Ký ức một thời dạy - học ở Lý Sơn
(Cadn.com.vn) - Những câu chuyện trong thời gian đầu tiếp quản, xây dựng ngành Giáo dục huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi sau ngày giải phóng đã gợi lên cho chúng tôi về một thời gian lao, vất vả nhưng rất đỗi hào hùng. Khi nhìn lại những thành quả của ngành Giáo dục huyện đảo Lý Sơn hôm nay, những người giáo viên ngày ấy, những thế hệ giáo viên hôm nay không khỏi tự hào.
|
Diện mạo giáo dục Lý Sơn thay đổi đã tạo điều kiện cho con em |
Những ngày gian khổ
Chúng tôi có dịp đến với Lý Sơn để được gặp gỡ, trò chuyện với những người giáo viên đầu tiên đại diện cho chính quyền cách mạng tiếp quản và xây dựng củng cố ngành giáo dục huyện đảo ngay sau khi vừa giải phóng. Chiến tranh đã lùi xa 42 năm nhưng trong ký ức của những người giáo viên làm nhiệm vụ tiếp quản vùng giải phóng vẫn còn nhớ như in về trận chiến giải phóng huyện đảo Lý Sơn.
Ở tuổi 70, nhà giáo Trương Đình Xuân vẫn giữ được sự nhanh nhẹn, minh mẫn. Ông là một trong những giáo viên được Đảng, Nhà nước lựa chọn, điều động tham gia đoàn cán bộ công tác chính trị làm nhiệm vụ tiếp quản vùng giải phóng Lý Sơn, ổn định tình hình an ninh trật tự, trấn an nhân dân huyện đảo. Nhớ lại thời khắc lịch sử đó, ông nhớ lại: Trước khi thực hiện tiếp quản huyện đảo Lý Sơn, chúng tôi đã được quán triệt rõ về nhiệm vụ trấn an dân chúng, làm sao để người dân hiểu rõ cách mạng, đồng thời giúp nhân dân nhanh chóng khôi phục, ổn định cuộc sống. Trong đó có nhiệm vụ ổn định, sắp xếp lại trường lớp, thực hiện biên chế lớp học nhằm khẩn trương triển khai hoạt động dạy học cho con em, người dân huyện đảo. Lúc bấy giờ trên huyện đảo Lý Sơn chỉ có một trường cấp 1, con em học sinh muốn học lên cấp 2 và cao hơn thì phải vào đất liền.
"Những ngày đầu bắt tay vào công cuộc xây dựng, củng cố, ngành giáo dục đứng trước muôn vàn khó khăn, từ việc thiếu giáo viên, giáo viên chưa được đào tạo chính quy, đến thiếu phòng học, bàn ghế, sách giáo khoa… Nhưng được sự chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy và chính quyền, ngành Giáo dục Lý Sơn đã vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của để xây dựng phòng học, bàn ghế. Với sự nhiệt tình cách mạng, tinh thần tự giác cao, ý thức trách nhiệm của người làm công tác giáo dục, đội ngũ thầy giáo cô giáo đã đem hết sức mình giảng dạy học sinh nhằm từng bước xây dựng nền nếp. Ban đêm không ngại khó khăn, gian khổ, dưới ánh đèn dầu, các thầy cô giáo đã đem hết nhiệt tình giảng dạy xóa mù chữ, đem kiến thức và những hiểu biết về cuộc sống mới đến với nhân dân, dù rằng bấy giờ chế độ lương không có, chỉ hưởng theo sinh hoạt phí", nhà giáo Trương Đình Xuân chia sẻ.
|
Trường lớp trên huyện đảo Lý Sơn ngày càng được đầu tư theo hướng hiện đại, |
Tận tâm, tận lực với nghề
"Không khí lúc đó rộn ràng lắm, ai cũng có nhiệm vụ của mình. Mọi hành động, việc làm đều cùng chung lý tưởng nên tâm trạng mọi người ai cũng phấn khởi, vui mừng không sao diễn tả bằng lời được. Bởi vậy, đứng trước bộn bề khó khăn mà không khí làm việc bao giờ cũng lạc quan, hăng say lao động, cống hiến", nhà giáo Trương Đình Xuân xúc động.
Có hơn 35 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục huyện đảo Lý Sơn, nay chuẩn bị nghỉ hưu, trong ký ức của nhà giáo Lê Nhụ - Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện đảo Lý Sơn, vẫn không thể nào quên về những kỷ niệm đầy gian khó với nghề. Thầy bùi ngùi nhớ lại: Lúc đó, để thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình, song song với việc ổn định và phát triển ngành học phổ thông, ngành học bổ túc văn hóa và mẫu giáo, bắt đầu hình thành. Các trường phổ thông đã thực hiện một hội đồng hai nhiệm vụ, vừa dạy phổ thông vừa dạy bổ túc văn hóa vào ngày thứ năm, chủ nhật và ban đêm. Phong trào được phát triển đều khắp ở các địa bàn trên huyện đảo nhằm tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ tạo điều kiện cho cán bộ, thanh niên, nhân dân chưa có điều kiện học tập trong những năm chiến tranh được tiếp tục học tập và nâng cao trình độ nghiệp vụ đáp ứng theo yêu cầu ngày càng cao của xã hội, của đất nước.
Nhìn lại Lý Sơn trên chặng đường cách mạng 42 năm qua, có thể nhận ra sự chuyển mình của huyện đảo phấn đấu vươn lên hiện đại và phát triển bền vững, mà rõ nét nhất là trên lĩnh vực văn hóa và giáo dục. Bởi nói như lời tâm sự của nhà giáo Lê Nhụ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, huyện đảo Lý Sơn cũng được thụ hưởng những chính sách quan tâm đặc thù. Cùng với đó là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục.
Đến nay, huyện đảo Lý Sơn đã hoàn thiện hệ thống giáo dục mầm non, đến bậc phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề. Đây chính là những nền tảng cơ bản, vững chắc để ngành GD-ĐT Lý Sơn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình với nhân dân, con em giữa vùng hải đảo còn lắm gian khó này.
Khải Minh
"Đến nay, trong tôi vẫn không thể nào quên về những ngày đầu tham gia củng cố, xây dựng lại trường lớp trên huyện đảo Lý Sơn. Những kỷ niệm đầy gian khổ, nước mắt và cả những sự hy sinh, mất mát, nhưng cũng rất đổi tự hào, vui sướng... Đó là giây phút giữa sống và chết khi chuyến đò từ đất liền bị sóng biển đánh chìm tất cả hàng hóa, gạo muối ra đảo. Tất cả chỉ chừng đó nhưng là cuộc sống của 10 giáo viên và gia đình trong cả một tháng trời, với vỏn vẹn đồng lương 36 đồng 4 hào. Điều đó khiến bản thân tôi cứ day dứt mãi khi mỗi lần gặp lại bạn bè, đồng nghiệp. Chúng tôi thường kể lại với các thế hệ giáo viên trẻ hôm nay trên huyện đảo Lý Sơn như để nhắc nhớ nhau về những ngày đầu lịch sử đó", nhà giáo Trương Đình Xuân - Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức huyện đảo Lý Sơn chia sẻ. |