Báo Công An Đà Nẵng

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 40 NĂM GIẢI PHÓNG MIỀN NAM (1975 - 2015):

Ký ức Tây Trường Sơn (3)

Thứ tư, 11/03/2015 10:00

Bài cuối: Trường Sơn trong trái tim người lính

(Cadn.com.vn) - Chúng tôi đi trên đất Lào gần hai tháng. Từ Sepol (Savanakhet) qua các tỉnh ven Trường Sơn như Salavan, Atopư. Vào đầu tháng 3, chúng tôi vượt qua cao nguyên Boloven. Địa danh này tôi đã học trong lịch sử, bây giờ mới gặp. Vùng cao nguyên này chẳng có bản làng nào cả, toàn cây dầu cao vút, trơ trọi lá cành. Chỉ có những ngôi biệt thự đã thành phế tích. Có lẽ đây là những biệt thự nghỉ mát của người Pháp xưa, giống như Tam Đảo, Bạch Mã, Bà Nà... ở Việt Nam. Hành quân tới tận 8 giờ tối mới tới bãi khách ở chân cao nguyên phía bên kia. Đó là ngày hành quân dài nhất, đứa nào cũng bải hoải chân tay như ốm dậy.

Ở Trường Sơn, từ “bãi khách” được nhắc đến nhiều nhất. Bãi khách là một khu rừng nơi bộ đội đóng quân, nấu cơm, sinh hoạt, mắc võng ngủ qua đêm để mai đi tiếp. Bãi khách phải ở cạnh nguồn nước, để bộ đội  nấu ăn, tắm giặt, trên đầu là rừng cây rậm rạp để giữ bí mật. Đến bãi khách, việc đầu tiên là kiếm chỗ mắc tăng, võng. Tăng là mái nhà (nhà thơ Nguyễn Duy có bài thơ Bầu trời vuông là nói về mái tăng bộ đội thời ấy), võng là giường ngủ. Sau mới đến chuyện làm  bếp, chỗ nấu ăn. Một Binh trạm của 559 tương đương một Trung đoàn, gồm  nhiều Trạm giao liên nối nhau. Từ trạm này qua trạm khác độ một ngày đường, tức khoảng từ 6 đến 8 tiếng đồng hồ hành quân bộ. Đến nơi, giao quân cho Trạm khác tiếp tục dẫn đường. Tổ chức như thế rất chặt chẽ và an toàn. Có đêm Trạm giao liên đón tiếp hàng chục tiểu đoàn, mỗi đơn vị được bố trí một “bãi khách”.

Rừng Lào mùa khô trụi lá, cây lại thấp nên tìm khó  ra chỗ mắc võng. Cả tiểu đội tôi phải chặt mấy cây lớn  chôn cọc, rồi buộc hai cây nằm ngang để mắc võng. Mắc võng  kiểu đó lại vui vì gần nhau nên nói chuyện rôm rả thâu đêm. Nghe nói từ đây bắt đầu đi đường bằng, không phải leo dốc nữa, đứa nào cũng mừng. Một thói quen đã khắc sâu vào trí nhớ, đến giờ tôi vẫn không quên là cứ mỗi sáng thức dậy ở bãi khách, trung đội tập hợp điểm danh. Điểm danh xong trung đội trưởng bao giờ cũng nhắc một câu đã thuộc nằm lòng: “Các đồng chí kiểm tra trang bị vũ khí coi có quên thứ gì không: Ba lô, súng đạn, lựu đạn, cuốc xẻng, tăng võng, bao gạo, bình tông, dao găm, song nồi, khăn mặt...”. Nghĩa là xưng hết tất cả những thứ mà người lính phải mang theo dọc đường đi. Thế mà có đứa còn quên do mệt hoặc đau ốm...

Tiểu đội của Ngô Minh-(tác giả bài viết) trước khi vượt Trường Sơn.

Qua cao nguyên Boloven là gần đến thị trấn Atopu, thấy cảnh sinh hoạt của  các bản Lào ở đây giàu có hơn, họ ăn mặc Âu hơn, diện hơn các tỉnh phía ngoài. Vì mai là ngày “chủ nhật” nên lính tha hồ đổi chác. Có đứa  buộc lủng củng trên ba lô hàng xâu gà. Mấy anh em tiểu đội tôi cũng mở ba lô lục lọi tất cả những thứ gì có thể đổi được mà không ảnh hưởng lắm đến sinh hoạt, để gom đưa cho Đảm và Trung đi đổi. Hai đứa đổi được 4 kí gạo nếp, hai chai rượu, 2 con gà. Rồi Trạm 80 cấp cho gạo, thịt, mắm, nên bữa ăn chiều rất rôm rả. Thế mà hai ngày hành quân căng thẳng, tôi mệt không nuốt được cơm, thằng Thước thì sốt li bì không ăn gì được. Hôm qua thằng Tùng (cũng lính Đại học Thương nghiệp như tôi) sốt phải đi trạm xá cấp cứu, không kịp hành quân cùng Sư đoàn. Thế là mất thêm thằng bạn...

Sau này tôi mới biết nó ra Bắc từ trận ốm đó, làm việc tại một công ty ăn uống quốc doanh ở Nam Định. Trên đường hành quân nhiều đứa bị nạn một cách  bất ngờ lắm. Thằng Khỏe ở A3 (tiểu đội 3), đen như củ súng, khỏe như trâu, thế mà do đói, nó thấy có cây giống cây môn dưới suối, nhổ luộc ăn, thế là sùi bọt mép, cấm khẩu, phải đi cấp cứu, không biết tính mạng nó ra sao, chỉ biết nó không trở lại đơn vị nữa...

Trong lúc cả tiểu đội đang ăn cơm thì nghe tin dữ: thằng Hợi, lính cùng B2 (B là trung đội) đi ném cá cải thiện bị thác cuốn chết. Thật đau khổ cho gia đình nó đang mong đợi từng ngày ở hậu phương. Cái chết luôn rình rập mỗi người lính vượt Trường Sơn từng giây từng phút. Bom nổ chết, thám báo bắn chết, dẫm mìn claymor chết, lũ rừng cuốn chết, bò cạp rừng đốt chết, cây đổ chết, ăn phải rau độc chết...Ở binh trạm Trường Sơn, anh em giao liên kể về những cái chết rất thương tâm.

Có chiến sĩ đi đào củ mài để cải thiện. Củ mài Trường Sơn rất ngon, càng về đầu mút củ càng ngon, bột  nhiều nên lính ta đào khoét đất sâu cả mét rưỡi để lấy cho hết  củ mài. Đào xong cúi xuống, lấy tay moi củ lên, bỗng hố đất sâu cả mét sập, vì một mình nên không làm sao thoát lên được. Cả Tiểu đoàn phải phân công nhau túc trực ba ngày mới vớt được xác Hợi. Người Hợi  trương phồng, co quắp và đã bốc mùi. Cấp trên phải điều ca-nô chở đi chôn trong đêm?...

Chiến sĩ TNXP dẫn đường cho bộ đội trên đường Trường Sơn.

Những ngày trung tuần tháng 3-1973, dọc đường mòn hành quân dưới rừng già trên đất Lào. Những ngày ấy đám lính bàn tán xôn xao chuyện Quốc vương Campuchia Sihanouk về thăm Campuchia bằng đường bộ Trường Sơn.  Hôm đó, chúng tôi thấy một đoàn bộ đội Việt Nam rất đông đang khiêng một chiếc cáng trĩu nặng đi ngang qua lối mòn gần bãi khách chúng tôi. Những người  khiêng cáng bước đi từng bước thận trọng lắm. Chiếc cáng (hay võng?) được trùm kín mít bằng  loại vải Tô Châu còn mới.

Vài ngày sau, trưởng Trạm giao liên ghé tai tôi thì thầm: Quốc vương Sihanouk về thăm Campuchia, vừa đi qua đây. Cả Binh trạm được lệnh tuyệt đối giữ bí mật và triển khai quân bảo vệ chu đáo. Tôi cứ tưởng đây là chuyện đồn thổi của mấy ông Binh trạm dọc Trường Sơn, không ngờ sau này mới biết chuyện ấy có thật..Thì ra đến vua cũng phải hành quân vượt Trường Sơn, nói gì đến lính tráng binh nhì như tôi. Ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn ở Quảng Trị có ngôi mộ của  đại tá Đặng Tính, Chính ủy bộ đội Trường Sơn. Theo ghi chép “Thấp thoáng Trường Sơn” của nhà văn Trần Nhương thì “Đại tá Đặng Tính đã hy sinh trên đường đi tiền trạm cho Quốc vương Sihanouk vượt Trường Sơn về Campuchia”. Sau này xem sách tôi mới biết chuyến đưa Sihanouk về Campuchia ấy kéo dài từ 27-2 đến ngày 17-4-1973...

Chỉ một cung đường Tây Trường Sơn mà biết bao nhiêu câu chuyện, để mỗi người lính như chúng tôi từng đi qua đều có một Trường Sơn của riêng mình mãi mãi in đậm trong ký ức...

Ngô Minh