Kỷ vật “kể chuyện” Mẹ Việt Nam anh hùng
(Cadn.com.vn) - 40 kỷ vật đang trưng bày, giới thiệu tại không gian Quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) là 40 “câu chuyện” cụ thể của 40 bà mẹ VNAH nhưng đã khái quát một bức tranh sinh động về sự hi sinh thầm lặng mà cao cả của các Mẹ.
Đoàn học sinh về dâng hương trước Tượng đài Mẹ VNAH. |
Trong những dòng người “về với Mẹ”, có các em học sinh là Đội viên Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh Trường TH Trần Quý Cáp, TP Tam Kỳ (Quảng Nam). Là thế hệ sinh ra khi nước nhà thống nhất, có thể các em chưa hiểu hết về chiến tranh nhưng khi ngắm nhìn và được nghe các hướng dẫn viên thuyết minh về tượng đài và những kỷ vật, các em không giấu được niềm xúc động khi nghĩ về sự hi sinh cao cả của các Mẹ VNAH... Em Trần Thị Như Thảo, lớp 5/2 chia sẻ: “Khi tham quan khu tượng đài, con được xem các kỷ vật của các Mẹ VNAH. Qua những kỷ vật đơn sơ, giản dị, gắn liền với cuộc sống của chúng ta, con cảm thấy sự hi sinh của các Mẹ VNAH là rất to lớn”.
Khu trưng bày, giới thiệu những kỷ vật tiêu biểu của các Mẹ VNAH trên mọi miền Tổ quốc tại Quần thể Tượng đài Mẹ VNAH chưa có điều kiện giới thiệu nhiều hiện vật gắn với cuộc đời của các Mẹ, nhưng qua 40 hiện vật được lựa chọn trưng bày ở đây thật ý nghĩa, gây nhiều xúc động cho những người đến tham quan. Từ những chiếc áo vải nâu sồng, tấm khăn rằn, chiếc bình vôi, cái ngoáy trầu chân chất, giản dị đời thường đến những chiếc cuốc, chiếc cối xay bột, cái nồi nhôm, cái ấm nước, chén bát... là những vật dụng mà trong thời chiến tranh các mẹ đã dùng để sản xuất lương thực, chế biến các thức ăn, nước uống để nuôi quân... Ông Dương Tấn Trung (H. Đức Phổ, Quảng Ngãi) cho biết: “Tham quan Khu tượng đài Mẹ VNAH, tôi thật sự ấn tượng bởi những kỷ vật rất quý của các Mẹ VNAH, những người đã hi sinh cả cuộc đời mình cho chồng, con và cho đất nước. Những kỷ vật dù rất nhỏ nhưng các mẹ vẫn gìn giữ, nâng niu nên tôi càng thêm kính trọng các Mẹ VNAH”.
Chị Nguyễn Thị Bích Thu - hướng dẫn viên Ban quản lý Quần thể Tượng đài Mẹ VNAH rất ấn tượng và xúc động khi giới thiệu về hiện vật là bức thư của người con trai mà Mẹ VNAH Trần Thị Quy (quê ở Tam Thăng, TP Tam Kỳ) cất giấu cẩn thận để che mắt kẻ thù... Chị Bích Thu cho biết, những bức thư này là của ông Lê Ngọc Lân, cán bộ tập kết ra Bắc gửi về thăm mẹ Quy trong chiến tranh chống Mỹ. “Ông Lân công tác ở Quảng Ninh, rất nhớ quê nhớ mẹ nên viết những lá thư gửi về thăm hỏi. Khi nhận được thư con, mắt của mẹ Quy đã mờ, không đọc được. Sợ bọn giặc phát hiện sẽ bắt cả gia đình nên mẹ đã cuộn các lá thư bỏ vào ống tre rồi bỏ vào cái chum trít miệng, mang chôn ở ngoài vườn. Hòa bình lập lại, ông Lân về gặp gia đình và hỏi mẹ có nhận được những lá thư con gửi hay không. Khi ấy, mẹ Quy mới ra vườn đào cái chum đưa những bức thư lên. Thời gian chôn dưới đất lâu nên những lá thư úa màu, không đọc được nên ông Lân phục dựng lại một số bức, còn bản chính ông tặng lại bảo tàng...”.
Mỗi ngày có hàng trăm khách tham quan và ấn tượng với những kỷ vật tiêu biểu |
Ông Mai Hồng Lâm - Phó Giám đốc Ban quản lý Quần thể Tượng đài Mẹ VNAH cho biết, đến thời điểm này, tỉnh đã tiếp nhận hiện vật của 24 tỉnh, thành trên khắp cả nước với gần 220 hiện vật, 650 ảnh tư liệu cùng với rất nhiều tư liệu, phim ảnh, sản phẩm liên quan đến các bà mẹ VNAH... Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ cùng với Bảo tàng Chứng tích chiến tranh và Bảo tàng TP Hồ Chí Minh cũng chuyển giao 35 hiện vật, 184 tư liệu, 114 hình ảnh và 6 tài liệu phục vụ công tác giáo dục, tuyên truyền cho Bảo tàng Mẹ VNAH. Nhiều hiện vật, tư liệu hiện đang gửi tại Bảo tàng Quảng Nam. “Sắp tới, chúng tôi sẽ tham mưu Sở VHTT&DL trình UBND tỉnh gửi các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tổ chức sưu tầm hình ảnh, tư liệu các Mẹ VNAH để trao tặng lại Bảo tàng Mẹ VNAH, dự kiến đưa vào trưng bày vào cuối năm 2017” - ông Lâm nói.
Mong muốn của những người có trách nhiệm cũng như đồng bào, chiến sỹ và nhân dân cả nước là Bảo tàng Mẹ VNAH (trong lòng Tượng đài Mẹ VNAH) sớm được hoàn thiện để trưng bày thêm nhiều hiện vật của các Bà mẹ VNAH trên mọi miền Tổ quốc để lớp cháu con hôm nay và mai sau thêm kính trọng và tri ân những người mẹ anh hùng. Cô giáo Dương Nguyên Tầm - Tổng phụ trách Đội Trường TH Trần Quý Cáp (Tam Kỳ) tâm sự: “Những kỷ vật, tư liệu liên quan đến các Mẹ VNAH gây xúc động lớn, bởi sức chứa trong những điều bình dị, chân chất rất đời thường ấy là sự nhẫn nại hi sinh rất to lớn của các Mẹ. Là thế hệ trẻ, chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng của tỉnh sưu tầm thêm nhiều hiện vật, tư liệu về các Mẹ VNAH trên địa bàn tỉnh nói riêng, cả nước nói chung để sớm trưng bày, giới thiệu phong phú tại Bảo tàng Mẹ VNAH, nhằm giáo dục truyền thống, tri ân các Mẹ và những người đã hiến dâng mình cho Tổ quốc cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau”.
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương khi thăm Quần thể Tượng đài Mẹ VNAH đã khẳng định: “Cuộc đời và sự nghiệp của các Mẹ VNAH sống mãi với non sông đất nước. Con cháu các thế hệ người Việt Nam mãi mãi tri ân các Mẹ đã cống hiến cho Tổ quốc Việt Nam những người chồng người con thân yêu”. Hôm nay, trong những dòng người về thăm Tượng đài Mẹ VNAH, ai cũng rưng rưng xúc động khi nhìn ngắm những kỷ vật tiêu biểu của các Mẹ VNAH trên khắp mọi miền Tổ quốc. Những kỷ vật bình dị, đời thường của các Mẹ có sức lay động lòng người, bởi đó là một phần không thể thiếu để mỗi chúng ta thêm kính trọng và tri ân các Mẹ VNAH !
Thạch Hà