vì phương tiện, thiết bị còn thô sơ nên phần làm hậu kỳ phải làm ban đêm. Chưa vợ, nên tôi, anh Phước Ngãi ban ngày lăn lộn ngoài đường, lên rừng xuống biển, tối hì hà hì hục viết, sửa. Viết xong lại chép ra bản đẹp để lãnh đạo duyệt, duyệt xong đêm sau lại trắng đêm dựng cho xong phóng sự. Cái nào hay, có tính thời sự thì đem băng và bản tin viết trên giấy qua Đài phát ngay Đội Tuyên truyền thời tôi mới về, anh Lại Thế Hợi - Phó Trưởng phòng Công tác chính trị phụ trách. Tin bài viết xong chuyển chị Thúy Hường biên tập, đánh máy, anh Hợi hoặc anh Phan Văn Thước (Trưởng phòng) duyệt, đem qua Đài.

Anh Hoàng Xuân - Trưởng phòng Chuyên đề, cẩn thận chỉnh sửa biên tập từng tin bài với nét chữ rất đẹp, rõ ràng. Sau anh Hoàng Xuân đến chị Vinh, anh Trà Xuân Phương phụ trách chuyên đề DVTV. Sau nhiều lần thay đổi tổ chức bộ máy, Chuyên mục Vì ANTQ chuyển qua Phòng Thời sự thì đưa anh Xuân Thu, anh Đình Sang, Hoàng Thái, Ngọc Ánh... Ở Phòng Thời sự, chúng tôi được tham gia giao ban hằng tuần, kết nối với các văn phòng ở Tây Nguyên, Phú Yên và được nhận những mổ xẻ, góp ý thẳng thắn đầy tính học thuật trên tinh thần xây dựng. Bởi vậy, viết lách cũng được nâng dần lên.

Nhiều phóng sự, qua bàn tay nhào nặn của các phóng viên kỳ cựu Đình Sang, Hoàng Thái, Trương Vũ Quỳnh, các đàn anh Huỳnh Hùng, Xuân Thu... chỉ bảo, chúng tôi nâng tầm lên ngó thấy. Kỹ thuật lại có các anh Được Em, Minh Phúc, Bá Ngọc, Lâm Minh Sơn, Minh Hợp, Minh Nhật, Ngọc Thủy... mỗi lần qua dựng tin, phóng sự đều chỉ vẽ tận tình... Ngoài ra, chuyên mục còn được sự giúp sức của các giọng đọc “chìm” như Thu Hồng, Hoàng Lý, Đức Chung, Duy Hòa, Hoài Thu, Khánh Quỳnh... Cứ đem chuyên mục qua đài dub âm gặp ai đứng “xớ rớ” là dúi tập bản thảo nhờ đọc. Trung tâm phát sóng có các anh chị đạo diễn Hoàng Sơn, Ánh Nguyệt, Võ Thừa Tuyến, Khương Minh Phúc, chị Thanh Loan... những người vui tính, hiền hậu.

Hồi ấy, ngoài lương, Đài còn hỗ trợ mỗi chương trình 400.000 đồng, đủ để anh em, chú cháu dắt díu nhau ra quán cóc làm xị rượu đế với gói tré, ngồi tán gẫu.

Quay lại với Đội Tuyên truyền, cứ thế lớp trẻ chúng tôi trưởng thành “ông chú” Huỳnh Ngọc Hà, người phải mất khá nhiều thời gian để đặt tít; với các thủ trưởng Phan Văn Thước, Bùi Tấn Trung, Dương Xuân Bình, Lê Văn Sinh, Lâm Khánh, giờ là chị Trương Thị Thanh Hương.

Những năm 2000 trở về sau, Đức Lâm chuyển công tác, Ngọc Hà nghỉ hưu; chuyên mục lại được tăng cường Quốc Bình, Ánh Phượng, Tuyết Nhung; Thu Hiền, Tư Khương từ Công an tỉnh Quảng Nam về; Nhữ Phương Thảo từ Phòng Công tác Đảng qua; sau này tăng cường Đăng Khôi, Trường Thành, Ngọc Tân, Khánh Bảo, Bá Nhật, Việt Thành. Chuyên mục cũng vì thế có nhiều đổi mới về chất lượng...

Đối với đội ngũ Tuyên truyền, vui nhất vẫn là các kỳ Liên hoan Truyền hình CAND toàn quốc. Ở đó, lực lượng làm công tác tuyên truyền có dịp đem những đứa con tinh thần của mình ra thi thố, thử sức; có dịp giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ, trao đổi về nghề; có dịp được đi đây đi đó mở mang tầm mắt... Tự hào là trong rất nhiều kỳ Liên hoan, Đà Nẵng luôn nằm trong top đầu và chiếm được nhiều giải cao, các giải về phát thanh viên.

Thời gian như bóng câu qua cửa sổ, 36 năm không phải dài, nhưng cũng không ngắn, đội ngũ làm Phát thanh - Truyền hình An ninh ngày ấy, giờ có người thong dong “đường xưa mây trắng”, có người đã lên chức ông bà nội ngoại vui thú cảnh điền viên, người chuyển công tác, người vẫn tiếp tục hành trình...

Ghi lại để nhớ, đã có một hành trình dài 36 năm và những con người dễ thương như thế!

ĐỨC LÂM