Ký ức giải phóng của người Đội trưởng biệt động
Những ngày tháng 3 lịch sử, ông Dương Thanh Xu - nguyên Đội trưởng đội biệt động 3 Huyện đội Phú Vang (TT-Huế), người trực tiếp cầm súng chiến đấu bồi hồi, xúc động khi về thăm lại chiến trường xưa. Ông cùng đồng đội đã ôn lại những ký ức hào hùng trong thời khắc đưa quê hương Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng vào ngày 26-3-1975.
Ông Dương Thanh Xu kể lại những trận đánh trước ngày giải phóng Thừa Thiên Huế. |
Bị gãy 2 chân vẫn xin ra chiến trường
Chúng tôi tìm đến nhà ông Dương Thanh Xu trong con hẻm đường An Dương Vương (TP Huế). Ông Xu kể, năm 18 tuổi, ông tham gia cách mạng. Lúc đó, cấp trên chứng kiến, ở mỗi trận đánh, chàng thanh niên Xu ngày nào luôn bộc lộ sự thông minh, khéo léo trong việc nắm bắt tình hình nên ông được tuyển chọn vào quân đội. Ông được phân công làm Trung đội trưởng trinh sát 810 thuộc Tỉnh đội (nay là Bộ CHQS tỉnh TT-Huế). Năm 1971, ông Xu được điều động đến hỗ trợ tại Huyện đội Hương Trà (nay là TX. Hương Trà, TT-Huế). Tại đây, với vai trò là Đội trưởng Đội trinh sát, ông cùng đồng đội đã liên tiếp tổ chức nhiều trận đánh và tiêu diệt được hàng ngàn tên địch, thu giữ được nhiều tài liệu, vũ khí.
Giữa năm 1972, ông Xu cùng đồng đội trên đường lên quân cứ cách mạng ở Chi khu 17 ở H. Hương Trà để lên kế hoạch cho trận đánh sáng sớm hôm sau thì không may bị gãy cả 2 chân do vướng mìn của địch cài dưới lòng đất. Do thương tích quá nặng, ông Xu được đưa ra miền Bắc để chữa trị, an dưỡng. Nằm điều trị ở bệnh viện nhưng mỗi lần nghe đài phát thanh nói về chiến tranh miền Nam, lòng ông Xu quặn thắt. "Tôi nhớ đến chiến trường, nhớ anh em đồng đội nên xin về quê để tiếp tục cầm súng chiến đấu nhưng không được. Khoảng 1 tháng sau, khi vết thương có dấu hiệu hồi phục, tôi tiếp tục đến xin vào lại chiến trường Trị Thiên. Lúc này, đề nghị của tôi được đồng ý. Hôm đó, ngồi xếp mấy bộ áo quần và tư trang xong, tôi thức suốt đêm vì mừng quá không ngủ được. Và chỉ cầu mong trời mau sáng để lên tàu vào chiến trường", ông Xu nhớ lại.
Cuối năm 1973, ông Xu trở vào quân khu Thừa Thiên Huế. Ông làm trợ lý tác chiến tại Huyện đội Phú Vang kiêm Đội trưởng đội biệt động 3. Lúc này, các đội biệt động của H. Phú Vang được lệnh chốt trên các đồi 273 và núi Nghệ ở xã Lộc Bổn, H. Phú Lộc, cách căn cứ Phú Bài của địch 10 km đường chim bay. Ông Xu cho hay: "Ngày 5-3-1975, chúng tôi nhận lệnh về Huyện đội Phú Vang để họp khẩn. Đoạn đường chỉ cách 2 km đường chim bay, nhưng để vượt qua làn đạn pháo 105 và 155 ly của địch từ Trung tâm huấn luyện Đống Đa đóng ở Phú Bài, chúng tôi phải tìm những lối đi hiểm hóc trong rừng nên mất 5 tiếng đồng hồ mới đến nơi. Vừa đến nơi, đồng chí Phạm Kiến - Huyện đội phó Phú Vang thông báo kế hoạch tiến về đồng bằng chiến đấu giải phóng 5 xã: Phú Hồ, Phú Lương, Phú Xuân, Phú Mỹ và Phú An. Chiều tối hôm đó, Bí thư Huyện ủy Phú Vang Lê Hùng Vinh chủ trì cuộc họp, thông báo: Thời khắc đã điểm, điều mong đợi đã đến, các đồng chí chuẩn bị tinh thần sẵn sàng chiến đấu". Tất cả đồng thanh: "Quyết tâm, quyết tâm", "Chiến thắng, chiến thắng". Đêm hôm đó, chẳng ai ngủ được, cảm giác hồi hộp, lo âu bởi ngày mai sẽ đối diện với mưa bom, bão đạn, giữa sự sống và cái chết".
Súng H12 là hiện vật gợi đến ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế. |
Niềm vui vỡ òa
Theo lời kể của ông Xu, chiều 7-3-1975, ông cùng đồng đội có mặt tại Huyện đội Phú Vang để chuẩn bị hành quân, tránh được các chốt địch, nhưng đến sông Lợi Nông thì dân báo tin có 1 tiểu đoàn dù và 1 đại đội quân địa phương của địch đang phục kích. "Lúc này, tôi cử một số đồng chí đi trinh sát, đến cầu Miếu Bông (nay là cầu Lợi Nông) thì trúng mìn của địch, nhiều trinh sát hy sinh. "Lập tức, đại liên, trung liên của địch bắn xối xả về phía quả mìn vừa nổ. Chúng tôi dùng 4 quả B40 - B41 đáp trả, hỏa lực của chúng tắt lịm. Hôm đó, tất cả chiến sĩ tạm lánh trong nhà dân, lúc này mới biết tin đồng chí Nguyễn Đích - chỉ huy trưởng trận đánh đã hy sinh"- ông Xu xúc động.
Ông Xu chủ động ra lệnh cho 1 tổ 4 người bò vào chân cầu Miếu Bông để đánh và tiêu diệt hơn 40 tên địch. Trời sáng, mọi người bò ra cánh đồng Thủy Phương (Hương Thủy) sát hàng rào đài VOA của Mỹ để núp. Lúc này, 2 đội biệt động 50 người chỉ còn 25 người. Từ 8 giờ sáng 9-3, 2 chiếc máy bay trực thăng HUIA của địch lượn vòng tròn trên trời xả súng liên hồi xuống cánh đồng. Nhờ vụ lúa chiêm đang trổ bông nên mọi người không bị phát hiện.
Ngày 16-3-1975, ông Xu cùng đồng đội nhận lệnh rút về căn cứ. Đến chiều 24-3, có lệnh tập hợp toàn bộ lực lượng tiến về đồng bằng để sử dụng lực lượng vũ trang địa phương, trực tiếp đánh địch, hỗ trợ và vận động quần chúng nổi dậy, giành đất, giữ dân, đưa chiến dịch đến toàn thắng. Đêm 24-3 bắt đầu hành quân, rạng sáng 25 đến xã Vinh Hà thì gặp một toán tàn quân địch rất đông. Đồng chí Phạm Kiến ra lệnh bắt gọn đưa vào đình làng Vinh Hà để phân loại. Binh sĩ, hạ sĩ quan cho về nhà; còn sĩ quan từ thiếu úy trở lên chuyển lên Huyện đội Phú Vang để chuẩn bị đưa đi cải tạo. Trong ngày 25-3, Huyện đội Phú Vang cùng bộ đội chủ lực đánh tan 2 tiểu đoàn địch, 7 trung đội nghĩa quân, diệt 45 tên địch và bắt sống 725 tên. Có được chiến công đó, còn nhờ sự tham gia của quần chúng nhân dân các xã nổi dậy bắt sống địch, phá trụ sở của quân ngụy, thu vũ khí, trang thiết bị... "Khoảng 10 giờ đêm 25-3, tôi cùng các đồng chí dân quân khác lái chiếc Jeep lùn vào trinh sát quận lỵ Phú Vang. Chúng tôi giữ nguyên vẹn cơ sở vật chất, trang thiết bị của địch, đặc biệt là kho tài liệu chúng chưa kịp phá hủy. Và điều mong đợi đã trở thành sự thật khi đồng chí Lê Hùng Vinh tuyên bố Phú Vang đã hoàn toàn giải phóng. Mọi người như vỡ òa, ôm nhau vừa mừng vừa khóc khi nhớ lại những đồng đội của mình vừa ngã xuống cách đó mấy giờ"- ông Xu lạc giọng, nghẹn ngào.
H. Phú Vang giải phóng cùng thời điểm với thành phố Huế và trước đó, các huyện trên địa bàn tỉnh cũng đã giải phóng. Sáng 26-3-1975, lá cờ giải phóng chính thức tung bay trên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu, đánh dấu mốc lịch sử Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng.
HẢI LAN