Báo Công An Đà Nẵng

Ký ức PHỞ

Thứ hai, 13/12/2021 15:00

Phở là ký ức của gia đình tôi. Những năm tháng đó, Nha Trang có nhiều tiệm phở nổi danh. Đó là tiệm phở Hợp Lợi trên đường Lý Thánh Tôn, nay nghe nói chủ nhân đã bán nhà sang Mỹ định cư, quán đã trở thành quá khứ. Một tiệm phở khác là Tân Thành nằm trên đường Trần Quý Cáp, đến nay hơn 50 năm vẫn còn bán, ông chủ thứ hai cũng đã 70 tuổi, lần ghé lại mới nhất của chúng tôi thì ông vẫn còn bán nên đã bạc đầu.

Phở trở thành món ăn sáng phổ biến hiện nay.

Năm đó cả gia đình thuê một căn phòng nhỏ 15m2 ở một khu vực cho thuê nhà chen chúc. Căn phòng nhỏ, chỉ vừa đủ để một cái giường và một tấm nệm. Vợ tôi thì bán hàng ở chợ Xóm Mới, còn tôi thì sửa xe đạp ở góc chùa Linh Thứu trên đường Ngô Gia Tự. Vào thời điểm đó, hai đứa con gái còn nhỏ, học tiểu học, kinh tế gia đình vô cùng khó khăn. Loay hoay mãi tôi mới mua được một chiếc cánh én cũ, để chở con đi học và đón về. Buổi chiều thì ra chợ dọn hàng cho vợ. Khi đó hàng bày ở đất vì chợ chưa phân lô sạp, nói chung là buôn bán rất cực. Nguồn thu bán hàng và sửa xe đạp chỉ gọi là đủ nuôi con ăn học và đóng tiền nhà thuê.

Phở khi đó không phải là món ăn sáng hoặc thích là đi ăn như bây giờ, đó là một món ăn quý tộc. Cả gia đình trong những ngày đặc biệt mới ăn phở, và quán phở ăn nhiều nhất là phở Tân Thành. Cứ mỗi ngày Tết, tôi vẫn đi sửa xe đạp vì những ngày này người ta đi chơi nhiều, khách rất đông nên dễ kiếm tiền. Đến mồng 4 thì tôi mới nghỉ sửa xe, khi đó cả nhà ăn Tết. Ăn Tết đơn giản là sáng sớm hai vợ chồng và hai đứa con gái cùng "chất" lên chiếc xe gắn máy cũ, ra Tân Thành ăn phở, thường món ăn quen là tái nạm.  Tô phở ngày mồng bốn Tết có thể nói rất ấn tượng và rất ngon.

Nhưng phở ngon thì đâu phải ngày nào cũng được ăn phở?  Phần vì công việc, phần vì tiền bạc không nhiều. Mỗi buổi sáng tiền phát cho hai đứa ăn sáng cũng đủ để mua xôi hoặc bánh mì hoặc tô bánh canh là hết. Phở như thế luôn được nghĩ đến vào dịp lễ, Tết hoặc một ngày vui nào đó.

Hôm đó, nhà bà chủ chúng tôi thuê ở nấu phở. Phở có cái kỳ lạ là nồi nước dùng khi nấu lên cứ lan ra, kích thích vào lỗ mũi người khác. Bà chủ nhà gọi hai đứa: "Hai đứa có ăn phở thì đem tô lên đây bà múc cho", nhưng hai đứa lắc đầu: "Dạ không". Chắc chắn mùi phở kích thích hai đứa con gái của tôi, nhưng "lòng tự trọng" cả hai nhất quyết không ăn ké của người khác.  Hai đứa chỉ vào phòng, nói với chị: "Mẹ ơi, hôm nào nấu phở ăn nghe mẹ".

Vài ngày sau thì nhà nấu phở. Chọn ngày chủ nhật chị đi bán nghỉ buổi chiều. Vì căn phòng cho thuê chật, cho nên bếp là kê tạm bên chái nhà bà chủ, che một miếng tôn bên trên để tránh nắng mưa. Hai đứa con xúm xít rửa rau, xắt hành... Không khí cả nhà vui nhộn hẳn lên.  Chị dặn hai đứa con đang chơi ngoài sân chung, coi chừng nồi xương hầm làm nước dùng, chạy ra chợ mua thêm ít đồ. Buổi tối, những tô phở "nhà nấu" dọn lên, cả nhà ăn ngon lành, ai cũng khen ngon. Đó cũng là lần duy nhất chị vợ nấu phở ở nơi nhà thuê.

Câu chuyện những tô phở hôm đó đã rơi vào quên lãng.  Dịp hè, hai đứa trưởng thành, đi học đại học, rồi lập nghiệp ở Sài Gòn và Hà Nội cùng về thăm nhà, chị lại nấu phở. Tô phở bây giờ khác xưa, và trong bửa ăn, con gái lớn kể chuyện hôm nấu phở ở căn nhà thuê: "Hôm đó, hai đứa con lỡ làm đổ gần một nửa nồi nấu nước dùng, sợ quá đổ nước lạnh vào. Lúc ăn, thấy ba mẹ khen ngon hai đứa con mới hết lo". Vậy mà cũng đã gần 30 năm.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG