Báo Công An Đà Nẵng

Kỳ vọng cho hội nghị thượng đỉnh Nga – Triều

Thứ tư, 24/04/2019 07:23

Trong ngày 23-4, khoảng 30 đại diện phái đoàn Triều Tiên đã đến Vladivostok chuẩn bị cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Triều.

Triều Tiên ngày 23-4 đã chính thức xác nhận, nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ sớm đến Nga để gặp Tổng thống Vladimir Putin trong một hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào thời điểm quan trọng cho chính sách ngoại giao khó khăn nhằm loại bỏ kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Người dân Hàn Quốc theo dõi thông tin về cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Triều tại nhà ga Seoul. Ảnh: AP

Sẽ gặp vào ngày 25-4?

Moscow và Bình Nhưỡng đã xác nhận cuộc gặp thượng đỉnh nhưng chưa tiết lộ ngày và địa điểm chính thức. Tuy nhiên, một nguồn tin ngoại giao tại Vladivostok cho biết, Moscow và Bình Nhưỡng dường như đang điều chỉnh lịch trình cho bữa tối hôm nay (24-4) giữa ông Kim và ông Putin và cuộc gặp chính thức dự kiến sẽ diễn ra vào ngày mai (25-4).

Trong ngày 23-4, khoảng 30 đại diện phái đoàn Triều Tiên đã đến Vladivostok chuẩn bị cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Triều. Hai máy bay từ Triều Tiên, thay vì một chiếc như dự kiến ban đầu, cũng đã đáp xuống sân bay Vladivostok. Truyền thông Hàn Quốc đưa tin, cơ quan an ninh Triều Tiên được cho lên hai máy bay này và tới Nga để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Triều. Theo Sputnik, các thành viên của phái đoàn Triều Tiên đã rời sân bay Vladivostok bằng taxi và ô-tô nước ngoài có biển số xe địa phương.

Theo các nguồn tin, các nhân viên an ninh và lễ tân của ông Kim Jong-un được cho là đang hoàn tất sự chuẩn bị cuối cùng tại thành phố Vladivostok. Ông Kim Chang-son, người đứng đầu ban lễ tân của nhà lãnh đạo Triều Tiên, và các nhân viên khác đã được nhìn thấy xuất hiện ở các cơ sở tiền trạm ở Vladivostok, trong đó có cơ sở ở Đại học Liên bang Viễn Đông trên đảo Russky. Hiện trường đại học này được đánh giá là địa điểm tiềm năng nhất để tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nga-Triều, vì nơi này từng tổ chức một loạt các sự kiện quốc tế cấp cao, trong đó có Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) hồi năm 2012.

Sputnik cũng dẫn một nguồn tin tại ga đường sắt Viễn Đông của Nga cho biết, tàu bọc thép của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ đến Vladivostok vào hôm nay (24-4). “Tàu bọc thép tới ga Hasan vào buổi sáng, sau đó hướng tới Ussuriysk và từ đó sẽ đi đến Vladivostok. Giao thông đường sắt tại khu vực trùng khớp với thời gian biểu ngày hôm nay”, nguồn tin nêu rõ.

Nga muốn gì?

Cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Triều diễn ra giữa lúc Moscow mong muốn tái khẳng định đòn bẩy ngoại giao đối với bán đảo Triều Tiên và mở rộng hợp tác kinh tế trên khắp khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, cũng như thận trọng trước viễn cảnh thống trị khu vực của Trung Quốc. 

Tổng thống Putin vì lẽ đó sẽ tận dụng cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới với nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhằm tăng cường tầm ảnh hưởng địa chính trị của Moscow với bán đảo Triều Tiên cũng như khai thác tiềm năng kinh tế tại khu vực này và xa hơn nữa. Thực tế cho thấy, giữa lúc biến động trên bán đảo Triều Tiên trong vòng một năm qua, sự hiện diện của Nga dường như mờ nhạt, điều này khiến giới chức Nga lo ngại do vai trò của nước này có thể bị bỏ qua trong các vấn đề liên quan bán đảo Triều Tiên. Ngoài ra, trong bối cảnh căng thẳng dai dẳng giữa Nga với Mỹ kể từ khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014, việc tăng cường quan hệ với Triều Tiên có thể tạo đối trọng với Washington. “Sau Chiến tranh Lạnh, Nga lo đối phó các thách thức kinh tế của nước này, do đó không lưu tâm tới Triều Tiên, nhưng hiện nay với tư cách là cường quốc, Nga muốn thiết lập hàng rào bảo vệ xung quanh để chống đỡ sự ganh đua ngày càng gia tăng với Mỹ”, một chuyên gia nhận định.

Phá vỡ thế bế tắc đàm phán Mỹ - Triều?

Triều Tiên cho đến nay vẫn chưa nhận được những gì họ mong muốn nhất từ các cuộc hội đàm thượng đỉnh gần đây giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và các nhà lãnh đạo thế giới - cụ thể là thoát khỏi các lệnh trừng phạt quốc tế.

Trong bối cảnh này, ông Kim Jong-un có nhiều lý do để mong chờ cuộc gặp với ông Putin. Đây là một cơ hội khác để nhà lãnh đạo trẻ chứng minh với thế giới và Washington rằng, ông có khả năng ngoại giao đối ngoại với các nhà lãnh đạo thế giới khác bên cạnh Mỹ và Trung Quốc. Và hội nghị này có thể cho thấy Bình Nhưỡng có một cường quốc thế giới khác “chống lưng”. Các chuyên gia cũng dự đoán, một số tuyên bố chung của ông Kim và ông Putin có thể được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh, điều mà Washington chắc chắn sẽ rất chú ý và có thể sẽ phải “tự nhìn lại mình”.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, hội nghị thượng đỉnh Nga-Triều khó có thể ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán hạt nhân đang bị đình trệ giữa Washington và Bình Nhưỡng. Washington có thể vẫn kiên quyết với lập trường cứng rắn rằng sẽ không có bất kỳ biện pháp trừng phạt nào được gỡ bỏ trước khi Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

THANH VĂN