Báo Công An Đà Nẵng

“Kỳ vọng lớn” của Trung Đông

Thứ ba, 17/04/2018 10:21

Chiến tranh leo thang ở Syria. Không khí ảm đạm phủ bóng ở Iran liên quan thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Và Iraq có thể được xem là hy vọng lóe sáng cuối cùng cho Trung Đông hiện nay.

Một cuộc bầu cử Quốc hội sắp diễn ra vào tháng 5 tới tại Iraq sẽ phản ảnh rõ nét một Trung Đông trong tương lai gần. Khi các nhà lãnh đạo phương Tây quyết định tấn công Syria và tự hỏi liệu có nên áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhằm vào Iran với cáo buộc về mối đe dọa hạt nhân của họ hay không, họ có thể thiếu một sự phản biện ôn hòa ở Trung Đông – một khu vực vốn chưa bao giờ yên ả và cần nhiều sự ủng hộ hơn nữa.

Thật kỳ lạ, trong lúc này, Iraq, quốc gia nằm giữa Iran và Syria, sẽ tổ chức các cuộc bầu cử quốc gia vào ngày 12-5 tới. Và điều thực sự nổi bật là cuộc bầu cử đã trở thành một minh chứng cho sự tiến bộ vững chắc của Iraq trong việc vượt qua xung đột tôn giáo và sắc tộc kể từ cuộc chiến xâm lược của Mỹ vào năm 2003.

Chiến dịch vận động tranh cử chính thức cho cuộc bầu cử Quốc hội mới bắt đầu hồi cuối tuần qua. Tuy nhiên, ngay cả trước đó, một nỗ lực bí mật của Iran nhằm củng cố cộng đồng người Shiite ở Iraq vào liên minh chính trị chặt chẽ - một trong số đó sẽ loại trừ những người Sunnis và người Kurds thiểu số - đã thất bại.  Các nhân vật Shiite hàng đầu như Thủ tướng Haider al-Abadi, và Moqtada al-Sadr, đang chạy đua tranh cử trên nền tảng nhấn mạnh sự thống nhất quốc gia và đấu tranh chống tham nhũng.

Rõ ràng, vị thế ngày càng được củng cố của Iraq là điều dễ hiểu. Năm ngoái, quân đội quốc gia đã chiến thắng các lực lượng phiến quân Hồi giáo, vốn chiếm quyền kiểm soát hơn 1/3 đất nước kể từ năm 2014. Cũng trong năm 2017, một cuộc bầu cử ở khu vực người Kurd giành độc lập đã thất bại. Những cử tri trẻ tuổi đang chán ngán với tham nhũng, buộc các chính trị gia phải tuyên bố, họ có khả năng kiềm chế vấn nạn này.

Và đất nước này cũng đã có được sự tăng trưởng kinh tế khác thường và dòng chảy xuất khẩu dầu mỏ phong phú hơn. Trong một dấu hiệu rõ ràng về “sức khỏe” dân chủ của Iraq, gần 7.000 ứng cử viên đang chạy đua cho 329 ghế trong Quốc hội. Nhiều ứng viên phản ánh một sự oán giận chống lại sự can thiệp của Iran vào Iraq, được thúc đẩy bởi mong muốn của Tehran về một cây cầu qua Syria và đến bờ biển Lebanon. Ở một mức độ sâu hơn, nhiều người Iraq chấp nhận ý tưởng của Đại giáo chủ Ayatollah Ali al-Sistani, người cầm đầu phái Shiite tại Iraq, nhân vật luôn chống đối Iran mạnh mẽ.

Thật ra, Iraq vẫn khó có thể là một mô hình dân chủ. Sự xáo trộn chính trị sau cuộc bỏ phiếu lần này có thể là rất lớn. Nhưng một vấn đề cơ bản đặt ra: liệu một chính phủ mới có yêu cầu lực lượng Mỹ rời đi. Khả năng này khó xảy ra trong bối cảnh Nhà Trắng vẫn cung cấp viện trợ cho Iraq. Tuy nhiên, với một Trung Đông không ổn định do xung đột tôn giáo, các bước đi nhỏ của Iraq cần được hoan nghênh.

THANH VĂN