Ký ức về "Tết Độc lập" đầu tiên trên quê hương mới giải phóng
Ký ức hiện về như thước phim quay chậm mở ra trước mắt tôi. Cờ tung bay trên từng ngôi nhà, trên những con đường làng, cờ bay trên sân trường, sân đình. Từng dòng người nô nức kéo về sân đình nơi cây đa cổ thụ cao to nhất làng để dự Lễ Quốc khánh 2-9. Thanh thiếu niên hát vang những bài ca cách mạng, những bài ca mới biết, mới thuộc trong khoảng 4 tháng (kể từ sau ngày đất nước giải phóng) do cán bộ đoàn, cán bộ văn hóa và có cả mấy chú bộ đội đóng quân trong làng tập cho…
Ngày hôm ấy, tiếng nói cười, niềm hân hoan hòa trong tiếng nấc nghẹn khi lần đầu tiên, người dân được đón mừng ngày Quốc khánh trong bối cảnh đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất, người dân hoàn toàn tự do. Lúc đó, đơn vị bộ đội phòng không vẫn còn đóng ở xóm tôi làm nhiệm vụ bảo vệ bầu trời, sẵn sàng chống lực lượng tàn dư của địch phá hoại tại một số vị trí xung yếu như sân bay Chu Lai, một trong những căn cứ quân sự lớn của Mỹ - ngụy ở miền Nam… Những đoàn người đi về phía đình làng trên tay cầm lá cờ giấy với niềm hân hoan phấn khởi. Đến nơi họ cùng nắm tay nhau, hát vang. Nụ cười rạng rỡ trên môi những người trẻ, nước mắt hạnh phúc lăn dài trên gương mặt người già.
Trong ký ức của nhiều người, khoảng một tuần trước ngày Quốc khánh năm 1975, đêm đêm ở sân trường học, sân đình… đều rộn vang tiếng hát. Những trái tim nồng nàn như đập cùng một nhịp, từ những người cao tuổi đến các cháu thiếu niên, từ những cán bộ tập kết ra Bắc, những người thoát ly hoạt động cách mạng trên căn cứ trở về với quê hương sau ngày chiến thắng, những bác nông dân, những chú bộ đội đóng quân trong làng, những người từng tham gia ngụy quân… cùng ca vang những bài hát về Mùa Thu cách mạng, về vị Cha già của dân tộc như "19 tháng 8", "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng", " Giải phóng miền Nam"… Mỗi người như được tiếp thêm một nguồn năng lượng mới. Không khí làm việc khẩn trương, hối hả hơn. Tất cả cùng náo nức đón đợi ngày Tết Độc lập đầu tiên. Niềm vui sướng, hân hoan hiện rõ trên từng khuôn mặt. Với giọng hồ hởi, họ kể chuyện cho nhau nghe sau gần 20 năm xa cách, kẻ Bắc người Nam. Có người lính cách mạng, cán bộ tập kết ra Bắc trở về với quê hương bỗng lặng đi chừng vài phút, tay chú run run, đôi mắt nhòe lệ. "Giá như ngày hôm nay, nhân dân miền Nam được đón Bác vào mừng ngày Quốc khánh trong không khí toàn thắng thì niềm vui của đồng bào, chiến sĩ được trọn vẹn hơn biết bao"- giọng ông chùng xuống, run run. Như ngày Tết vắng bóng Cha! Bởi sinh thời khi còn sống, Bác hằng mong ước và Nhân dân miền Nam cũng ngày đêm ước mơ: Ngày đất nước chiến thắng, hòa bình, Nhân dân miền Nam được đón Bác vào thăm, nhưng Bác đã mãi đi xa trước ngày đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối. Trong niềm hân hoan, sung sướng, hạnh phúc đón ngày Tết Độc lập đầu tiên là nỗi thương tiếc, nhớ đến Bác Hồ kính yêu, vị cha già của dân tộc. Họ khóc - cười, cười - khóc đan xen trong ngày hôm ấy…, để rồi cùng cất vang bài hát "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" sau đó.
Trong những câu chuyện được kể vào ngày 2-9-1975 ở quê tôi là chuyện về sự hy sinh của hậu phương miền Bắc trong những năm kháng chiến chống Mỹ gian khổ, ác liệt, do các chú cán bộ trong làng tập kết kể cho bà con nghe. Đêm đó, làng tôi diễn văn nghệ mừng Quốc khánh 2-9. Lần đầu tiên được xem một chương trình văn nghệ mới, dân làng tôi vô cùng háo hức xen lẫn tò mò. Họ hẹn nhau đi thật sớm để có chỗ ngồi ở những vị trí hàng đầu, gần sân khấu. Sau mỗi tiết mục biểu diễn là những tràng pháo tay, tiếng hò reo tán thưởng vang dội… Chương trình văn nghệ kết thúc nhưng ai nấy vẫn chưa muốn ra về, cứ mong sao đêm diễn kéo dài mãi… Tết Độc lập đầu tiên trên quê hương tôi y như ngày hội, khắp các nẻo đường quê dẫn về xóm, về nhà tấp nập, rộn rã tiếng cười… Trong niềm hân hoan xúc động, tự hào, vui sướng, người dân lại càng cảm phục, thấm thía sự hy sinh xương máu, sự vượt khó của người chiến sĩ cách mạng trong những năm kháng chiến cứu nước…
Khi đó, tuy chưa thật sự hiểu hết được ý nghĩa của từ "Tết Độc lập", nhưng tôi thấy rõ niềm vui, hạnh phúc, sự hân hoan của bà con trong gia đình và mọi người trong xóm; cảm giác như cuộc sống của mọi người đang bước sang một trang mới. Sau này lớn hơn, có đủ nhận thức, tôi hiểu rõ, Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh (2-9-1945) là sự kiện trọng đại, là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, đánh dấu sự đổi đời chưa từng có đối với mỗi một con người, từng gia đình, đó là: từ người nô lệ trở thành người làm chủ đất nước. Theo dòng thời gian, trải qua thăng trầm, tôi càng thấm thía giá trị lớn lao của sự độc lập, tự do.
Lê Văn Huân