Báo Công An Đà Nẵng

Kỳ vọng gì từ chuyến công du Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ?

Thứ bảy, 17/06/2023 10:19
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thăm Trung Quốc cuối tuần này. Ảnh: Getty Images

Cuối tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ đến Trung Quốc, trở thành Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên đến thăm Trung Quốc sau 5 năm và là quan chức cấp Nội các Mỹ đầu tiên đến Bắc Kinh trong 4 năm qua. Chuyến đi dự kiến diễn ra vào tháng 2 song đã bị hoãn lại sau khi quân đội Mỹ bắn hạ một khinh khí cầu của Trung Quốc mà Washington tuyên bố là “khí cầu do thám”. Trong khi đó, Bắc Kinh tuyên bố đó là khinh khí cầu khí tượng phục vụ cho mục đích dân sự.

Theo kế hoạch, ông Blinken sẽ thăm Bắc Kinh ngày 18, 19-6. Các nguồn tin cho biết ông Blinken có thể sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm kéo dài 2 ngày. Ngoại trưởng Blinken là quan chức cấp cao nhất trong chính phủ Mỹ đến thăm Trung Quốc từ khi ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ từ tháng 1-2021. Các quan chức Mỹ cũng cho biết mục tiêu chính của ông Blinken trong chuyến thăm Bắc Kinh là có những cuộc thảo luận “ngay thẳng, trực tiếp và xây dựng” với các quan chức Trung Quốc.

Chuyến thăm đặc biệt

Chuyến công du bắt đầu từ ngày 16-6 của Ngoại trưởng Blinken diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai siêu cường kinh tế đang xuống dốc nghiêm trọng. Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns miêu tả đây là thời điểm quan hệ hai nước ở mức thấp nhất kể từ chuyến công du Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Richard Nixon vào năm 1972 để thiết lập quan hệ.

Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã có những tiết lộ mới nhất về những gì Ngoại trưởng Blinken và nước chủ nhà Trung Quốc dự kiến đề cập trong chuyến thăm, trong đó có các cuộc thảo luận về việc duy trì các đường dây liên lạc mở, các vấn đề song phương, toàn cầu và khu vực đáng quan tâm, hợp tác tiềm năng về những thách thức chung xuyên quốc gia. Trong một tuyên bố ngày 15-6, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel J. Kritenbrink cho biết các cuộc đàm phán sẽ bao gồm thảo luận tập trung vào các cách ngăn chặn tính toán sai lầm để không dẫn đến xung đột.

Mỹ không kỳ vọng đạt bước đột phá

Ngay trước khi chuyến thăm bắt đầu, Kurt Campbell - quan chức hàng đầu của Nhà Trắng về châu Á - đã hạ thấp kỳ vọng, nói rằng Mỹ cần thực tế hơn và chuyến đi không nhằm mục đích đạt được một số đột phá hoặc thay đổi trong cách phản ứng với Trung Quốc.

Ngày 16-6, Cố vấn An ninh của Nhà Trắng Jake Sullivan cũng cho biết Mỹ không kỳ vọng có đột phá trong quan hệ với Trung Quốc trong chuyến thăm dự kiến của Ngoại trưởng Antony Blinken tới Bắc Kinh vào cuối tuần này.

Phát biểu tại Tokyo, ông Jake Sullivan nêu rõ trong chuyến công du Trung Quốc sắp tới, Ngoại trưởng Mỹ Blinken sẽ giải thích rõ hơn chính sách của Washington trong bối cảnh nước này đang thực hiện đường lối ngoại giao mạnh mẽ để giải quyết căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. "Tuy nhiên, chúng tôi không kỳ vọng chuyến thăm này sẽ đưa tới bất kỳ bước đột phá nào trong quan hệ song phương với Trung Quốc", ông Sullivan nhấn mạnh.

Tuy nhiên, giới phân tích tin rằng chuyến thăm của ông Blinken tới Trung Quốc ít nhất cũng sẽ chỉ ra một điều đó là mối quan hệ song phương được đánh giá là quan trọng nhất thế giới này sẽ không đi chệch hướng. Dù không có tín hiệu về việc hai bên có thể đạt đột phá nhưng chuyến thăm của ông Blinken có thể mở đường cho những hoạt động tiếp xúc ngoại giao khác, không loại trừ khả năng diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình trong năm nay. Điều này phản ánh hai bên vẫn theo đuổi con đường ngoại giao.

Ngoại trưởng Blinken và người đồng cấp Trung Quốc Tần Cương cũng đã có cuộc điện đàm vào ngày 13-6 để xác nhận chuyến thăm Trung Quốc. Trong cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Blinken đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các đường dây liên lạc mở để quản lý một cách có trách nhiệm mối quan hệ Mỹ - Trung nhằm tránh tính toán sai lầm và xung đột có thể gặp phải. Trong khi đó, ông Tần Cương đánh giá kể từ đầu năm tới nay, quan hệ Trung - Mỹ đã gặp nhiều trở ngại. Ông bày tỏ hy vọng Washington sẽ cùng Bắc Kinh giải quyết bất đồng, thúc đẩy trao đổi và hợp tác, tránh nguy cơ mối quan hệ song phương ngày càng xấu đi và đưa mối quan hệ này trở lại quỹ đạo phát triển lành mạnh và ổn định.

AN BÌNH