Báo Công An Đà Nẵng

Ký ức ngày thống nhất

Thứ sáu, 29/04/2016 10:31

(Cadn.com.vn) - Năm nào cũng thế, cứ đến ngày 30-4, cựu chiến binh Đặng Hữu Hào (P.Hòa Cường Bắc, Q.Hải Châu, TP Đà Nẵng) lại bồi hồi nhớ về những ngày tháng Tư lịch sử hành quân thần tốc tiến về giải phóng Sài Gòn. "Tôi vui sướng khi đất nước không còn ngăn cách Bắc - Nam nhưng cũng buồn thương về hy sinh của đồng đội khi ngày giải phóng đã cận kề" - ông Hào tâm sự. Trong nhiều trận đánh khi hành quân tiến về Sài Gòn, ông Hào không quên được trận đánh mở "cánh cửa thép" Xuân Lộc.

Ngày đó, những người lính của Trung đoàn 270 (Sư 341, Trung đoàn 4) của ông Hào nhận lệnh phải đánh vào Thị xã Xuân Lộc, nơi Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu tung quân "tử thủ" để bảo vệ Sài Gòn. Bởi mất Xuân Lộc thì Sài Gòn cũng mất. "Ngày 9-4, đơn vị tôi bắt đầu tấn công vào Xuân Lộc, có thời điểm quân ta đã tiến vào thị xã nhưng sau đó phải lùi trở lại vì gặp hỏa lực mạnh của địch. Trong trận đánh đó rất nhiều đồng đội tôi hy sinh. Sáng đó, chúng tôi được phát mỗi người một nắm cơm. Trước trận đánh, Nguyễn Văn Soạn cùng tiểu đội nói hai đứa ăn nắm cơm của Soạn, dành nắm của tôi để chiều ăn. Trong đợt đầu xung phong tấn công vào cửa ngõ Xuân Lộc, Soạn trúng đạn hy sinh. Cầm trong tay nắm cơm còn lại tôi cứ day dứt" - ông Hào nghẹn ngào kể.

Ông Đặng Hữu Hào kể lại những kỷ niệm khi tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn.

Trước sức tấn công mãnh liệt của quân giải phóng, ngụy quân ở Xuân Lộc buộc phải tháo chạy. "Đánh xong Xuân Lộc, đơn vị tôi tiếp tục tiến về Sài Gòn. Lúc đó đơn vị tôi được giao nhiệm vụ là phải hành quân thần tốc, tiến vào cắm cờ ở Dinh Độc Lập. Tuy nhiên trên đường về Sài Gòn đơn vị tôi phải đánh giải phóng chi khu Trảng Bom trong ngày 27-4 và cả ở Hố Nai (Biên Hòa) nên không thể vào Dinh Độc Lập.  Sau khi biết mất Trảng Bom, ngụy quân dội pháo vào nơi đây, đơn vị tôi phải rút ra ngoài. Tuy nhiên tôi và 8 đồng chí khác phải ở lại để chống phản kích và thu gom thương binh, tử sĩ"-ông Hào nhớ lại...

Những ngày cuối tháng 4-1975, cả nước ngóng chờ tin thống nhất và những cánh quân ào ạt tiến về Sài Gòn. Và trưa 30-4-1975, những chiếc xe tăng của quân giải phóng đã húc sập cửa Dinh Độc Lập, kết thúc 30 năm chiến tranh, non sông quy về một mối. "Ngày 30-4, khi đơn vị tôi hành quân đến Biên Hòa thì nghe tin quân ta đã cắm cờ trên Dinh Độc Lập. Chúng tôi mừng khôn xiết, nhiều anh em ôm nhau khóc. Chiều 30-4-1975, đơn vị tôi đánh vào một căn cứ bên ngoài sân bay Biên Hòa. Khi bắt được chỉ huy căn cứ, tên này nói vẫn chống cự vì không tin Sài Gòn đã được giải phóng. Ngày 1-5,  đơn vị tôi tiến về đóng giữ ở phía sau Dinh Độc Lập. Nói thật đến lúc đó tôi mới dám tin rằng Sài Gòn được giải phóng"-ông Hào bồi hồi kể.

Ông Nguyễn Nhân Mùi (trái) chụp hình kỷ niệm cùng đồng đội
sau khi tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Còn với ông Nguyễn Nhân Mùi, cựu chiến binh Trung đoàn 95 (Sư đoàn 325), đơn vị tham gia đánh vào thị xã Xuân Lộc thì nhớ như in những ân tình và sự chào đón của người dân miền Nam với quân giải phóng: "Lúc đó bị thương và mắc kẹt trong một bụi rậm ven suối, nhưng may có một người dân địa phương cứu và đưa về đơn vị, sau đó tôi lại được vào nhà ân nhân này ở một thời gian. Tôi nhớ bác ấy tên Tùng, bảo đã ngóng chờ ngày đất nước thống nhất lâu lắm rồi. Đại đội tôi lúc đó chỉ còn vài người bị thương nhưng vẫn theo đoàn quân tiến về Sài Gòn, bởi chẳng ai muốn bỏ lỡ giây phút chứng kiến nước nhà thống nhất. Ngày 30-4, chúng tôi vào Sài Gòn và đóng quân cách Dinh Dộc Lập không xa. Thấy chúng tôi, ban đầu người dân e ngại, nhưng sau thấy bộ đội chẳng giống như chính quyền ngụy tuyên truyền nên bà con đến cho quà nhiều lắm. Có một ông lão đến ôm chúng tôi khóc và nói "Cuối cùng nước Việt Nam cũng đã thống nhất rồi"...

41 năm trôi qua, nhưng cảm xúc vui sướng vẫn tràn ngập trong tim những cựu chiến binh như ông Hào, ông Mùi khi nhớ về ngày 30-4-1975.

Hoàng Anh