Ký ức phà Tân An
Và đương nhiên bến phà Tân An cùng những chuyến phà ngày nảo ngày nào giờ cũng dần chìm vào quên lãng. Hơn nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất (đó là tôi muốn tính thời gian vùng đất này được giải phóng từ năm 1972) mà gần hơn là khoảng thời gian huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam được thành lập năm 1985, tức là thời điểm đất nước bắt đầu bước vào thời kỳ đổi mới đến nay đã một trời một vực.
Tôi đã đọc và thương quá quê mình qua những câu văn của cố nhà văn Lê Trâm khi về lại nơi này. Đó là “con đường thâm nhập nhựa đâu chừng hơn 3m bề rộng, lổn nhổn đá sỏi, đầy ổ gà ổ trâu, nhiều đoạn trơ đất, mùa nắng thì bụi mù mịt, mùa mưa bùn đất nhão nhoẹt, ngoằn ngoèo, cứ như muốn thách thức ý chí người đi đường. Những thửa ruộng be bé, cái cao cái thấp gối lên nhau, nước kiên trì chảy rỉ rả từ các chân ruộng trên cao đổ xuống tạo nên những chùm âm thanh đặc trưng của vùng này...” Bởi vậy, khi bước vào cấp ba, hơn 10km từ nhà lên trung tâm huyện mà anh em tôi phải trọ học, mỗi tuần mới về nhà một lần để chở gạo, củi lên cho một tuần kế theo. Bạn bè tôi ở các xã phía bên kia cầu Hiệp Đức bây giờ thì cách trở đò giang. May thay tại bến sông này có một bến phà từ thời Pháp để lại. Nhưng là phà nhỏ, lại chuyên chở vài chuyến trong ngày nên muốn qua lại thường xuyên hơn, kể cả việc học hành chủ yếu vẫn phải đi trên những chuyến đò chòng chành bé xíu, rất nguy hiểm.
Một cán bộ nguyên lãnh đạo huyện tâm sự, bây giờ địa giới có thay đổi, số xã tăng lên, chứ hồi mới thành lập huyện phía bên kia bến phà Tân An chỉ có ba xã đó là Quế Tân, Quế Bình, Quế Lưu, còn phía bên này từ huyện đến ngã ba Phú Bình chỗ nhà tôi ở là Quế Thọ. (Huyện mới thành lập gồm các xã Bình Lâm, Thăng Phước (Thăng Bình); Phước Gia, Phước Trà (Phước Sơn); Quế Tân, Quế Bình, Quế Lưu, Quế Thọ (Quế Sơn). Sau này Quế Thọ được chia ra để thành lập thị trấn Tân An nay là thị trấn Tân Bình. Toàn những vùng khó khăn gộp lại.
Bến phà Tân An với tôi đó là một vùng ký ức thật đẹp. Trước hết, cảm nhận trong tôi đây là một vùng quê thơ mộng, yên bình với dòng sông, bờ bãi, con đò, những chuyến phà... như những nét vẽ trong bức họa đồ xứ sở yêu thương. Nhớ nhất những chiều, hoàng hôn buông xuống, màu nước, màu trời như pha loãng. Đó là lúc ta có thể nhìn rõ những ráng mây ngũ sắc như sà xuống thật thấp, như trò chuyện cùng những xóm nhà còn thưa thớt, những khu vườn cây xanh yên tĩnh, những cồn bãi hoang sơ... Nhìn cảnh quê ấy trong tôi cứ man mác lời bài hát Trung du của nhạc sỹ Phan Văn Minh nghe sao lắng lại: “...Và em trung du đôi mắt sáng như hồ đầy/Mà em thương ai em giấu câu hát sau ngọn đồi/ Có mong có chờ, bến trong hay bến đục cũng từ nguồn lòng em/Nước trong hay nước đục sẽ chảy về đồng xanh/ Nước trong thay nước đục thấm vào lòng trung du...”.
Thế hệ học trò của chúng tôi ngày đó hầu hết là con nhà nghèo nhưng có niềm vui lớn, khi mái trường cấp 2,3 Hiệp Đức ra đời sau khi huyện được thành lập. Bởi trước đó, thế hệ đàn anh chị trước tôi, sau khi học hết cấp hai muốn theo học cấp ba phải khăn gói xuống các trường vùng xuôi ở Quế Sơn hay Thăng Bình để học. Con chữ cũng như con đò đều nhỏ bé mong manh, dễ vỡ..
Quay lại chuyện về phà Tân An, quả là lúc đó tôi chưa hiểu nhiều về nơi này chỉ nghe các bậc cao niên kể lại, nơi đây nước sông chảy rất xiết không thể làm cầu. Ngày trước những kỹ sư cầu đường người Pháp đã khảo sát để xây cầu nhưng bó tay nên mới làm phà. Bởi vậy, sau ngày đất nước thống nhất người quê vẫn chưa dám mơ có một cây cầu. Thế rồi cũng thật lâu, mọi chuyện lại khác đi, những chuyến phà cũng dần lùi vào quên lãng khi tôi đã rời mái trường Hiệp Đức thân yêu. Đặt dấu chấm hết phải kể đó là mốc điểm ngày 3-7-1997, tại bờ đông sông Tranh, thuộc khối phố An Tây, Tân An (nay là thị trấn Tân Bình) diễn ra lễ khởi công xây dựng cầu Hiệp Đức. Ba năm sau vào ngày 30-8-2000, lại tiếp tục diễn ra lễ khánh thành thông xe cầu Hiệp Đức. Và như vậy, ước mơ ngàn đời của người dân quê tôi đã thành hiện thực.
Tuy không trực tiếp chứng kiến sự kiện khánh thành cây cầu nhưng qua lời kể của bạn tôi, người dân hai bên bờ sông hôm ấy đến dự đông lắm, ai cũng muốn đặt tay lên thành cầu để được nghe tay mình ngỡ ngàng chạm đến giấc mơ. Nhiệm vụ giao thông đi trước mở đường với đầy đủ ý nghĩa nội hàm của từ này khi mà cầu Hiệp Đức hoàn thành, tuyến đường QL14E và tuyến ĐT 105 được nâng cấp đã tạo nên tuyến giao thông thông suốt từ đồng bằng lên vùng trung du, miền núi. Bắt đầu từ đây giao thông không chỉ tạo đà phát triển cho huyện Hiệp Đức mà còn cho cả một vùng rộng lớn phía Tây của tỉnh Quảng Nam.
Gắn bó với bao năm tháng vui buồn khi phà Tân An không còn trên thực tế nhưng nó lại đằm sâu trong khoảng nhớ thương, ký ức của mỗi người con Hiệp Đức dẫu đi đâu về đâu, vẫn thoáng ẩn hiện bến xưa lá hoa về chiều khi trở lại mảnh đất nơi này. Có người con gái đi lấy chồng xa, chiều chiều ra đứng ngõ sau, có người con trai vì cuộc mưu sinh đành phải xa xứ đâu thể không khắc khoải khi nghe câu ca vọng ra từ hai vách núi: Ngó lên hòn Kẽm Đá Dừng/ Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi...”.
Và thêm điều khá lạ, khi nói về bến phà Tân An, khi nói về dòng sông, bến nước, con đò quê xứ đến bây giờ tôi vẫn không thể giải thích được sự kiến tạo của tự nhiên. Đó là sông Trầu quê tôi, xuất phát từ cách mạch nguồn núi non ở Quế Thọ, là con sông thứ hai của tỉnh Quảng Nam cùng với sông Tiên ở Tiên Phước có nước chảy ngược một cách kỳ lạ... nhưng bây chừ thì đã không còn cách trở đò giang. Bến phà Tân An huyện Hiệp Đức cũng như người con gái tôi thương ngày phượng thắm sân trường xưa chỉ còn trong ký ức...
Tạp bút: Võ Văn Trường